Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm ngày 24/2 tại bệnh viện Quân y 108, Hà Nội. Lễ viếng diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 1/3 (tức 10 tháng 2 năm Quý Mão). Lễ truy điệu được cử hành vào 10h45 cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Gia đình xúc động trước giờ phút đưa tiễn nhà thơ, dịch giả Dương Tường về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Con gái dịch giả Dương Tường nức nở bên linh cữu. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn tới viếng dịch giả Dương Tường. Ông cho biết bên cạnh những đóng góp về văn chương, dịch thuật, nhà thơ dịch giả Dương Tường còn lặng lẽ ủng hộ, cống hiến cho nền mỹ thuật đương đại. Căn nhà của dịch giả Dương Tường ở phố Phan Huy Chú (Hà Nội) là nơi trưng bày nhiều tác phẩm của họa sĩ nhiều thế hệ. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi sổ tang, tưởng nhớ dịch giả Dương Tường. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Nhà văn Lê Phương Liên ghi lời tiễn biệt nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Đối với nữ nhà văn, dịch giả Dương Tường là trí thức mà mọi người luôn ngưỡng mộ và sẽ nhớ mãi. "Cầu mong ông thanh thản nơi vĩnh hằng cực lạc", nhà văn Lê Phương Liên viết. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
NSND Lê Khanh xúc động tới viếng dịch giả Dương Tường. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc - cùng các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam tới viếng dịch giả Dương Tường. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Nhiều văn nghệ sĩ tới lễ viếng dịch giả Dương Tường. Nhà văn Ngô Thảo thương tiếc khi trên trần gian nay đã mất đi người lao động nghệ thuật nghiêm túc, cẩn trọng, chuyên cần, năng suất cao. "Cầu chúc hương linh người sớm gặp gỡ bạn văn ở một thế giới không còn lận đận", nhà văn Ngô Thảo viết trong sổ tang. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Dịch giả Dương Tường được yêu mến bởi tính cách hòa đồng. Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng thể hiện lòng biết ơn với nhà thơ, dịch giả Dương Tường vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp văn học. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo T. Ư) Nguyễn Minh Nhựt ghi sổ tang tri ân nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
NSƯT Lê Chức - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - viếng nhà thơ Dương Tường. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đọc điếu văn tiễn biệt dịch giả nổi tiếng Dương Tường. Ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định Dương Tường là người "rất nặng". "Sức nặng của ông là từ cây thập giá chữ ông tự nguyện mang vác đến trọn đời. Mượn cách nói của Lê Đạt, có thể nói chữ đã bầu lên Dương Tường - một dịch giả xuất sắc, một nhà thơ độc đáo. Chữ đã tạo nên giá trị con người ông", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Ca khúc Dương cầm lạnh và Tình khúc 24 vang lên trong phút tiễn biệt dịch giả Dương Tường. Đây là hai bài thơ của nhà thơ Dương Tường do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Dương Tường là dịch giả tầm cỡ, có công chuyển ngữ nhiều phẩm lớn của văn học thế giới. Ông được kính nể vì sự am tường văn hóa, là cây viết phê bình văn học, mỹ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong điếu văn tiễn biệt, Dương Tường được vinh danh là một trong những người không bao giờ biết đến tuổi già trong tâm hồn, không bao giờ trở thành người già về tinh thần, bởi bên trong Dương Tường luôn cháy mãi ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa sáng tạo. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Nhà thơ và dịch giả Dương Tường, tên thật là Trần Dương Tường, sinh ngày 04/08/1932, tại Mỹ Lộc, Nam Định. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1949, giải ngũ và sinh sống tại Hà Nội từ năm 1955. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ Văn xã (Văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam. Ông từng làm công tác biên tập - phiên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Năm 1979, ông nghỉ hưu và kiên trì theo đuổi con đường dịch thuật.
Ngọc Ánh - Gia Linh - Trọng Quân