Giải mã áp lực tỷ giá từ chuyển động ngầm của cán cân thanh toán tổng thể
Nhiều ý kiến cho rằng, dù chỉ số DXY giảm hơn 10%, song VND vẫn tiếp tục rớt giá cho thấy áp lực tỷ giá đến từ cung cầu ngoại tệ nội tại. Tính trong quý đầu năm, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thâm hụt 1,68 tỷ USD, quý thứ 5 liên tiếp âm do cán cân tài chính đảo chiều và khoản mục lỗi - sai sót gia tăng áp lực.

Nguồn: tổng hợp từ số liệu của NHNN.
Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, VND tiếp tục giảm giá gần 3% so với USD, trái ngược với diễn biến của chỉ số DXY - vốn giảm tới 10%.
Lý giải áp lực từ nội tại
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, chỉ số DXY hiện không phản ánh xu hướng biến động tỷ giá USD/VND, do trước đây, khi DXY tăng, tâm lý găm giữ ngoại tệ thường khiến VND chịu áp lực mất giá. Còn hiện tại, dù DXY giảm, VND vẫn tiếp tục giảm giá cho thấy vấn đề nằm ở cung - cầu ngoại tệ nội tại.
Về phía cung ngoại tệ, thặng dư thương mại 6 tháng chỉ đạt 7,6 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 40% so với cùng kỳ. Đồng thời, có dấu hiệu các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh chuyển lợi nhuận về nước, như trong quý I/2025, dòng lợi nhuận FDI chuyển ra ngoài lên tới 7 tỷ USD, cao hơn mức bình quân 5 tỷ USD mỗi quý, tạo áp lực lên tỷ giá.
"Nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể, trước đây liên tục duy trì thặng dư ở cả tài khoản vãng lai lẫn tài khoản tài chính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cán cân tài chính liên tục thâm hụt. Trong quý I, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, con số thâm hụt 3,5 tỷ USD" - lãnh đạo VCBF phân tích.
Tỷ giá trượt đều, thay vì biến động "giật cục"
"Từ đầu năm đến nay, chính sách điều hành tỷ giá theo hướng tỷ giá trượt, tức VND mất giá liên tục và qua từng tháng và khả năng mất giá của VND so với USD khả năng cao vẫn tiếp tục diễn ra. Tại vì áp lực hiện tại vẫn còn, đến từ chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt ở kênh huy động và tín dụng, làm cho dòng vốn trên thị trường 1 tiếp tục dịch chuyển ra nước ngoài tương đối nhiều. Kể cả số liệu từ cán cân thanh toán tổng thể quý I vừa công bố cũng cho thấy áp lực rút vốn ra nước ngoài vẫn hiện hữu. Hiện mới xóa bỏ được trạng thái âm trên thị trường liên ngân hàng" - Ông Trần Ngọc Báu, Chủ tịch Công ty cổ phần WiGroup
Chỉ rõ nguyên nhân cán cân thâm hụt kéo dài, ông Linh cho rằng, từ đầu năm tới cuối tháng 6/2025, khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Chính phủ và doanh nghiệp giảm dư nợ vay dài hạn với các khoản vay bằng ngoại tệ. Trong năm 2024, tổng mức trả nợ vay ròng dài hạn 6,7 tỷ USD, riêng quý I vẫn ở mức cao 1,8 tỷ USD và tác động tới cân đối cung cầu ngoại tệ.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch Công ty cổ phần WiGroup, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ chỉ rõ, chênh lệch lãi suất cao và tỷ giá tăng khiến cả Chính phủ và khối tư nhân hạn chế vay mới từ nước ngoài và tập trung trả nợ, dẫn đến hiện tượng trả nợ ròng.
"Có thể thấy xuất nhập khẩu cùng tăng trưởng mạnh và tạo ra thặng dư thương mại, nhưng thặng dư thương mại không đủ gồng gánh câu chuyện về áp lực rút vốn" - ông Báu nhìn nhận.
Cũng theo ông Báu, khác với các năm trước khi tỷ giá chỉ biến động mạnh, "giật cục" và tăng trong một vài thời điểm rồi dần ổn định, năm nay, tỷ giá có khả năng trượt đều cả năm. Đặc biệt, khi Việt Nam đang đẩy mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ, thậm chí gỡ bỏ trần tăng trưởng tín dụng sắp tới để hỗ trợ kinh tế, điều này càng làm gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Cán cân thanh toán âm kéo dài 5 quý liên tiếp
Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, trong quý I/2025, cán cân thanh toán tổng thể (BOP) thâm hụt 1,68 tỷ USD, tiếp tục ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp cán cân âm và nới rộng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (quý I/2024: âm 1,37 tỷ USD). Tuy nhiên, so sánh với mức thâm hụt mạnh hơn 6 tỷ USD trong quý II/2024, cán cân hiện ổn định hơn.
Đi sâu vào phân tích, trước hết, cán cân vãng lai đạt 3,96 tỷ USD quý I/2025, giảm mạnh 24% so với mức 5,22 tỷ USD cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do thặng dư thương mại hàng hóa thu hẹp, còn 7,94 tỷ USD (giảm 33%). Bên cạnh đó, thu nhập đầu tư ròng âm 5,9 tỷ USD. Tuy vậy, cán cân dịch vụ chuyển biến tích cực khi mức nhập siêu giảm còn 1,64 tỷ USD, so với mức gần 3 tỷ USD cùng kỳ.
Tiếp theo, cán cân tài chính quý I/2025 có diễn biến đáng lo khi đảo chiều mạnh, từ mức thặng dư 1,44 tỷ USD trong quý I/2024 sang thâm hụt 3,51 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trực tiếp ròng quý I/2025 đạt 3,62 tỷ USD, tăng nhẹ 3,5% cùng kỳ và là điểm sáng trong bức tranh cán cân tài chính, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp rút ròng gần 1 tỷ USD, song thấp hơn 3 quý liền kề. Đáng lưu tâm hơn, đầu tư khác ròng âm 6,22 tỷ USD.
Theo đó, trong quý I/2025, khoản mục "Đầu tư khác: Tài sản có" âm 3,5 tỷ USD, đảo chiều mạnh so với mức dương 247 triệu USD cùng kỳ 2024. Diễn biến này cho thấy, dòng vốn từ khu vực trong nước chuyển mạnh ra nước ngoài thông qua hình thức tiền và tiền gửi. Trong đó, tổ chức tín dụng chuyển mạnh ra nước ngoài 951 triệu USD, thay vì ghi nhận dòng vốn vào như cùng kỳ năm trước 2,69 tỷ USD.
Cùng lúc, "Đầu tư khác: Tài sản nợ" cũng âm 2,72 tỷ USD. Trong khi hoạt động rút vốn dài hạn chỉ 1,75 tỷ USD thì trả gốc dài hạn tới 3,57 tỷ USD, cho thấy trong quý I/2025, Việt Nam trả nợ nhiều hơn vay mới, đặc biệt là khu vực tư nhân (trả nợ gần 3 tỷ USD) và làm cán cân tài chính xấu đi.
Cuối cùng, con số âm của lỗi và sai sót xuất hiện nhiều năm trên cán cân thanh toán quốc tế (-2,96 tỷ USD) khiến cán cân tổng thể thâm hụt nặng hơn.
Những nhân tố kỳ vọng giúp tỷ giá bớt căng thẳng cuối năm
Như vậy, từ số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong quý đầu năm, cán cân vãng lai suy giảm 24% song vẫn duy trì thặng dư (3,96 tỷ USD), nhưng sự suy yếu của dòng vốn tài chính (chuyển từ thặng dư 1,44 tỷ USD cùng kỳ sang thâm hụt 3,51 tỷ USD), kết hợp với con số âm 2,96 tỷ USD của khoản mục lỗi và sai sót khiến cán cân thanh toán quý I/2025 thâm hụt 1,68 tỷ USD, đang tạo ra áp lực rõ rệt lên tỷ giá và cần được theo dõi chặt chẽ.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc Nghiên cứu VCBF, có một điểm tích cực là khoản mục “lỗi và sai sót” trong cán cân thanh toán giảm đáng kể, phần lớn do kiểm soát hiệu quả thị trường vàng, giúp hạn chế hoạt động găm giữ USD nhập khẩu vàng bất hợp pháp.
Cũng theo ông Linh, triển vọng nửa cuối năm 2025 tích cực hơn khi khối ngoại quay lại mua ròng mạnh hai tuần đầu tháng 7 hơn 11.000 tỷ đồng. Nếu tình hình chính sách toàn cầu, đặc biệt thuế quan ổn định hơn, triển vọng nâng hạng và việc định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục hấp dẫn, dòng vốn ngoại có thể quay trở lại mạnh mẽ, hỗ trợ đáng kể cho tỷ giá.
Đánh giá về nhân tố giúp giảm áp lực tỷ giá, theo Bộ phận Phân tích Kinh tế và thị trường tài chính tại Ngân hàng Techcombank, khi xuất khẩu cải thiện do chính sách thương mại ổn định hơn; dòng vốn FDI/FII tăng, xu hướng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài có thể giảm khi nhà đầu tư tái đầu tư trong nước và kiều hối phục hồi, giúp tăng cung ngoại tệ. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng trước rủi ro từ chính sách thương mại Mỹ và biến động của đồng USD.