Giải mã 'cơn sốt' ChatGPT tại Việt Nam

Chương trình tương tác với con người dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang tạo nên một 'cơn sốt' trên toàn cầu trong đó có cả ở Việt Nam. Vậy ChatGPT có gì đặc biệt?

“Cơn sốt” ChatGPT

ChatGPT với tên đầu đủ Chat Generative Pre-training Transformer là một công cụ tương tác với người dùng (chatbot) được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Hiểu một cách cơ bản, ChatGPT được xây dựng để thực hiện trò chuyện với con người tương tự như người thật. Nội dung có thể bao hàm nhiều chủ đến như: cuộc sống, khoa học, lịch sử,…

ChatGPT được đánh giá là chatbot thông minh nhất từng được đưa ra sử dụng rộng rãi.

ChatGPT được đánh giá là chatbot thông minh nhất từng được đưa ra sử dụng rộng rãi.

Theo thống kê, hiện tại ChatGPT đang có hơn 10 triệu người dùng tính từ thời điểm ra mắt là cuối tháng 11/2022. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng nếu biết một trong những mạng xã hội hàng đầu thế giới hiện nay là Instagram phải mất 1 năm để đạt tới lượng người dùng trên. Còn Facebook phải mất tới gần 2 năm.

Nguyên nhân chính khiến ChatGPT tạo thành cơn sốt trên toàn cầu do nó được đánh giá là rất thông minh, vượt trội mội chatbot từng được đưa ra sử dụng phổ biến từ trước tới nay. Không chỉ có thể thực hiện các cuộc trò chuyện với con người dưới dạng hỏi đáp thông thường, ChatGPT còn có thể thực hiện nhiều nội dung phức tạp hơn. Có thể kể đến như: viết thơ, biên tập một bài báo, làm luận văn hoặc thậm chí là lập trình cho máy tính …

Đáng chú ý, ChatGPT còn có khả năng tự học hỏi. Điều này có nghĩa nếu người dùng phản hồi rằng nội dung ChatGPT trả lời là sai thì nó tự sửa chữa những lỗ hổng này để đưa ra câu trả lời đúng cho các lần giao tiếp tới. Bên cạnh đó, với kho dữ liệu lên tới 750GB, tập hợp từ hàng loạt bài viết trên internet, báo chí, sách online cho đến tài liệu học thuật được nghiên cứu có chiều sâu và liên tục được bổ xung khiến “kiến thức” của ChatGPT ngày càng được tăng cường theo cấp số nhân.

Mới đây, khả năng của ChatGPT đã được đưa ra kiểm chứng thực tế khi chatbot này thực hiện các bài thi cuối kỳ tại một số trường đại học ở Minnesota (Mỹ). Kết quả thật đáng kinh ngạc khi ChatGPT vượt qua toàn bộ các bài kiểm tra này. Đáng chú ý, quá trình chấm điểm những bài kiểm tra trên đều do các giáo sư của trường đại học thực hiện và họ không biết trước là do ChatGPT thực hiện.

Tính tới thời điểm hiện tại, ChatGPT vẫn đang là công cụ miễn phí đối với người dùng trên toàn thế giới, ngoại trừ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù người dùng Việt bị chặn đăng ký tài khoản ChatGPT nhưng điều đó cũng không ngăn cản được “cơn sốt” này với cộng đồng người dùng công nghệ trong nước.

Không khó để nhận ra sự hiện diện của ChatGPT ở Việt Nam khi trên các trang mạng xã hội từ giải trí cho đến công nghệ, nghiên cứu… xuất hiện tràn ngập các bức ảnh giao về những trường hợp giao tiếp với chatbot này. Ngoài ra, hàng loạt hội nhóm với hàng chục ngàn thành viên được lập ra để trao đổi kinh nghiệm sử dụng ChatGPT với lượng người tham gia đông đảo.

Thậm chí, dịch vụ tạo và cho thuê tài khoản ChatGPT cũng đang nở rộ do nhu cầu rất lớn từ người dùng. Thay vì tự đăng ký với nhiều bước khó khăn, người dùng chỉ cần bỏ ra từ 20.000 - 50.000 đồng là có thể sở hữu một tài khoản ChatGPT để từ đó có thể tìm hiểu chatbot này.

Hoàng Luân (Cầu Giấy), là chủ một fanpage về ChatGPT cho biết, nhu cầu đăng ký tài khoản chatbot này đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 yêu cầu tạo tài khoản, gầp 3 lần so với 1 tháng trước đó. Điều này chứng tỏ, người dùng Việt đang rất quan tâm tới AI.

ChatGPT có thể thay thế con người?

Ngay từ khi ra đời, ChatGPT đã làm dấy lên nhiều tranh luận về khả năng của chatbot này. Trong đó, có 2 luồng ý kiến đáng lưu ý. Thứ nhất, ChatGPT sẽ ngày càng thông minh và thay thế con người trong các lĩnh vực như lập trình, báo chí, tài chính… Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, điều này khó xảy ra và ChatGPT không thể thay thế hoàn toàn được con người.

Câu trả lời không hề liên quan tới tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố của ChatGPT.

Câu trả lời không hề liên quan tới tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố của ChatGPT.

Theo nhiều chuyên gia về AI trên thế giới, điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và ChatGPT là nằm ở khả năng tư duy và sáng tạo. Mọi câu trả lời của ChatGPT với người dùng chỉ được gói gọn trong số dữ liệu được nó nạp vào, do đó sự “hiểu biết” của chatbot này là có giới hạn. Không những vậy, tương tự với nhiều chatbot khác, ChatGPT cũng không thể phân biệt được tính chính xác của thông tin mà nó đưa ra mà đơn thuần là chỉ trả lời trên dữ liệu có sẵn.

Chính “cha đẻ” của ChatGPT là OpenAI cũng đã đưa ra cảnh báo, chatbot hoàn toàn có thể đưa ra câu trả lời sai cho câu hỏi của người dùng bởi sự giới hạn về dữ liệu mà nó đang có. Bên cạnh đó, hãng này cũng khẳng định, ChatGPT không phải là một hệ thống đủ thông minh để thay thế tất cả con người dù những nội dung nó đưa ra nghe qua có vẻ đáng tin cậy.

Nói về ChatGPT, Viện trưởng CMC CIST Đặng Minh Tuấn đánh giá, chatbot này không phải quá thông minh và đặc biệt nó không có khả năng sáng tạo. Bản chất ChatGPT không phải là một cơ sở dữ liệu tri thức và không có khả năng suy diễn. Đơn thuần ChatGPT chỉ đoán từ tiếp theo dựa trên số lượng các liên kết giữa các từ đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu được đem đi huấn luyện cho nó mà thôi.

ChatGPT khá thú vị và hữu ích trong một số lĩnh vực nhưng nó vẫn còn rất rất lâu mới có thể so sánh được với trí tuệ của con người. Chatbot này chỉ đưa ra được câu trả lời dựa trên những gì được học, không suy diễn được ra những thứ gì chưa được học. Mà loài người lại đặc trưng bởi tư duy sáng tạo, thực tế, con người đã sáng tạo ra rất nhiều thứ vốn không có sẵn trong tự nhiên.

"Ở thời điểm hiện tại, chỉ nên coi ChatGPT như một tài nguyên tham khảo với mục đích học tập hoặc tìm kiếm thông tin, chứ không nên coi đây là một nguồn tin tuyệt đối để đưa ra các quyết định quan trọng", ông Đặng Minh Tuấn đưa ra lời khuyên.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-ma-con-sot-chatgpt-tai-viet-nam.html