Giải mã lịch sử từ hình ảnh

Đối với các học giả, trong thời đại nghe nhìn, việc đọc lịch sử không chỉ là ghi nhớ các sự kiện mà học sinh, nhà nghiên cứu còn phải học cách đánh giá các hiện vật, hình ảnh.

 Cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình được xuất bản bởi Đông A Books và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Ảnh: Đông A Books.

Cuốn sách Lịch sử Việt Nam bằng hình được xuất bản bởi Đông A Books và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Ảnh: Đông A Books.

Theo PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, tăng cường sử dụng hình ảnh chứng thực trong giảng dạy lịch sử có thể giúp độc giả nâng cao khả năng tư duy. Dù vậy trong thực tế, có một số tình huống đáng tiếc xảy ra rằng người dạy sử dụng tranh ảnh không rõ nguồn gốc trên mạng dẫn tới làm sai lệch nhận thức của học sinh.

Do đó, những cuốn sách như Lịch sử Việt Nam bằng hình tập hợp 2.000 bức ảnh từ hơn 50 bảo tàng trên thế giới là một tác phẩm có giá trị thực tiễn cao. Bên cạnh nhóm độc giả trong giới học thuật, bạn đọc phổ thông cũng có thể tiếp cận cuốn sách này.

Giá trị của sách ảnh với độc giả thế hệ mới

Những bộ sách lịch sử Việt Nam sử dụng hình ảnh chứng thực đang ngày càng chứng tỏ giá trị to lớn trong việc giáo dục và phát triển tư duy lịch sử cho thế hệ độc giả trẻ. GS.TS Trần Thị Vinh cho rằng môn lịch sử không chỉ dừng lại ở việc ghi nhớ sự kiện mà cần tập trung phát triển năng lực tìm hiểu và giải mã lịch sử thông qua tư liệu.

Trong đó, hình ảnh chứng thực đóng vai trò quan trọng vì nó cung cấp nguồn tư liệu quý báu, giúp học sinh trực tiếp "giải mã" lịch sử thông qua các hiện vật được khai quật, lưu giữ. Điều này đặc biệt hữu ích khi giáo viên có thể sử dụng những hình ảnh trong giờ giảng để học sinh phát triển năng lực tư duy lịch sử.

PGS.TS Đinh Ngọc Bảo cũng đồng ý rằng những bộ sách như Lịch sử Việt Nam bằng hình đã mang lại một chiều hướng mới cho cách tiếp cận lịch sử, nhất là với các sự kiện và nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc trong văn hóa và lịch sử dân tộc.

"Việc tìm hình ảnh có bản quyền đang là một vấn đề nhức nhối với người làm sách sử lẫn người người dạy sử. Những tác phẩm lịch sử bằng hình ảnh rất đáng trân trọng vì chúng là một kho dữ liệu có thể tận dụng được bởi nhiều đối tượng", PGS.TS Đinh Ngọc Bảo cho biết tại tọa đàm ra mắt Lịch sử Việt Nam bằng hình sáng ngày 27/9.

 Các hiện vật thời Tây Sơn được trình bày trong cuốn sách. Ảnh: Đông A Books.

Các hiện vật thời Tây Sơn được trình bày trong cuốn sách. Ảnh: Đông A Books.

Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh lịch sử có nguồn gốc rõ ràng không chỉ giúp học sinh và giáo viên dễ dàng tra cứu mà còn là một giải pháp quan trọng để tránh các sai lầm phổ biến khi sử dụng hình ảnh không bản quyền hoặc thiếu chính xác.

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là các bộ sách này thường quá dày và có giá thành cao, khó tiếp cận đối với đông đảo học sinh. PGS.TS Đinh Ngọc Bảo cũng đề xuất một giải pháp: "Có thể tách cuốn sách ra từng phần nhỏ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, nhằm phục vụ tốt hơn cho các lớp học lịch sử từ lớp sáu đến lớp chín".

Cùng đó, PGS.TS Phan Ngọc Huyền - Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng nhận định rằng sinh viên thế hệ ngày nay đang bị động trong việc tiếp cận giáo trình, tài liệu tham khảo. Dù rằng các cuốn sách đó chỉ 100, 200 trang. Họ bị chi phối quá nhiều bởi các thiết bị nghe nhìn. Nhưng các đơn vị làm sách, nhà xuất bản hiểu được thực trạng này và làm mới tác phẩm của mình với việc tận dụng hình ảnh sinh động. Đây có thể là giải pháp góp phần nâng cao văn hóa đọc với đối tượng sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh.

Thế giới đang tìm kiếm những tác phẩm lịch sử Việt Nam

Chia sẻ tại sự kiện, GS.TS Trần Thị Vinh cho biết các nhà xuất bản nước ngoài rất mong đợi được đọc một cuốn sách lịch sử do người Việt Nam viết. Nhu cầu này xuất phát từ thực tế rằng nhiều kiến thức về lịch sử Việt Nam mà thế giới biết đến thường được viết bằng tiếng Anh bởi các nhà sử học, Việt Nam học phương Tây. Sự thiếu vắng những tác phẩm gốc từ học giả trong nước đã khiến cái nhìn về lịch sử Việt Nam của bạn bè quốc tế trở nên thiếu toàn diện và không sâu sắc.

“Việc chuyển ngữ các tác phẩm lịch sử Việt Nam sang tiếng Anh là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa chính trị, giúp thế giới hiểu đúng, đủ và toàn diện hơn về lịch sử đất nước ta”, GS.TS Trần Thị Vinh nói.

 Các học giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đông A Books.

Các học giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đông A Books.

Dẫu vậy, một tác phẩm lịch sử chất lượng để đưa đến các nhà xuất bản quốc tế phải là một tác phẩm được cập nhật thông tin từ các kết quả nghiên cứu lịch sử mới nhất. PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho rằng người làm sách cần phải liên tục cập nhật những kết quả nghiên cứu mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc.

Ông dẫn chứng về các thông tin mới như phát hiện của PGS.TS Nguyễn Đắc Sử về các di chỉ khảo cổ có niên đại từ 80.000 năm trước đã làm sáng tỏ thêm về thời kỳ xa xưa của đất nước, giúp các ấn phẩm lịch sử trở nên phong phú và khoa học hơn.

Hơn hết, việc đưa các tác phẩm lịch sử Việt Nam ra thế giới không chỉ nhằm giới thiệu văn hóa, lịch sử dân tộc mà còn là cơ hội để người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào, hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Những tác phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố lòng tự hào dân tộc, đồng thời giúp quốc tế có cái nhìn chính xác hơn về quá trình hình thành và phát triển của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-ma-lich-su-tu-hinh-anh-post1500220.html