Tới 'xoa dịu' Trung Quốc, Đức vẫn chỉ trích một vấn đề liên quan đến Nga

Phó thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết cánh cửa 'mở ra cho các cuộc thảo luận' với Trung Quốc về thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) nhưng ông thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến Bắc Kinh trong chuyến thăm 3 ngày trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa EU và Trung Quốc liên quan việc áp thuế nhập khẩu cao đối với xe điện (EV) của Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đại lục đầu tiên của một chính trị gia cấp cao châu Âu kể từ khi mức thuế quan mới được công bố.

Nói với các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 22/6, ông Habeck cho hay đề xuất thuế quan của EU đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là một “sự trừng phạt”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong cuộc gặp ngày 22/6.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong cuộc gặp ngày 22/6.

“Có chỗ để thảo luận. Tôi hy vọng rằng trong những ngày tới Ủy ban châu Âu và Bộ trưởng thương mại Trung Quốc sẽ trao đổi thêm”, Phó thủ tướng Đức cho biết thêm.

Trong khi đưa ra giọng điệu hòa giải về thuế quan vẫn chưa được hoàn thiện, ông Habeck lại chỉ trích hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc sang Nga và trích dẫn những nỗ lực của chính Đức nhằm ngăn chặn xuất khẩu hàng hóa “công dụng kép” có thể ứng dụng trong quân sự.

“Tôi đã xem xét các số liệu thương mại và thấy thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng hơn 40% vào năm ngoái. Tất nhiên năng lượng là một phần quan trọng trong đó, nhưng khoảng một nửa trong số đó liên quan đến hàng hóa có công dụng kép. Đây là những mặt hàng kỹ thuật có thể được sử dụng trên chiến trường và việc này phải dừng lại”, vị quan chức Đức nhấn mạnh.

Đức có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc khi là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô của nước này. Berlin đã tìm cách điều hướng một cách thận trọng những căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington vốn đã xấu đi nghiêm trọng sau chiến sự bùng nổ giữa Nga và Ukraine đầu năm 2022.

Trong cuộc gặp ông Vương Văn Đào - Bộ trưởng thương mại Trung Quốc và ông Zheng Shenjie, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, ông Habeck cho biết họ đã thảo luận về các vấn đề năng lượng và khí hậu cũng như nhân quyền với các quan chức Trung Quốc như một phần của “các cuộc thảo luận căng thẳng”.

Cuộc gặp được mong đợi với Thủ tướng Lý Cường đã không được thực hiện.

Ông Habeck cho biết ông hy vọng chuyến thăm có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng “những điềm báo khá khó khăn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc trong năm nay, cao hơn EU, mặc dù Mỹ nhập khẩu với số lượng nhỏ hơn nhiều.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4 và khuyến khích chủ tịch Trung Quốc gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Scholz cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về việc tiếp cận thị trường nhiều hơn cho các công ty Đức ở đại lục.

Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi mối quan hệ thân thiết của họ và cam kết sẽ tăng cường hợp tác thương mại. Nga đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ năm của Trung Quốc vào năm ngoái, tăng từ vị trí thứ chín vào năm 2020, khi thương mại đạt 240 tỷ USD. Theo dữ liệu chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng 46,9% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc cảnh báo “chiến tranh thương mại”

Bộ thương mại Trung Quốc mới đây cảnh báo EU có thể gây ra một “cuộc chiến thương mại” nếu tiếp tục leo thang căng thẳng, đồng thời cáo buộc khối này có những hành vi không công bằng trong cuộc điều tra chống trợ cấp kéo dài 8 tháng đối với xe điện của Trung Quốc.

Cảnh báo này được đưa ra sau thông báo của EU vào tuần trước về mức thuế mới khổng lồ lên tới 38% đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.

Bắc Kinh đáp trả bằng cách tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào một số sản phẩm thịt lợn từ khối này. Trung Quốc trước đó cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ nhắm mục tiêu vào lĩnh vực hàng không và nông nghiệp của EU để đáp trả khoản thuế này.

Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Phía châu Âu tiếp tục leo thang xung đột thương mại và có thể gây ra một 'chiến tranh thương mại'".

Người phát ngôn nhấn mạnh thêm rằng: “Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía châu Âu” .

Tuyên bố tố cáo cuộc điều tra chống trợ cấp của EU, cho rằng khối này đã phớt lờ sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai bên đạt được. “Họ đã xác định trước kết quả điều tra, đưa ra mức thuế suất không phù hợp, gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp cả hai bên, làm suy yếu hợp tác kinh tế và thương mại chung Trung Quốc-EU” người phát ngôn nhấn mạnh thêm.

Hải Đăng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/toi-xoa-diu-trung-quoc-duc-van-chi-trich-mot-van-de-lien-quan-den-nga-d112421.html