Giải mã đẳng cấp danh ca Thái Thanh: Giọng hát gói gọn hạnh phúc khổ đau của kiếp người
Nói Thái Thanh là danh ca đầu tiên đã tạo nên trường phái nhạc của riêng mình quả không hề lộng ngôn.
Trường phái nghệ thuật được định nghĩa là dòng nghệ thuật có khuynh hướng riêng. Nó quy tụ được đông đảo các nghệ sĩ có chung một khuynh hướng tư tưởng, biểu hiện, sáng tác hoặc biểu diễn thành một nhóm.
Ví dụ, trong văn học có trường phái lãng mạn, trường phái hiện thực… Hội họa có trường phái biểu hiện, trường phái siêu thực, trường phái lập thể… Âm nhạc có trường phái tân cổ điển, trường phái ngẫu nhiên, trường phái ấn tượng…
Thông thường, các trường phái lớn trong âm nhạc được tạo nên bởi những nhạc sĩ, nhà soạn nhạc. Họ là người sáng tác nên có thể truyền đạt khuynh hướng nghệ thuật, tư tưởng riêng của mình một cách thống nhất, chỉn chu thông qua tác phẩm.
Ở bình diện nhỏ hơn, trường phái đôi khi được tạo nên bởi chính ca sĩ, vốn chỉ là những người thể hiện tác phẩm. Một số ít ca sĩ tài ba, mang tầm vóc lớn có thể dùng tiếng hát, cách hát, lối hát, tư tưởng hát của riêng mình để tạo nên cả một trường phái, quy tụ nhiều ca sĩ khác nhau lại.
Tuy nhiên, việc ca sĩ tạo nên trường phái âm nhạc khó hơn rất nhiều so với nhạc sĩ, vì họ không phải người sáng tác, lại phải hát nhạc của nhiều tác giả (mà mỗi tác giả lại là một khuynh hướng, tư tưởng khác nhau).
Cái khó ở đây là làm thế nào để thể hiện được nhiều ca khúc, loại nhạc của nhiều nhạc sĩ nhưng vẫn nhất quán, liền mạch trong một phong cách, tư tưởng.
Nói cách khác, người ca sĩ phải dùng bản ngã, bản lĩnh nghệ thuật của mình để soi chiếu mọi tác phẩm âm nhạc qua một lăng kính duy nhất (là chính họ) để truyền đạt tới khán giả sao cho nhất quán.
Bởi vậy, có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng và có cá tính, phong cách, nhưng không phải ai cũng tạo được trường phái nhạc mang tên mình.
Để làm nên trường phái, người ca sĩ phải dùng giọng hát để tạo ra một khuynh hướng, chất nhạc riêng, gắn với cả một giai đoạn, thời kì lịch sử và ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ khác, khiến họ đi theo phong cách của mình một cách chủ định hoặc vô thức.
"Sư bà" sáng lập môn phái riêng, khiến nhiều người theo đuổi
Trong lịch sử nhạc Việt, chỉ có vài nữ ca sĩ tạo nên được trường phái âm nhạc cho mình và Thái Thanh là người đầu tiên. Khán giả sau này vẫn gọi đùa rằng, Thái Thanh là Tổ sư (hoặc Sư bà) môn phái của riêng bà, với nhiều môn đệ. Đó là trường phái Thái Thanh.
Nói Thái Thanh là danh ca đầu tiên đã tạo nên trường phái nhạc của riêng mình quả không hề lộng ngôn.
Bà là người tiên phong và thành công xuất sắc trong việc kết hợp giữa lối hát Bel Canto (tạm gọi là lối hát mở, hát đẹp hay lối hát của Opera phương Tây) với lối hát truyền thống của dân nhạc Việt Nam (tạm gọi là lối hát đóng, khép tiếng).
Sở dĩ Thái Thanh có thể làm được điều này vì bản thân bà từ nhỏ đã được sống trong nền tảng tri thức, văn hóa của lớp trí thức Tây học Hà Thành trước 1954. Họ là những người am hiểu văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và phương Tây.
Từ đó, Thái Thanh hấp thu được những tinh hoa ấy để tạo thành cốt cách, phong cách âm nhạc của mình. Bà nói:
"Cả bố tôi và mẹ tôi đều chơi đàn cổ như tranh, bầu, nhị, sáo… Cụ ông chơi những thứ đàn đó còn cụ bà thì chơi tỳ bà. Mẹ tôi giỏi về nhạc lắm. Tôi nhớ ngày xưa tôi có được nghe cụ hát ả đào thật tuyệt.
Còn người luyện cho tôi hát lối Tây chính là anh trai Phạm Đình Chương. Anh ấy mua sách báo âm nhạc của Pháp bầy bán ở Sài Gòn hoặc đặt mua từ Paris, nói với tôi: Em ạ, em muốn hát hay thì em phải đọc sách này, và anh sẽ chỉ dạy cho em. Nếu em hát có phương pháp như trong sách thì em còn hát hay hơn thế nữa".
Bằng việc kết hợp hai lối hát này lại với nhau, Thái Thanh đã tạo ra một chất nhạc riêng có. Bà thổi hồn vào tân nhạc Việt Nam một nét chấm phá độc đáo không giống với bất kỳ thứ nhạc nào trước đó và sau này.
Nói cách khác, Thái Thanh là người đầu tiên thành công nhất trong việc dùng lối hát dân ca để thể hiện tân nhạc, pha trộn với kỹ thuật hát Tây phương, tạo nên một trường phái nhạc mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật thuần Việt của thời đại mới.
Xét về mặt thể loại, trường phái Thái Thanh có đóng góp không nhỏ trong việc định hình nhạc đại chúng Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX.
Cũng nhờ việc kết hợp này, trường phái Thái Thanh trở nên văn minh, hội nhập với thế giới, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc và đượm hồn Việt, khiến người nghe vừa cảm thấy gần gũi, thân thương, lại vừa nâng cao được tầm văn hóa, tri thức, gu thẩm mỹ của bản thân.
Ngày nay, lối hát này vẫn đang được giới chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy, và nhiều thế hệ ca sĩ áp dụng.
Rõ ràng, xét trong tiến trình âm nhạc Việt Nam, đây là một trường phái lớn được rất nhiều ca sĩ theo đuổi một cách tự giác hoặc không tự giác, mà Thái Thanh là người mở màn.
Chưa dừng lại ở đó, Thái Thanh còn biến trường phái của mình trở nên đặc trưng hơn, với lối hát "cường cảm" xưa nay hiếm, tức là cường độ biểu cảm rất lớn, nhất là bi cảm.
Đi cùng với lối hát đó là sự ưa chuộng thể hiện ca khúc ở các quãng âm cao, với những kĩ thuật tinh tế của Bel Canto như trillo (rung láy), mezza voce (hát nửa giọng), kết hợp với các cách hát, nhả chữ, luyến láy đậm màu sắc dân ca phương Đông như twang, bỏ nhỏ, hát bạch thanh, đổ hột...
Tất cả hòa quyện với nhau để áp dụng vào tân nhạc (nhạc nhẹ, nhạc đại chúng), tạo nên trường phái riêng của Thái Thanh, khiến người nghe có thể nhận ra bà ở bất cứ ca khúc nào.
Trường phái này khá kén tai nghe. Nó thơm nồng, ngào ngạt như hương sầu riêng, ai không quen sẽ khó cảm nhận. Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng mô tả:
"Ngay cả trong giới sinh viên Nhạc viện, thậm chí là sinh viên thanh nhạc, không phải ai cũng tiếp nhận được tiếng hát Thái Thanh.
Giọng hát của Thái Thanh kiêu hãnh như vậy đó. Hoặc để người tìm tới và chiêm ngưỡng, hoặc là cứ bước qua vô tình chứ không thể nhận mình là tiếng hát giải trí đơn giản".
Nhưng một khi đã nghe quen và thấm được cái "cường cảm" trong đó thì sẽ mê mẩn, khó lòng dứt khỏi được. Đã từng có khán giả nói rằng, họ nghe ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị do Thái Thanh thể hiện cả vài trăm lần không chán, lần nào cũng dạt dào cảm xúc.
Những ca sĩ sau này hát lại Ngày xưa Hoàng Thị đều không có độ mùi, đượm hương nồng như Thái Thanh, nên khiến người nghe cảm thấy nhạt, dễ trôi.
Nhiều người thắc mắc rằng, liệu việc hát cường cảm, cường điệu quá nhiều có khiến Thái Thanh đánh rơi cảm xúc trong ca khúc? Nhưng điều đó là không hề. Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ:
"Thỉnh thoảng, tôi cũng cũng giả định rằng liệu một nghệ sĩ xuất sắc như bà để có thể sống thật trong từng bài hát hay không.
Nhưng khi nghe được chuyện bà vất vả thu hàng chục lần bài hát Bà mẹ Gio Linh do cứ ngừng vì khóc giữa bài, tôi hiểu được rằng tiếng hát Thái Thanh không hát chỉ cho hôm nay, mà hát cho hôm qua và cả mai sau".
Trường phái Thái Thanh còn mang theo nhiều vết tích lịch sử, gắn chặt với thời kỳ đầy biến động của dân tộc, nên luôn tạo ra "khí" khác lạ mỗi khi nghe nó, dù ở bất cứ không gian, thời gian nào, nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh là:
"Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tí, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau".
Nó cũng bao quát được nhiều kiếp đời, kiếp người, thấu trọn thân phận nhiều tầng lớp người Việt Nam, như nhạc sĩ Phạm Duy từng nói:
"Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: Tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước".
Một nét khác biệt độc đáo của trường phái Thái Thanh nằm ở lối nhả chữ riêng có. Nếu nhìn khẩu hình của Thái Thanh khi hát, khán giả sẽ thấy bà lúc nào cũng hát tròn trịa, nắn nót từng câu từng chữ, nên luôn tròn vành, rõ chữ.
Không những vậy, Thái Thanh còn uốn lượn, đưa đẩy câu chữ rất tình tứ, tinh tế, đong đầy yêu thương. Từ lối nhả chữ này, có thể thấy, Thái Thanh rất trân trọng, nâng niu tiếng Việt.
Yêu tiếng Việt chính là điều kiện tiên quyết để theo đuổi trường phái Thái Thanh và cũng là bài học cho mọi ca sĩ hát tiếng Việt. Bà từng nói:
"Ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình và phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa...
Đặc biệt, tôi sinh ra ở Hà Nội thì khi đọc đên hai chữ "Hà Nội" tôi cảm thấy một tình cảm yêu mến vô bờ, đọc đến chữ "em bé quê" là mình cảm thấy dào dạt tình thương yêu các em nhỏ sống ở những vùng quê nghèo nàn.
Nếu mình không yêu chữ của nước mình thì giống như mình hát một bài hát ngoại quốc vậy".
Ngoài ra, trường phái Thái Thanh còn nổi bật bởi lối hát dương tính, tràn đầy năng lượng, sức sống và tình yêu cuộc sống. Dù hát buồn đến đâu, tinh thần Thái Thanh vẫn vững chãi, không bi lụy. Nhà báo Cát Linh từng nhận định:
"Phải nói ngay rằng, tiếng hát của Thái Thanh, không phải là tiếng hát của u buồn, không sầu bi nức nở. Đó là tiếng hát của sự hoan lạc.
Trong tiếng hát ấy chứa đựng cái réo rắt của tiếng suối, pha lẫn sự lan tỏa của ánh sáng, và toát lên cái hạnh phúc của một tình yêu, tình yêu quê hương, tình Mẹ".
Trường phái Thái Thanh cũng rất khó hát. Đây không phải một trường phái bình dân, dễ hát để ai cũng hát được. Nó đòi hỏi ca sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc vững chắc, chất giọng phù hợp, và trên hết là trải nghiệm, thẩm mỹ âm nhạc sâu sắc, giàu tri thức, văn hóa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không ai dám theo đuổi nó. Ngược lại, với sức mê hoặc kỳ lạ, trường phái Thái Thanh đã "thu nạp" được rất nhiều ca sĩ danh tiếng như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết, Ý Lan...
Những ca sĩ này dù xuất thân khác nhau, nhưng đều chung một điểm là sở hữu giọng hát, kỹ thuật đáng nể cũng như nền tảng tri thức, văn hóa sâu rộng. Nhiều người trong số họ còn học đến cao học về âm nhạc.
Nhưng trên hết, họ đều yêu Thái Thanh và âm nhạc của bà bằng cả trái tim, huyết quản và đam mê hát nó cho khán giả thưởng thức. Ca sĩ Ánh Tuyết, một trong những người chịu ảnh hưởng lớn nhất của Thái Thanh chia sẻ:
"Đối với tôi, Thái Thanh là giọng ca mà những người yêu âm nhạc Việt Nam không ai không nhớ và biết đến. Riêng tôi biết giọng ca Thái Thanh từ ngày tôi còn bé, do nhà tôi bán quán cơm, nên mở nhạc cả ngày.
Phải nói, Thái Thanh là một trong những giọng ca tiền bối đã để lại cho hậu thế một di sản, kho tàng âm nhạc tuyệt vời. Thái Thanh là một người hát nội lực, hát bằng cả tâm hồn, rất "đời" với cách hát tinh tế.
Danh ca Thái Thanh là tiền bối của tôi. Cách hát của bà đã để lại cho lớp hậu bối sự ngưỡng mộ để học hỏi cái hay, cái đẹp khi hát. Vì thế, tôi cũng là một trong những ca sĩ của lớp kế thừa gia tài âm nhạc lớn mà bà đã truyền đạt qua những bản nhạc nguyên mẫu bà thể hiện.
Có nhiều ca khúc mà một khi ca sĩ Thái Thanh hát rồi thì khó ai có thể vượt qua được. Ngoài sự điêu luyện, tiếng hát Thái Thanh còn có sự lão luyện, tinh thông với cách hát như mang cả cuộc đời vào từng ca từ, nỉ non, chạm đến tận tâm can, đưa lại ấn tượng rất sâu sắc cho người nghe".
Lý giải mối quan hệ giữa nhạc sĩ Phạm Duy và trường phái Thái Thanh
Trong âm nhạc luôn có những cặp bài trùng không thể tách rời, nếu thiếu đi một người khó lòng có người còn lại. Nền tân nhạc Việt Nam từng chứng kiến một cặp nhạc sĩ – ca sĩ bất hủ là Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Nhưng bên cạnh đó, khán giả cũng không quên cặp đôi huyền thoại Phạm Duy – Thái Thanh. Họ là hai vĩ nhân của nền âm nhạc Việt Nam, song hành cùng nhau để tạo nên một thứ âm nhạc trác tuyệt, đỉnh cao, đầy ánh hào quang lộng lẫy khiến thế giới cũng phải nhìn nhận.
Không giống như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, mối quan hệ giữa Phạm Duy và Thái Thanh đặc biệt hơn rất nhiều vì là người trong cùng gia đình (anh rể và em vợ), nên có nhiều thời gian gặp gỡ, làm việc cùng nhau.
Từ năm 16 tuổi, Thái Thanh đã được Phạm Duy dẫn dắt, huấn luyện, chỉ bảo tận tình về nhạc lý và kỹ thuật. Ông cũng rèn dũa cho Thái Thanh một tâm hồn đầy tinh tế, sâu sắc trong cảm nhận âm nhạc.
Thái Thanh là một trong những người đầu tiên được tiếp xúc và thể hiện kho tàng âm nhạc kinh điển của Phạm Duy, với đủ loại nhạc về tình yêu đôi lứa, tình cảm giác đình, quê hương đất nước… Bởi vậy, Phạm Duy ảnh hưởng rất nhiều đến Thái Thanh.
Về cống hiến và tầm ảnh hưởng của của Phạm Duy và Thái Thanh, có thể nói như sau:
Giáo sư Trần Văn Khê có công nghiên cứu và giải thích cho mọi người (cả người Việt lẫn người nước ngoài) hiểu cái hay, cái đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung, âm nhạc của Việt Nam nói riêng, đặc biệt là âm nhạc dân tộc - cổ truyền. Ông là người đúc kết, xây dựng lý thuyết, học thuật.
Còn nhạc Phạm Duy lại giúp người ta mê đắm âm nhạc Việt Nam, văn hóa Việt Nam qua chính tác phẩm thực tiễn.
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi Sài Gòn đang chìm ngập trong nhạc nước ngoài Âu Mỹ, xem đó là tân thời, là mốt, thì Phạm Duy đã ra tay vẽ lại con đường âm nhạc, bẻ lại thị hiếu công chúng.
Nhờ có Phạm Duy, người Sài Gòn tân thời lúc ấy bỗng mê đắm những bản nhạc mang đậm âm hưởng dân ca, tình ca quê hương như thế. Đó chính là cái tài, cái tâm và cả cái tầm của Phạm Duy đối với âm nhạc và đối với dân tộc Việt.
Từ xưa đến nay, rất ít nhạc sĩ có thể đưa ngũ cung của nhạc cổ truyền Việt Nam vào thất cung (hệ thống nhạc lý Tây phương) được như Phạm Duy.
Nhưng nếu thiếu Thái Thanh, không một ai có thể đưa cái hay, cái đẹp trong những nhạc phẩm của Phạm Duy đến công chúng.
Nói cách khác, Thái Thanh là người giải nghĩa, trình bày ý tứ và thổi hồn vào những tác phẩm vốn đã rất sống động, mỹ miều của Phạm Duy.
Nhiều người cho rằng, Thái Thanh lạm dụng kỹ thuật, phô trương giọng hát trời phú. Nhưng đó lại là cách để lột tả hết các cung bậc cảm xúc, những tầng ý nghĩa trong tác phẩm của Phạm Duy. Nhạc Phạm Duy mà hát bình dân học vụ khó lòng hay được.
Bởi vậy, ngoài Thái Thanh, không ai chạm được đến tận cùng và tạo nên cả một trường phái với nhạc Phạm Duy. Chính nhạc sĩ Phạm Duy từng thừa nhận:
"Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy. Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm".
Thái Thanh cũng kể lại: "Tôi không nghĩ là anh Phạm Duy sửa đổi nhạc của anh ấy vì tiếng hát của tôi đâu. Tôi chỉ nghĩ là có nhạc Phạm Duy thì có tiếng hát Thái Thanh như thế này, và có tiếng hát Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy mới…".
Như vậy, qua việc bình luận về tầm ảnh hưởng của nhạc sĩ Phạm Duy, có thể thấy Thái Thanh có cống hiến to lớn thế nào với nhạc Việt.