Giải cứu được 165 nạn nhân của mua bán người thông qua đường dây nóng
Ngày 14/2, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tổng kết dự án 'Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người'.
Tại hội ban tổ chức cho biết, theo số liệu thống kê, từ năm 2019 tới năm 2021, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tiếp nhận 9.154 cuộc gọi, 1.069 cuộc gọi về tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu.
Dự án tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người đã nâng cấp các thiết bị và hệ thống của Đường dây nóng, tổ chức các khóa đào tạo cho trên 450 lượt nhân viên tư vấn của Đường dây nóng và các nhân viên công tác xã hội của các Trung tâm công tác xã hội/Trung tâm Bảo trợ xã hội trên toàn quốc.
Đồng thời, hỗ trợ đánh giá chất lượng nhân viên tư vấn nhằm cải thiện chất lượng tư vấn, hỗ trợ rà soát văn bản chính sách như Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người, và thực hiện hàng loạt các hoạt động truyền thông không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng một số dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức của người dân về Đường dây nóng.
Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em cho biết, một trong những kết quả đáng chú ý mà dự án đạt được là nhận thức của người dân về Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người đã tăng lên.
Vào đầu giai đoạn 2 của Dự án trong năm 2019, chỉ có 12,3% người dân biết về Đường dây, tuy nhiên hiện tại, con số này đã tăng lên thành 51% (Theo báo cáo khảo sát đầu kỳ và cuối kỳ Dự án). Một kết quả đáng kể khác là Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng tư vấn của Đường dây nóng. Theo kết quả của khảo sát cuối kỳ, 68% người sử dụng đánh giá hài lòng về chất lượng tư vấn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Chính phủ Việt Nam nhận thấy mua bán người là một vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng chống mua bán người đang ngày càng tăng.
Do vậy, việc vận hành đường dây nóng phòng chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp phù hợp, hữu ích để có thể tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng chống mua bán người tại Việt Nam.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người và mạng lưới hỗ trợ, can thiệp cho nạn nhân và các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em.