Giải mã khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraina

Trong bối cảnh Ukraina đang đứng trước nguy cơ thất bại, giới lãnh đạo một số nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng tới Ukraina để ngăn chặn đà tiến công của Nga, buộc Tổng thống V. Putin ra lệnh tiến hành cuộc tập trận để đưa lực lượng hạt nhân chiến thuật vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Liệu Nga có sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraina là câu hỏi cần được giải mã.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trung tâm huấn luyện bay của Bộ Quốc phòng Nga ở Torzhok, vùng Tver, ngày 27-3-2024_Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trung tâm huấn luyện bay của Bộ Quốc phòng Nga ở Torzhok, vùng Tver, ngày 27-3-2024_Ảnh: AFP

Ngày 6-5-2024, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, theo chỉ thị của Tổng thống V. Putin kiêm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Nga, Liên bang Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến thuật (phi chiến lược).

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga cho biết thêm: “cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật lần này được tiến hành với đội hình của các lực lượng thuộc biên chế của Quân khu miền Nam có sự tham gia của các đơn vị thuộc Quân chủng Hàng không - Vũ trụ và Quân chủng Hải quân Nga.

Theo Cục Báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, mục đích của cuộc tập trận này là để nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng và phương tiện hạt nhân chiến thuật nhằm mục đích sẵn sàng đáp trả và vô hiệu hóa tất cả những mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga trước những tuyên bố hiếu chiến và hăm dọa của các quan chức phương Tây chống lại Nga”. Cộng hòa Belarus sẽ tham gia cuộc tập trận này.

Viktor Murakhovsky - biên tập viên Tạp chí Arsenal of the Fatherland - cho biết: “trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh, gần như hằng năm, các lực lượng vũ trang Liên Xô vẫn tiến hành tập trận hạt nhân chiến thuật. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, với mục tiêu hội nhập với phương Tây, Nga chưa bao giờ tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật. Còn hiện nay, tình hình đã thay đổi căn bản. Nga đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện của phương Tây do Mỹ đứng đầu đang theo đuổi tham vọng “đánh bại Nga”, khiến Liên bang Nga tan rã.

Do đó, Nga buộc phải tập trận với các lực lượng hạt nhân chiến thuật để “làm nguội những cái đầu nóng” của giới lãnh đạo quân sự của Mỹ và một số nước NATO đang liên tiếp đưa ra những tuyên bố khiêu khích và đe dọa Nga. Trong trường hợp xấu nhất, Nga sẵn sàng đáp trả đích đáng các mối đe dọa của NATO để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Ông D. Peskov -Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - đưa ra những ví dụ cụ thể từ tuyên bố của các chính trị gia phương Tây buộc Nga phải có hành động đáp trả.

Trước hết là tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Anh David Camerom và Thượng nghị sĩ Mỹ về việc họ đã sẵn sàng triển khai lực lượng vũ trang tới Ukraina để ngăn chặn đà tiến công của Nga.

Ông D. Peskov cho biết, đây là bước leo thang chiến tranh chưa từng có buộc Nga phải có sự quan tâm đặc biệt và áp dụng các biện pháp đặc biệt để hóa giải.

Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ủng hộ Ukraina ở Paris ngày 26-2-2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “các nước thành viên NATO dự kiến kịch bản triển khai lực lượng trên lãnh thổ Ukraina để ngăn chặn bước tiến quân của Nga”.

Ngày 2-5-2024, Ngoại trưởng Anh David Cameron tuyên bố: “Ukraina có quyền sử dụng vũ khí của Anh để tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”.

Ngày 6-5-2024, lãnh đạo của nhóm nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries tuyên bố rằng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ triển khai quân tới Ukraina trong trường hợp chính quyền Kiev thất bại trong cuộc chiến với Nga.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “NATO không có ý định triển khai lực lượng ở Ukraina. Chính quyền Kiev không yêu cầu NATO đưa quân vào Ukraina mà họ chỉ yêu cầu được viện trợ thêm nhiều vũ khí”.

Theo giới phân tích, tuyên bố này của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ là trò đánh lạc hướng, bởi chính quyền Kiev do Mỹ và NATO hoàn toàn kiểm soát nên họ sẽ yêu cầu NATO đưa quân tới Ukraina vào bất cứ thời điểm nào một khi nhận được chỉ thị của Washington.

Do đó, tuyên bố trên đây của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hoàn toàn không phải xuất phát từ “thiện chí” của phương Tây mà chỉ là “màn khói” che đậy kế hoạch của NATO sẵn sàng hành động một khi quân đội Ukraina đứng trước nguy cơ thất bại trên chiến trường.

Trong bối cảnh đó, ngày 6-5-2024, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Đại sứ Anh Nigel Casey để thông báo, Moscow cực lực phản đối tuyên bố của Ngoại trưởng Anh David Cameron và cảnh báo rằng phản ứng của Nga trước các cuộc tấn công của Ukraina nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng vũ khí của Anh có thể là đòn tấn công đáp trả nhằm vào bất kỳ cơ sở hay phương tiện quân sự nào của Anh trong và ngoài lãnh thổ Ukraina.

Bộ Ngoại giao Nga còn tuyên bố rằng, việc Nga tổ chức cuộc tập trận với lực lượng hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả quyết định của Mỹ chuyển giao cho Ukraina tên lửa chiến dịch - chiến thuật ATACMS và máy bay chiến đấu F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại rằng, việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở nhiều khu vực khác nhau buộc Nga phải hoàn toàn từ bỏ Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu.

Đây không phải là lần đầu tiên khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân thu hút sự chú ý của dư luận trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina. Ngày 27-2-2022, chỉ 3 ngày sau khi mở đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tổng thống V. Putin đã ra lệnh chuyển lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga sang chế độ “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”.

Tháng 3-2024, hãng thông tấn CNN của Mỹ dẫn lời các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, cuối năm 2022 họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với tình huống Nga có thể tiến hành tấn công hạt nhân vào Ukraina, nhưng khi đó, cơ quan tình báo Mỹ không tìm thấy thông tin xác nhận ý định đó của Nga.

Theo học thuyết hạt nhân của Liên bang Nga, Moscow chỉ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần vô hiệu hóa mối đe dọa đối với sự tồn vong của nhà nước hoặc các nỗ lực vô hiệu hóa lực lượng hạt nhân của Nga.

Chính sách của Liên bang Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân mang tính chất phòng thủ và chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhà nước, ngăn chặn kẻ thù tiềm tàng xâm lược Nga và/hoặc các đồng minh của Nga.

Trong trường hợp diễn ra xung đột quân sự, vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn xung đột leo thang thành chiến tranh lớn và chấm dứt các hành động quân sự vào thời điểm có thể chấp nhận được với các điều kiện của Nga và/hoặc của đồng minh của Nga.

Ilya Kramnik - chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kế hoạch chiến lược thuộc Viện Kinh tế - Chính trị thế giới của Viện Hàn lâm khoa học Nga - nhận định, cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật không làm thay đổi bản chất học thuyết hạt nhân của Nga.

Cái mới ở đây có liên quan với các tuyên bố chính trị có tính khiêu khích và hăm dọa không thể chấp nhận được của các quan chức Mỹ và NATO.

Chuyên gia quân sự của Hội đồng các vấn đề quốc tế Alexander Ermkov cho biết, thông thường, chủ đề về vũ khí hạt nhân chiến thuật có mức độ bí mật cao hơn rất nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược vì loại vũ khí này có thể được sử dụng trong điều kiện thực chiến, còn vũ khí hạt nhân chiến lược chỉ có ý nghĩa răn đe bởi một khi sử dụng loại vũ khí này sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh hủy diệt đối với tất cả các bên.

Do đó, việc chính thức công bố về cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật là lời cảnh báo rất rõ ràng trước tuyên bố của các nhà lãnh đạo phương Tây về việc triển khai quân của NATO tới Ukraina.

Dmitry Stefanovich - chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm an ninh quốc tế thuộc Viện Kinh tế - Chính trị thế giới của Viện Hàn lâm khoa học Nga - cho biết, các cuộc tập trận đến nay cũng chỉ được tiến hành ở quy mô và phạm vi hạn chế để kiểm tra mức độ tin cậy của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và phát đi thông điệp cảnh báo trường hợp xảy ra xung đột cường độ cao với NATO mà đối phương chiếm ưu thế áp đảo về lực lượng vũ trang thông thường so với Nga. Khi đó buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả.

Do đó, diễn biến cuộc chiến Ukraina có thể buộc Nga sẽ điều chỉnh học thuyết hạt nhân bởi 2 lý do. Thứ nhất, theo yêu cầu chính thức của chính quyền Kiev, NATO sẽ triển khai lực lượng thông thường với quân số áp đảo nhằm thay đổi căn bản cán cân lực lượng thông thường, tạo điều kiện cho quân đội Ukraina thay đổi cục diện chiến trường.

Thứ hai, Ukraina sử dụng lực lượng của NATO để đánh bại Nga, làm thất bại kế hoạch của Nga giải phóng hoàn toàn lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk và 2 tỉnh Kherson và Zaparogie đã được sáp nhập về Nga từ ngày 30-9-2022.

Như vậy, nội hàm của khái niệm “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” trong học thuyết hạt nhân của Nga sau ngày 30-9-2022 đã thay đổi, theo đó “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga” hiện nay đã bao gồm cả 4 vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaparogie.

Vũ khí hạt nhân của Nga được phân loại thành vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Vũ khí hạt nhân chiến lược hình thành “bộ ba hạt nhân” gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa và tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm tên lửa, đạn pháo, ngư lôi, thủy lôi và mìn mang đầu đạn hạt nhân có công suất thấp hơn đáng kể so với đầu đạn hạt nhân chiến lược, chỉ vào khoảng vài kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT). Còn công suất của đầu đạn hạn nhân chiến lược vào khoảng vài megaton (1 megaton tương đương 1.000.000 tấn TNT).

Đầu đạn hạn nhân chiến thuật được trang bị cho vũ khí thông thường để sử dụng trong xung đột vũ trang hạn chế. Phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật điển hình của Nga là máy bay chiến đấu MiG-31, tên lửa chiến dịch - chiến thuật Iskander-M và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, tên lửa siêu vượt âm Zirkon...

Ngày 25-3-2023, Tổng thống V. Putin tuyên bố, theo yêu cầu của phía Minsk, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, tương tự như cách Mỹ từng làm từ lâu trên lãnh thổ các nước đồng minh ở châu Âu hay Nhật Bản. Theo các tài liệu chính thức, Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn RIA và kênh truyền hình Rossiya-1 của Nga, Tổng thống V. Putin bày tỏ hy vọng NATO sẽ tránh leo thang căng thẳng, có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, xét về khả năng kỹ thuật, lực lượng hạt nhân chiến lược và chiến thuật của Nga đã sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh hạt nhân.

Khi được hỏi liệu Nga có xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraina hay không, Tổng thống Nga V. Putin khẳng định điều này là chưa cần thiết và Nga đang để ngỏ khả năng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến theo điều kiện của Nga.

Tổng thống V. Putin cảnh báo: “các nước phương Tây cần phải nhận thấy rằng Nga có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Tình hình hiện nay ở Ukraina tiềm ẩn nguy cơ cuộc xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân hủy diệt nền văn minh nhân loại. Lẽ nào họ không hiểu được điều đó sao?!”.

Cựu trợ lý đặc biệt phụ trách chính sách và truyền thông của Lầu Năm Góc Douglas McKinnon, trong bài viết đăng trên tờ The Hill, ngày 12-5-2024, đưa ra nhận định rằng, NATO đang châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba mà hoàn toàn không hiểu được hậu quả thảm khốc của hành động leo thang chiến tranh ở Ukraina.

Tác giả đặt câu hỏi: “liệu đế chế quân sự ở Washington và tay sai của họ ở châu Âu có hiểu được hiểm họa mà họ đang phải đối mặt?”. Ông so sánh chính sách đối ngoại của Mỹ với câu chuyện “hai con dê đi ngược chiều qua cầu” và nhận định: Mỹ đang thúc đẩy NATO khiêu khích Nga làm điều không thể tưởng tượng được./.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-ma-kha-nang-nga-su-dung-vu-khi-hat-nhan-chien-thuat-o-ukraina-712798.html