Giải cứu 'cơn khát' cho người dân nơi biên giới
Hiện tại Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô hạn, nhiều thôn, làng của vùng đồng bào dân tộc tỉnh Gia Lai thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước tình hình trên, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai đã và đang chủ động kêu gọi, phối hợp với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm giải cứu kịp thời 'cơn khát' cho người dân nơi đây.
Đã nhiều năm nay, người dân làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai vẫn dùng nguồn nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, ngay đầu mùa nắng nóng năm nay, nước ở những khe suối bắt đầu cạn dần. Chị Ksor Thít nói: “Ngày trước, chúng tôi cứ ra con suối đầu làng là có nước. Giờ suối đã trơ đáy, lổn nhổn đá hộc, đá cuội". Sáng sớm, chị Ksor Thít cùng bà con trong làng phải xách thùng, xách xô, đi bộ quãng đường khá xa, ngược lên thượng nguồn để lấy nước gùi về sử dụng. Đường xa, chị Ksor Thít chỉ đủ sức mang theo can nhỏ loại 10 lít, vì vậy, mỗi ngày, chị phải đi lấy nước 3-4 lần mới đủ sinh hoạt. Thấy cán bộ, chiến sĩ BĐBP khoan giếng cho dân, chị Ksor Thít và bà con phấn khởi lắm.
Được biết, để giải quyết “cơn khát” nước sạch cho bà con làng Dăng, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai đã kêu gọi, phối hợp với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh và trích kinh phí đơn vị để đầu tư khoan 3 giếng nước dẫn về tận thôn làng cho bà con sử dụng. Một giếng tại làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai; 1 giếng tại Chốt Suối Ba, Đồn Biên phòng Ia Lốp, 1 giếng tại làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông.
Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy BĐBP Gia Lai cho biết: “ Qua kiểm tra, khảo sát trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xác định chọn các thôn, làng, cụm dân cư xa xôi, khó khăn về nước sạch sẽ triển khai làm trước, làm đến đâu chắc đến đó. Chúng tôi đã vận động, kêu gọi, phối hợp với các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; vận dụng tất cả các nguồn lực để nhân dân vùng biên giới sớm có nguồn nước sạch để sử dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt”.
Mỗi giếng khoan đều có máy bơm, bơm nước lên bồn chứa để từ đó dân bản đến lấy về dùng. Kinh phí thực hiện mỗi công trình khoảng 90 đến 120 triệu đồng, tùy từng địa bàn và thổ nhưỡng khác nhau, do BĐBP và các nhà hảo tâm trực tiếp thi công, quản lý, hỗ trợ vận hành và khi người dân biết cách sử dụng thì chuyển giao cho họ sử dụng. Đây cũng là hành động, việc làm đầy tính nhân văn của BĐBP Gia Lai đối với bà con nhân dân vùng biên giới, lan tỏa và gắn kết thêm tình quân dân bền chặt trên miền biên giới.
"Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực triển khai nhiều chương trình, dự án phù hợp, hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân biên giới; từ đó, tô thắm thêm tình cảm quân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững bình yên địa bàn" - Đại tá Nguyễn Văn Nghị nhấn mạnh.