Giai đoạn 2008 - 2020, cả nước xảy ra 51 sự cố hóa chất
Theo thống kê của 58 địa phương, từ năm 2008 - 2020, cả nước xảy ra 51 sự cố hóa chất, thiệt hại vật chất ước tính 172 tỷ đồng; riêng sự cố tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông năm 2019 thiệt hại 150 tỷ đồng…
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hóa chất năm 2007 của Chính phủ, mặc dù ngành công nghiệp hóa chất chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu đề ra nhưng cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Công nghiệp hóa chất duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm với một loạt dự án lớn đi vào hoạt động. Một số lĩnh vực của ngành công nghiệp hóa chất đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa, tiền chất thuốc nổ (NH4NO3); bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất…
Hiện, chưa ghi nhận trường hợp tổ chức, cá nhân xin cấp phép sản xuất hóa chất cấm. Bộ Công thương đã cấp 217 giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế cho các tổ chức, cá nhân. Tổng số tổ chức, cá nhân đã được các Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện là 2.286. Trung bình mỗi năm có khoảng 65.000 - 70.0000 hồ sơ khai báo hóa chất nhập khẩu được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Tính đến nay, Bộ Công thương đã phê duyệt 248 Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Theo thống kê của 58 địa phương, từ 2008 - 2020, có tổng cộng 51 sự cố hóa chất xảy ra, khiến 10 người chết, 12 người bị ảnh hưởng sức khỏe, một số nhà xưởng, kho chứa bị cháy, sập. Thiệt hại vật chất ước tính 172,62 tỷ đồng, trong đó riêng sự cố tại Công ty CP Bóng đèn và phích nước Rạng Đông năm 2019 ước thiệt hại 150 tỷ đồng…
Theo đánh giá của Chính phủ, việc triển khai thi hành Luật Hóa chất đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc do một số quy định về quản lý hóa chất chưa hài hòa với quy định quản lý của các nước trên thế giới. Việc tiến hành cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến không đồng bộ với đẩy mạnh hiệu lực hiệu quả công tác giám sát sau cấp phép gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, nhiều doanh nghiệp có thể lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để thực hiện các hành vi vi phạm. Một số doanh nghiệp thực hiện thủ tục “lấy lệ”, cung cấp thông tin không chính xác, không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất…
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động hóa chất, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung thay thế Luật Hóa chất là thực sự cần thiết, Chính phủ nêu rõ.
Hiện, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). So với Luật Hóa chất năm 2007, phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi bổ sung thêm quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất trong sản phẩm. Cụ thể, luật quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hoạt động hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.