Làn sóng phản ứng trước chính sách áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump
Trước quyết định của Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào nước này, không có miễn trừ hay ngoại lệ, một số quốc gia đã đưa ra những bước đi thận trọng nhằm tránh nguy cơ leo thang thương mại đồng thời bảo vệ lợi ích của mình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 11/2 cảnh báo rằng mức thuế quan mới của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) "sẽ kích hoạt các biện pháp đối phó cứng rắn và tương xứng". Theo các chuyên gia, một trong những phương án mà EU có thể thực hiện là khôi phục các biện pháp thuế quan đã từng áp dụng vào năm 2018 đối với các sản phẩm của Mỹ như rượu Bourbon, xe mô tô và nước cam. Hiện tại, các biện pháp này đang được tạm hoãn đến cuối tháng 3.
![Nhiều nước phản đối chính sách áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_65_51460218/e27d75474209ab57f218.jpg)
Nhiều nước phản đối chính sách áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty
Cùng ngày, phát biểu trước các thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) tại Strasbourg, Ủy viên châu Âu về Thương mại và An ninh Kinh tế Maros Sefcovic lấy làm tiếc về quyết định áp thuế của Mỹ, khẳng định EU không thấy có lý do chính đáng nào để áp dụng thuế quan đối với hàng xuất khẩu của khối này và điều này hoàn toàn phản tác dụng về mặt kinh tế. Đặc biệt là khi xét đến các chuỗi sản xuất tích hợp được thiết lập thông qua mối quan hệ thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương.
“Bằng cách áp đặt thuế quan, Mỹ sẽ đánh thuế vào chính công dân của mình, tăng chi phí cho các doanh nghiệp của chính họ và thúc đẩy lạm phát. Ngoài ra, thuế quan không chỉ gây hại cho các đối tác thương mại trực tiếp liên quan mà còn có nguy cơ gây ra những tác động phá vỡ quan hệ với nhiều đối tác khác, cũng như toàn bộ hệ thống thương mại toàn cầu. Nói một cách đơn giản, đây là một kịch bản đôi bên cùng thua”, ông Sefcoviv nói.
Các biện pháp thuế mới của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Canada, Mexico, và nhiều quốc gia vốn trước đây được miễn thuế. Vì vậy, một loạt các quốc gia đang gấp rút tìm phương án thích nghi trước chính sách thuế nhôm, thép mới của Mỹ.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các tập đoàn thép lớn như POSCO Holdings và Hyundai Steel để đánh giá tác động và xây dựng chiến lược ứng phó.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích việc Mỹ áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu là hành động "không thể chấp nhận được", tuyên bố chính phủ Canada sẽ thực hiện "mọi bước cần thiết" để bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp của nước này.
“Chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền Mỹ trong những tuần tới để nêu bật những tác động tiêu cực đối với cả người Mỹ và người Canada do mức thuế quan không thể chấp nhận này. Mức thuế đề xuất đối với nhôm và thép của Canada là hoàn toàn không có cơ sở. Thép và nhôm của Canada là một phần không thể thiếu của nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, bao gồm quốc phòng, đóng tàu, sản xuất, năng lượng và ô tô. Nó giúp Bắc Mỹ cạnh tranh hơn, giúp ích cho người lao động Mỹ và người lao động Canada”, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Mexico, ông Marcelo Ebrard cũng cho rằng quyết định của Mỹ là "vô lý" và "bất công”: “Mexico nhập khẩu thép từ Mỹ nhiều hơn lượng thép xuất khẩu. Không có chuyện tăng 1.600% trong lượng thép xuất khẩu. Vì vậy, mức thuế quan đó là không hợp lý”.
Giới quan sát lo ngại, với quyết định này, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn trên thế giới đang ngày càng leo thang, tiềm ẩn nguy cơ đối đầu thương mại trên diện rộng.