Giải mã cơn sốt 'KPop Demon Hunters' trên toàn cầu

Bộ phim KPop Demon Hunters - sự kết hợp táo bạo giữa thần thoại Hàn Quốc, âm nhạc K-Pop và hoạt hình Hollywood đang tạo nên cơn sốt toàn cầu.

Một cảnh trong phim "KPop Demon Hunters". (Nguồn: Netflix)

Một cảnh trong phim "KPop Demon Hunters". (Nguồn: Netflix)

Ra mắt trên nền tảng Netflix vào tháng 6/2025, bộ phim hoạt hình dài 99 phút KPop Demon Hunters do Sony Pictures Animation sản xuất, nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 toàn cầu chỉ sau 3 ngày phát hành. Với sự pha trộn chưa từng có giữa phong cách hoạt hình Hollywood, năng lượng sân khấu K-Pop và yếu tố siêu nhiên lấy cảm hứng từ văn hóa Hàn Quốc, bộ phim đã tạo nên một hiện tượng truyền thông mới.

Câu chuyện xoay quanh ba cô gái Rumi, Mira và Zoey, thành viên của nhóm nhạc Huntr/x. Ban ngày, họ là thần tượng K-Pop trình diễn trước hàng chục nghìn khán giả; ban đêm, họ là thợ săn quỷ thầm lặng bảo vệ thế giới. Cuộc chiến trở nên phức tạp hơn khi nhóm nhạc nam đình đám Saja Boys xuất hiện, mang trong mình thân phận thật là...ma quỷ đội lốt thần tượng.

Sự thật sau ánh hào quang

Korea Times nhận định, tuy là sản phẩm hoạt hình hư cấu, KPop Demon Hunters phản ánh khá chính xác một số khía cạnh đời thực trong ngành công nghiệp thần tượng, nơi mà ánh đèn sân khấu thường che lấp những quy tắc khắt khe phía sau hậu trường.

Hàng nghìn người hâm mộ cầm lightstick tham dự buổi biểu diễn gần đây của TWS tại sân vận động trong nhà Jamsil của Seoul. (Nguồn: Pledis Entertainment)

Hàng nghìn người hâm mộ cầm lightstick tham dự buổi biểu diễn gần đây của TWS tại sân vận động trong nhà Jamsil của Seoul. (Nguồn: Pledis Entertainment)

Khán giả dễ dàng nhận ra những chi tiết quen thuộc: từ ánh sáng lightstick rực rỡ trong các buổi biểu diễn, những biểu ngữ do người hâm mộ tự làm, đến các buổi họp nhóm để giải quyết xung đột nội bộ. Các thần tượng đời thực, như nhóm nhạc TWS (thuộc Pledis Entertainment), thậm chí còn đặt tên cho thói quen này là “modakbul” – nghĩa là “lửa trại” – để nhấn mạnh sự gần gũi, thân mật trong việc duy trì mối quan hệ nhóm.

Tuy nhiên, bộ phim cũng lý tưởng hóa nhiều điều. Trong phim, nhóm Huntr/x có thể phát hành bài hát chỉ bằng một cú nhấn chuột, viết ca khúc chỉ trích đối thủ mà không cần thông qua công ty và tự do ra phố ban đêm mà không có quản lý đi kèm hay phải cải trang. Ở đời thực, các idol Hàn Quốc hiếm khi được quyền tự quyết như vậy. Họ hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của công ty quản lý, với mọi lịch trình, hình ảnh và truyền thông được kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Ngay cả chuyện tưởng chừng đơn giản như ăn uống cũng không hề tự do. Trong phim, các nhân vật ăn gimbap (cơm cuộn rong biển), ramyeon (mì ăn liền) và gukbap (cơm chan canh) như người bình thường. Nhưng trong thực tế, nhiều thần tượng phải theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, đặc biệt trong giai đoạn quảng bá album.

Các ngôi sao trong phim thoải mái ăn mì ăn liền. (Nguồn: Netflix)

Các ngôi sao trong phim thoải mái ăn mì ăn liền. (Nguồn: Netflix)

Một nam thần tượng từng chia sẻ với Korea Times: “Bị ngộ độc rượu một chút thực ra có thể là điều tốt. Trong cuộc sống thực, tôi trông buồn bã và trống rỗng, nhưng trước ống kính, tôi lại phải tỏ ra tốt hơn”. Câu nói ấy vừa hài hước vừa đáng suy ngẫm, hé lộ mặt trái của sự hoàn hảo mà các nghệ sĩ phải duy trì trong một ngành công nghiệp khắc nghiệt, nơi vẻ ngoài đôi khi quan trọng hơn sức khỏe thực sự.

Sử dụng sinh động chất liệu văn hóa truyền thống

Một điểm nhấn quan trọng trong KPop Demon Hunters là cách bộ phim sử dụng chất liệu văn hóa truyền thống Hàn Quốc một cách sinh động, sáng tạo và gần gũi.

Không chỉ có các địa danh như tháp Namsan, làng cổ Bukchon hay công viên Naksan xuất hiện trong các đại cảnh, ngay cả lời thoại tiếng Anh trong phim cũng được đan xen những câu Hàn đơn giản như “gaja!” (Đi thôi) – gợi nhắc sự pha trộn văn hóa thú vị.

Tranh dân gian thời Joseon về hổ và chim ác là. (Nguồn: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc)

Tranh dân gian thời Joseon về hổ và chim ác là. (Nguồn: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc)

Hai linh vật đáng yêu xuyên suốt bộ phim - chú hổ ngốc nghếch và chú chim ác là láu cá - hình ảnh hiện đại hóa từ dòng tranh dân gian minhwa nổi tiếng thời Joseon. Trong tranh, hổ thường được vẽ một cách vụng về, biểu trưng cho tầng lớp quý tộc bảo thủ, còn chim ác là tượng trưng cho trí tuệ bình dân. Việc chú chim ác là giành chiếc mũ học giả “gat” từ tay chú hổ trong phim là một lời nhắc dí dỏm đến truyền thống châm biếm của tranh dân gian cổ.

Tạo hình của nhóm Saja Boys với hanbok đen và mũ truyền thống, lấy cảm hứng từ “jeoseung saja”, tức những sứ giả đưa linh hồn người chết sang thế giới bên kia. Hình tượng này vốn quen thuộc qua loạt phim truyền hình Hàn Quốc như Truyện ma Hàn Quốc thập niên 70–80, và được tái hiện theo phong cách hiện đại trong Goblin (2016) hay Tomorrow (2022).

Vũ khí của ba thành viên Huntr/x cũng được thiết kế dựa trên các đạo cụ truyền thống: Rumi dùng “saingeom” (kiếm diệt hổ tà ma), Mira dùng “gokdo” (kiếm cong hình mặt trăng), còn Zoey có đôi “sinkal” – lưỡi đao tâm linh thường xuất hiện trong nghi thức trừ tà của pháp sư Hàn.

Hình ảnh bức bình phong cổ Irworobongdo. (Nguồn: Bảo tàng Cung điện quốc gia Hàn Quốc)

Hình ảnh bức bình phong cổ Irworobongdo. (Nguồn: Bảo tàng Cung điện quốc gia Hàn Quốc)

Trong đại cảnh lễ trao giải Idol Awards, sân khấu được dựng dựa trên Irworobongdo – bức bình phong cổ mô tả mặt trời, mặt trăng và 5 đỉnh núi, vốn từng đặt sau ngai vàng triều Joseon như biểu tượng cho quyền lực quân chủ và trật tự vũ trụ. Hình ảnh ấy xuất hiện giữa sân khấu hiện đại là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bảo tồn bản sắc trong bối cảnh văn hóa đại chúng quốc tế.

Cơn sốt toàn cầu

Không chỉ thành công về nội dung, KPop Demon Hunters còn chứng minh sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu.

Dàn diễn viên lồng tiếng quy tụ những cái tên nổi bật như Ahn Hyo-seop (vai Jinu), Lee Byung-hun (vai phản diện Gwi-Ma), cùng các diễn viên gốc Hàn tại Mỹ như Arden Cho, May Hong và Ji-young Yoo. Đặc biệt, ba thành viên nhóm TWICE – Jeongyeon, Jihyo và Chaeyoung – cũng góp giọng trong ca khúc Takedown thuộc nhạc phim, tăng thêm tính xác thực với cộng đồng fan K-Pop trên toàn thế giới.

 Một cảnh trong bộ phim hoạt hình KPop Demon Hunters. (Nguồn: Netflix)

Một cảnh trong bộ phim hoạt hình KPop Demon Hunters. (Nguồn: Netflix)

Phim được cả giới phê bình lẫn khán giả đánh giá cao nhờ hoạt hình sống động, nhạc phim hấp dẫn và sự kết hợp sáng tạo giữa văn hóa đại chúng K-Pop với yếu tố tâm linh và dân gian truyền thống của Hàn Quốc. Trên Rotten Tomatoes, phim đạt 94% điểm phê bình và 95% điểm từ khán giả.

Theo trang phân tích FlixPatrol, KPop Demon Hunters ghi nhận số điểm xem là 771, vượt qua bộ phim đứng thứ hai là Straw (609 điểm). Thành tích này phản ánh mức độ phổ biến mạnh mẽ của phim, khi liên tục đứng đầu Bảng xếp hạng tại 26 quốc gia, bao gồm Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Ấn Độ, Mexico..., đồng thời lọt vào Top 10 ở 93 quốc gia trên toàn thế giới.

Các sản phẩm lưu niệm lấy cảm hứng từ tranh “hojakdo” và mũ “gat” nay trở nên nổi tiếng nhờ thành công lan truyền của KPop Demon Hunters. (Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)

Các sản phẩm lưu niệm lấy cảm hứng từ tranh “hojakdo” và mũ “gat” nay trở nên nổi tiếng nhờ thành công lan truyền của KPop Demon Hunters. (Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc)

Hiệu ứng lan tỏa còn thể hiện qua lĩnh vực thương mại văn hóa. Theo Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, doanh thu từ các sản phẩm lưu niệm lấy cảm hứng từ phim như móc khóa, huy hiệu, bút bi hình hổ và chim ác là… đã đạt 11,5 tỷ Won (tương đương 8,46 triệu USD) chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, với trung bình 260.000 lượt truy cập mỗi ngày vào cửa hàng trực tuyến.

Từ một bộ phim hoạt hình giả tưởng, KPop Demon Hunters đã trở thành biểu tượng mới cho làn sóng Hallyu thế hệ kế tiếp, nơi truyền thống và hiện đại, nghệ thuật và giải trí, bản sắc dân tộc và sức hút toàn cầu cùng tồn tại và cộng hưởng.

(tổng hợp)

Kha Ninh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gia-i-ma-con-sot-kpop-demon-hunters-tren-toa-n-ca-u-320291.html