Giải mã chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thuế quan và mối đe dọa về thuế quan sẽ là một trong những công cụ được ưa chuộng của chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện nay. Đồng thời, chính sách thuế quan của Washington đang nhắm tới nhiều quốc gia, bất kể là đối thủ hay đồng minh.

Yếu tố thúc đẩy chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt mức thuế quan 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp đó, ngày 11/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, một lệnh đã được ký về việc áp mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, mặc dù thời điểm có hiệu lực bị trì hoãn 1 tháng và có thể sẽ không xảy ra vì Ottawa và Mexico đã đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về an ninh biên giới và buôn bán ma túy. Hiện các bên bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới.

Điều đặc biệt chú ý là Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế không chỉ để điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại với các quốc gia liên quan, mà còn nhằm mục đích buộc họ phải nhượng bộ, kể cả những nhượng bộ không liên quan đến thương mại. Canada và Mexico chính là những ví dụ điển hình cho nhận định trên. Theo Dmitry Suslov, thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, có nhiều lý do để giải thích cho chiến lược của Tổng thống Donald Trump.

Đầu tiên, Tổng thống Donald Trump vốn là người ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa trọng thương kinh tế và ông thực sự tin rằng thuế quan và các biện pháp bảo hộ khác là hữu ích và thậm chí là không thể thiếu để giải quyết các vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt.

Mong muốn giảm thâm hụt thương mại và đạt được thặng dư, giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu - đều là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa trọng thương kể từ thời Thomas Mun (1571-1641), và Tổng thống Trump hoàn toàn chia sẻ những nguyên lý này. Trong bài phát biểu nhậm chức, người đứng đầu Nhà Trắng không ngần ngại tuyên bố rằng ông thần tượng William McKinley, Tổng thống thứ 25 của nước Mỹ và cũng là một nhà lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Thứ hai, Tổng thống Trump cần những chiến thắng nhanh chóng, mang tính biểu tượng. Những tuyên bố cứng rắn và chính sách thuế quan mới của ông Trump được thiết kế để cử tri Mỹ hiểu rằng, ông đang sửa chữa những sai lầm và giải quyết những vấn đề đã tích tụ trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Những nhượng bộ từ Canada và Mexico, cùng khả năng ký kết một thỏa thuận thương mại mới với hai nước này, có thể sẽ sửa đổi đôi chút Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ và mang lại lợi thế nhất định cho Mỹ, chắc chắc là một chiến thắng của Tổng thống Donald Trump. Tương tự, thời gian tới cộng đồng quốc tế có thể cũng sẽ chứng kiến các thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các đồng minh, đối tác thương mại khác của Mỹ. Tổng thống Trump cũng muốn có một thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc, nhưng rõ ràng so với các đối tác khác, điều này sẽ cần nhiều thời gian hơn để thỏa hiệp.

Có một thực tế cần lưu ý là, Tổng thống Trump chủ trương tìm kiếm các thỏa thuận chứ không phải chiến tranh - cho dù là chiến tranh thương mại hay thậm chí là chiến tranh thông thường có sự tham gia trực tiếp của Mỹ. Bởi hơn ai hết, ông Trump hiểu rằng, việc bị kéo vào các cuộc xung đột có thể làm suy yếu nước Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh, chưa kể đến những hậu quả tiêu cực về kinh tế và chính trị trong nước. Thực tế, lời đe dọa áp thuế 25% đối với Canada và Mexico ngay từ đầu chỉ là những tuyên bố mạnh mẽ nhằm “nắn gân” các đối tác của Tổng thống Trump, chứ không phải là ý định khơi mào một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng. Cũng vì lý do đó, ông Trump đã áp mức thuế được cho là thận trọng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây cũng là “lời mời” đàm phán, chứ không phải là sự khởi đầu của một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Thứ ba, để củng cố vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng đối với các đối thủ, và trên hết là Trung Quốc. Việc đặc biệt quan tâm đến khu vực Tây Bán Cầu (mong muốn sáp nhập Greenland, tăng cường sự thống trị đối với Canada và Mexico, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Marco Rubio tới Trung Mỹ từ ngày 1-6/2...) cho thấy chính quyền Trump sẵn sàng quay trở lại Học thuyết Monroe và củng cố vững chắc ảnh hưởng, lợi ích tại các khu vực “sân sau”. Tổng thống Trump và những đảng viên Cộng hòa có quan điểm diều hâu nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền (Marco Rubio, Michael Waltz) cho thấy quyết tâm trong việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ, làm suy yếu đối thủ và giành thế thượng phong trong mọi vấn đề quan trọng.

Một minh họa rõ ràng về cam kết của chính quyền Trump đối với ảnh hưởng của Mỹ là nỗ lực duy trì đồng đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán và dự trữ của thế giới. Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024, ông Trump đã đưa ra những cảnh báo rất gay gắt đối với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), tổ chức đang thúc đẩy tiến trình phi đô la hóa và ủng hộ việc hình thành một trật tự kinh tế thế giới đa cực và công bằng hơn.

Hiện nay, cả Tổng thống Donald Trump và ê-kíp của mình có vẻ như nhận thức được những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt trước các đối thủ cạnh tranh, mà theo họ, hệ thống quan hệ kinh tế-thương mại hiện tại không mang lại lợi ích lớn nhất cho Mỹ, mà là cho các đối tác của nước này. Do đó, để đảo ngược quá trình này và củng cố vị thế của Washington trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, theo quan điểm của chính quyền Trump, Mỹ cần phải thúc đẩy công nghiệp hóa nhanh chóng, phát triển sản xuất công nghiệp trực tiếp tại châu Mỹ. Sự chuyển đổi của Trung Quốc thành công xưởng của thế giới là “điểm yếu chính” của Mỹ, kể cả trong lĩnh vực quân sự. Và nếu không có các chính sách bảo hộ và khuyến khích sản xuất từ các nước đồng minh sang Mỹ, vấn đề này sẽ không thể giải quyết được. Đó chính xác là mục tiêu mà các thỏa thuận thương mại mới mà ông Trump đang thực hiện với Canada, Mexico, EU, Anh hay Nhật Bản hướng tới. Và vì nhiệm vụ tái công nghiệp hóa ở Mỹ là nhiệm vụ dài hạn, nên cả thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế sẽ vẫn là công cụ quan trọng trong chính sách của Mỹ.

Lợi ích ngắn hạn, coi chừng nguy cơ về lâu dài

Thực tế, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã mang lại ít nhiều lợi ích ngắn hạn cho nước Mỹ; đặc biệt là trong mối quan hệ với các đồng minh sẵn sàng nhượng bộ để duy trì mối liên kết chung với Washington, bởi theo các nước này, hợp tác với Mỹ vẫn là yếu tố quan trọng để bảo đảm các lợi ích của họ. Hay ngay cả với Trung Quốc, với những khó khăn kinh tế trong nước, chính quyền nước này cũng không quan tâm đến việc leo thang đối đầu với Mỹ, và có thể đồng ý một số loại thỏa thuận thương mại với Washington trong thời gian tới, mặc dù điều này không có nghĩa là sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, về lâu dài, điều này cũng có thể khiến nước Mỹ đối mặt với nhiều sóng gió. Hiện nay, sự hình thành một thế giới đa cực, các trung tâm quyền lực phi phương Tây không ngừng được củng cố và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Đây là một quá trình lớn và không thể đảo ngược. Do đó, nếu Mỹ càng áp dụng những biện pháp cứng rắn, thậm chí là cực đoan, thì các quốc gia chiếm đa số trên thế giới sẽ càng nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Washington và sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ mà không có Mỹ. Năm 2024, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến sự lớn mạnh của BRICS; ngày càng nhiều quốc gia đối tác muốn gia nhập, làm cho nhóm “càng đông, càng mạnh”.

Ngay cả các đồng minh truyền thống cũng có thể bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về mối quan hệ với Mỹ. Suy cho cùng, sự phụ thuộc của các nước này đối với Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc được giải thích là bởi những lợi ích về an ninh, công nghệ, viện trợ kinh tế,... mà các nước này có thể nhận được. Bây giờ, Tổng thống Donald Trump đang xem xét lại tất cả những khía cạnh này để bảo đảm lợi ích công bằng hơn cho nước Mỹ. Trong bối cảnh các lực lượng dân túy cánh hữu và cánh tả ở châu Âu đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, thì rõ ràng, không có gì là không thể xảy ra.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giai-ma-chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-my-donald-trump-239441.htm