Giải mã hình tượng rồng trên bia tiến sĩ

Đến Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhiều du khách ấn tượng trước vẻ đẹp cùng giá trị lịch sử, văn hóa của 82 bia đá ghi danh 1.304 vị tiến sĩ.Qua hàng trăm năm, những hoa văn, họa tiết trên bia đã mờ, khiến công chúng khó tiếp cận và hiểu rõ về giá trị văn hóa, ý đồ của người xưa.Nhằm giúp công chúng hiểu hơn về giá trị Di sản tư liệu thế giới bia tiến sĩ, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Trưng bày chuyên đề 'Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ' từ ngày 31-7 đến 26-8-2024, tại Nhà Thái học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Các tác phẩm được giới thiệu đều thể hiện trên nguyên tắc tôn trọng những đường nét nguyên bản trên bia, giúp người xem hình dung rõ hơn sự tài hoa, tâm huyết của những nghệ nhân chế tác đá xưa.Nhờ kỹ thuật rập thác bản, các nhà nghiên cứu tìm lại được không chỉ những bài văn bia tiến sĩ chứa đựng nhiều thông tin hữu ích mà còn phát hiện hàng loạt hoa văn, họa tiết tinh xảo. Trong đó, trên trán bia và diềm bia tiến sĩ, hình tượng rồng luôn được dành vị trí hết sức trang trọng, được bố cục một đôi rồng chầu vào mặt trời có mây lửa bao quanh. Đây là hình tượng tiêu biểu của nguồn sáng tri thức bất tận và nhiệt huyết của mỗi nho sinh trên con đường phấn đấu thành tài.

Công chúng tham quan Trưng bày "Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ".

Công chúng tham quan Trưng bày "Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ".

Ở mỗi đợt dựng bia, hình tượng rồng được thể hiện theo phong cách khác nhau. Các hoa văn, họa tiết rồng xuất hiện rõ nét trên trán bia tiến sĩ trong đợt dựng bia năm 1653. Kể từ thời điểm này, hình ảnh rồng chầu mặt trời mây lửa thường xuyên hiện diện trên các trán bia. Nếu như các đợt dựng bia năm 1653 thể hiện hình rồng theo hướng tả thực thì kể từ đợt dựng bia năm 1717 trở đi, hầu hết hình tượng rồng đều được các nghệ nhân tạo tác theo những cách thể hiện đa dạng, thoát ly hoàn toàn khỏi những khuôn mẫu thông thường, thậm chí có cả những phiên bản rồng hóa mây, rồng hóa lửa hay rồng hóa cây lá.

Theo ông Trương Quốc Toàn, người thiết kế Trưng bày "Hình tượng rồng trên bia tiến sĩ", tham quan trưng bày, du khách sẽ lần đầu được khám phá những hình tượng rồng thực sự sinh động và đa màu sắc, đa phong cách. "Lâu nay nói đến hình tượng rồng trong văn hóa dân gian, chúng ta luôn nghĩ đến rồng mang tính chất tả thực và trông rất uy nghiêm, oai vệ, tượng trưng cho vương quyền. Nhưng trên bia tiến sĩ, chúng ta sẽ thấy không gian sáng tác của các nghệ nhân xưa thể hiện những hình tượng rồng phong phú và gần gũi hơn với cuộc sống", ông Trương Quốc Toàn bày tỏ.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: "Bình thường khách tham quan đi qua bia tiến sĩ rất khó tiếp cận và khó có thể nhìn được vẻ đẹp của những họa tiết rồng trên bia tiến sĩ. Nhưng với trưng bày lần này, hình tượng rồng được những người thợ đá tạo nên cách đây mấy trăm năm thể hiện rất đẹp, thú vị và hấp dẫn.

Bia tiến sĩ là một pho sử đá chứa rất nhiều giá trị về mặt mỹ thuật và trên mỗi tấm bia, hình tượng rồng thể hiện được vẻ đẹp riêng và không có sự lặp lại. Ngoài việc tôn vinh những giá trị văn hóa và giải mã hình tượng rồng trên bia, trưng bày cũng là dịp vinh danh những nghệ nhân chế tác đá xưa rất tài hoa và cũng rất tâm huyết”.

Theo qdnd.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/giai-ma-hinh-tuong-rong-tren-bia-tien-si-1017383/