'Giải mã' băn khoăn về công ty gia đình
'Đừng vào công ty gia đình', 'Làm việc trong công ty gia đình khổ lắm'… là những bình luận ở các bài đăng trên mạng xã hội, các hội nhóm chia sẻ
Thiếu chuyên nghiệp?
Trên thực tế, pháp luật không có quy định về khái niệm công ty gia đình. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả một hình thức tổ chức và quản lý doanh nghiệp, trong đó các thành viên trong gia đình đóng vai trò quan trọng hoặc điều hành, quản lý doanh nghiệp. Họ cũng đồng thời nắm giữ phần lớn vốn điều lệ hoặc cổ phần của công ty. Hiện nay, tại Việt Nam và trên thế giới có khá nhiều doanh nghiệp thành công thuộc sở hữu gia đình hoặc hoạt động theo quy mô gia đình.
Từng có kinh nghiệm hơn 1 năm làm việc ở vị trí nhân viên truyền thông nội bộ tại một công ty gia đình ở địa bàn quận Hà Đông, chị Đỗ Thị Phương Anh (29 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định, sẽ không quay lại làm việc, gắn bó với các công ty gia đình nữa.
Một trong số những lí do mà Phương Anh đưa ra là môi trường làm việc ở mô hình doanh nghiệp này thiếu sự chuyên nghiệp, kỷ luật được đặt ra, nhưng cũng dễ bị phá vỡ bởi chính các thành viên trong gia đình. Nhiều bất cập khiến chị Phương Anh “ám ảnh” với công ty gia đình, điển hình là công việc và chế độ đãi ngộ không rõ ràng.
Khác với các tập đoàn lớn, ở công ty Phương Anh từng làm việc, hầu hết nhân viên chủ chốt đều là người nhà, do đó môi trường làm việc có phần cảm tính. Theo Phương Anh, tuy làm việc ở vị trí tương đương nhau, nhưng bạn nhân viên là cháu của sếp luôn nhận được sự ưu ái hơn: Không phải tăng ca, mắc lỗi không bị phạt... Việc đối xử không công bằng khiến Phương Anh cảm thấy môi trường đó thiếu chuyên nghiệp. “Dù làm việc ở vị trí nhân viên truyền thông nội bộ, song trên thực tế từ lau dọn bàn thờ, mua đồ lễ thắp hương ngày đầu tháng,... đều đến tay tôi” - chị Phương Anh chia sẻ.
Không chỉ những người đã trải nghiệm các công ty gia đình, nhiều sinh viên mới ra trường khi được hỏi cũng đều có tâm lý “chùn bước” trước các công ty hoạt động theo mô hình này. Đinh Hoàng Anh (22 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, tốt nghiệp đại học xong anh sẽ không đi thực tập cũng như làm việc ở môi trường này mà sẽ chọn các tập đoàn, công ty có quy mô lớn để xin ứng tuyển.
Bí kíp “sinh tồn”
Tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Ngoại thương, chị Nguyễn Giang Hà Phương (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) hiện làm việc tại công ty gia đình (kinh doanh trong lĩnh vực trang sức tại địa bàn quận Cầu Giấy) khá thành công. Làm việc 3 năm ở vị trí nhân viên kinh doanh và sau đó là trưởng phòng, Hà Phương hiện cảm thấy khá hài lòng.
Cấp trên của Hà Phương là người có tính cách dễ chịu nên mọi người ở công ty cũng thân thiết, coi nhau như một “gia đình” thật sự. Hà Phương cho rằng vì tính chất “gia đình” nên tính cách của sếp là yếu tố then chốt tạo nên môi trường làm việc thân thiện hay hà khắc.
“Môi trường làm việc rất quan trọng, tuy nhiên năng lực của bản thân vẫn là yếu tố quyết định. Dù làm việc ở đâu thì tôi cho rằng cũng cần giữ được kỷ luật của bản thân, làm đúng nhiệm vụ, công việc của mình”, Hà Phương chia sẻ.
Phương cho biết, khi mới vào công ty làm việc, đồng nghiệp (là thành viên trong gia đình sếp) thường xuyên có thái độ làm việc lười nhác, đẩy việc cho nhân viên khác. Không chấp nhận nhường nhịn, Hà Phương đã thay mặt mọi người trong công ty báo cáo về vấn đề này với thái độ kiên quyết.
“Nếu công ty đối xử bất công, tôi sẵn sàng nghỉ việc, tìm cho mình hướng đi mới. Vậy nhưng rất may, bạn đồng nghiệp kia, sau khi được cấp trên nhắc nhở, tình trạng đó đã không còn tiếp diễn”, Hà Phương cho biết.
Hà Phương chia sẻ thêm, làm ở công ty gia đình, việc tạo dựng mối quan hệ tốt, gắn kết với cấp trên và các thành viên trong gia đình của sếp tương đối quan trọng. Việc này không thể hiện sự yếu kém hay nịnh nọt mà ngược lại nó là “bước đệm” để tạo nên môi trường làm việc thân thiện, có tính kết nối, gắn bó hơn.
Anh Phạm Thành Thắng (32 tuổi; Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội), cho rằng không nên đánh đồng việc làm ở công ty gia đình là tiêu cực, không có sự thăng tiến. Làm việc ở công ty gia đình nếu nhìn ở góc độ tích cực sẽ giúp người trẻ hình thành khả năng đa nhiệm hơn nhiều so với các công ty quy mô lớn.
Nhiều công ty gia đình còn rất thân thiện, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển và có chính sách phúc lợi, lương thưởng hấp dẫn. Vì thế, nếu có công ty phù hợp với định hướng của bản thân đừng bỏ lỡ cơ hội ứng tuyển.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-ma-ban-khoan-ve-cong-ty-gia-dinh-post678825.html