Giải mã các kỳ tích phát triển kinh tế Việt Nam
Cần tận dụng tốt thế mạnh về nhân lực và vị thế hiện có, cải thiện môi trường đầu tư để kinh tế Việt Nam bứt phá hơn nữa.
Trong 50 năm qua, Việt Nam (VN) đã có những bước tiến vượt bậc trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vị thế quốc gia ngày càng vững chắc trên trường quốc tế. Các nhà ngoại giao, chuyên gia quốc tế khẳng định VN còn rất nhiều cơ hội để bứt phá, vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Ông AGUSTAVIANO SOFJAN, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM:
Ba trụ cột chiến lược đưa kinh tế đi lên

VN đang bứt phá mạnh mẽ, vươn lên thành ngôi sao kinh tế mới của khu vực. Với tăng trưởng GDP đạt 7,09% và quy mô kinh tế vượt 476,3 tỉ USD, VN hiện dẫn đầu nhóm ASEAN-6, nổi bật như một tâm điểm thu hút sự chú ý toàn cầu.
Động lực then chốt của sự bứt phá này nằm ở ba trụ cột chiến lược: Sản xuất chế biến, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Khu vực sản xuất - chế biến đang bùng nổ, với giá trị gia tăng hơn 109,9 tỉ USD, được tiếp sức bởi dòng vốn FDI trị giá hàng trăm tỉ USD và sự góp mặt ngày càng sâu rộng của các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, Microsoft. VN nhanh chóng khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh, hàng may mặc và sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Sản xuất linh kiện điện tử tại một công ty trong Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: TTXVN
Song song đó, nền kinh tế số phát triển sôi động đang mở rộng biên giới tăng trưởng mới. Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT) không chỉ thúc đẩy năng suất mà còn tái định hình mô hình kinh doanh, sản xuất của quốc gia. VN cho thấy sự kiên định trong việc xây dựng một nền kinh tế số có giá trị gia tăng cao, linh hoạt và bền vững.
Đặc biệt, chiến lược chuyển đổi xanh đang định hình tương lai phát triển dài hạn. Các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn liên tục được triển khai, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh và tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Năng lượng tái tạo đang trở thành ngành kinh tế chủ lực mới, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng xanh và bền vững.
Ngày hôm nay, VN không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ, mà còn vững vàng kiến tạo một nền kinh tế đa dạng, sáng tạo và bền vững - nơi sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng xanh cùng tạo nên động lực phát triển mới cho cả quốc gia.
Ông VIPRA PANDEY, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM:
Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm lực, dư địa

Mức độ hội nhập sâu rộng của VN với kinh tế thế giới thể hiện qua mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất khẩu lớn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dồi dào và sự hiện diện mạnh mẽ của các doanh nghiệp toàn cầu, vốn là những đặc điểm nổi bật cho thấy tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế VN.
VN đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhưng còn nhiều dư địa để đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Các ngành chủ lực bao gồm điện tử, dệt may, da giày, du lịch và các sản phẩm nông nghiệp như thủy sản, cà phê (VN là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới), gạo và cao su. Năm 2024, xuất khẩu chiếm khoảng 85% GDP, phản ánh mức độ hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cho thấy tiềm năng lớn để VN tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Trong năm 2024, dòng vốn FDI tiếp tục duy trì mạnh mẽ, tập trung vào các khu công nghiệp, mở ra thêm nhiều cơ hội để phát triển các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ giá trị cao. Cơ cấu kinh tế hiện nay cho thấy ngành công nghiệp và dịch vụ đóng góp hơn 80% GDP, trong khi nông nghiệp đang giảm tỉ trọng, phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu với nhiều dư địa để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội đang phát triển nhanh, với dân số đô thị tăng mạnh, tạo nền tảng cho sự bùng nổ về dịch vụ, đổi mới sáng tạo và công nghệ trong tương lai. VN sở hữu lực lượng lao động trẻ, năng suất cao và mức lương vẫn cạnh tranh, tiếp tục là lợi thế lớn để thu hút đầu tư, không chỉ ở các ngành thâm dụng lao động mà còn ở các lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ. Lợi thế nhân khẩu học này vẫn đang là động lực quan trọng thúc đẩy tiềm lực tăng trưởng dài hạn của VN.
VN cũng là thành viên của khoảng 16 hiệp định thương mại tự do, giúp mở rộng khả năng tiếp cận tới các thị trường tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ, từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Điều này tiếp tục củng cố vị thế của VN như một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á với nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
GS CARLYLE THAYER, ĐH New South Wales (Úc):
Lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn dài hạn

VN đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất Đông Nam Á. Với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, VN duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 5%/năm và trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) dày đặc đang mở ra không gian kinh tế mới, giúp hàng hóa và dịch vụ VN thâm nhập hiệu quả vào các thị trường chủ chốt.
Tôi ấn tượng sâu sắc với khả năng của các nhà lãnh đạo VN trong việc xây dựng tầm nhìn dài hạn, hành động thực tiễn và liên tục đánh giá khách quan hiệu quả triển khai. Chính sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy chiến lược và hành động cụ thể đã tạo nên tính nhất quán trong chính sách đối ngoại, duy trì đà hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo tồn vững chắc bản sắc văn hóa dân tộc giữa làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Dựa trên lợi thế lực lượng lao động trẻ, có trình độ và chi phí cạnh tranh, VN đang nổi lên như một mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và nông sản chế biến. Các doanh nghiệp FDI hiện đóng góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa VN vào nhóm quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới.
476,3 tỉ USD là GDP VN năm 2024, đứng thứ 33 thế giới.
Trong khi duy trì đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, VN cũng ghi dấu ấn trong phát triển bền vững. Các thành tựu về giáo dục, bình đẳng giới và y tế cộng đồng đã đưa VN tiến gần hơn tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong bức tranh Đông Nam Á, VN nổi bật với mô hình phát triển riêng biệt - một nền kinh tế thị trường năng động vận hành trong khuôn khổ chính trị ổn định, kiên định mục tiêu dài hạn nhưng linh hoạt thích ứng với biến động quốc tế.
Tôi kỳ vọng VN sẽ vượt qua thách thức “bẫy thu nhập trung bình” thông qua quá trình tinh gọn bộ máy, tái cơ cấu thể chế và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Việc khuyến khích mạnh mẽ vai trò tiên phong của khu vực tư nhân không chỉ sẽ tạo động lực cho tăng trưởng bứt phá, mà còn mở đường cho VN bước vào nhóm nền kinh tế thu nhập cao trong tương lai không xa.
Sinh viên quốc tế: Đến Việt Nam vì đầy tiềm năng
Là một du học sinh Lào đến VN từ năm 2018, anh Thanva Sivanxay (28 tuổi) có nhiều trải nghiệm với nền giáo dục VN khi tốt nghiệp cử nhân tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện đang học cao học tại ĐH Kinh tế TP.HCM.
“Tại VN, không có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo hay màu da. Mọi người đều được sống trong môi trường bình yên, có quyền được hưởng hạnh phúc và tự do. Chính phủ luôn theo dõi, hỗ trợ sinh viên trong nước và quốc tế” - anh Thanva Sivanxay kể, đồng thời chia sẻ thêm tất cả sinh viên nước ngoài đều có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ phúc lợi xã hội, BHYT và được gia hạn visa hằng năm, được bố trí ký túc xá, được sống trong hệ thống an ninh đảm bảo.
“Khi tốt nghiệp tại một những trường danh tiếng ở VN, các sinh viên Lào sẽ mang theo tri thức và khát vọng trở về quê hương. Với những gì học được từ VN, họ sẽ đóng góp hết sức mình vào công cuộc phát triển đất nước, xây dựng một nước Lào giàu mạnh, hiện đại như chính đất nước VN mà họ từng gắn bó” - anh Thanva Sivanxay nói thêm.
Đồng quan điểm, “Độc lập, đoàn kết và phát triển” là ba cụm từ mà anh Arafune Tetsuo, sinh viên năm ba ngành VN học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói với Pháp Luật TP.HCM khi anh nghĩ về VN. Chàng sinh viên đến từ Nhật Bản chia sẻ rằng nguyên nhân khiến anh quyết định rời quê hương để đến VN du học là vì niềm tin vào tiềm năng phát triển của VN.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/giai-ma-cac-ky-tich-phat-trien-kinh-te-viet-nam-post847071.html