Giải mã lý do Hungary phản đối lệnh trừng phạt của EU thay vì chỉ trích Nga
Chiến dịch chống lại các lệnh trừng phạt của Hungary làm dấy lên nỗi lo ngại về sự mất đoàn kết của EU về Nga.
Theo nhà phân tích chính trị Hungary Péter Fazekas, Chính phủ Hungary do Thủ tướng Viktor Orban lãnh đạo ngày 14/10 đã tổ chức một cuộc khảo sát toàn quốc liên quan đến chính sách trừng phạt của EU đối với Nga. Cuộc khảo sát cho phép các công dân Hungary chia sẻ ý kiến của họ về các biện pháp trừng phạt năng lượng do EU đưa ra để phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Kế hoạch "Tham vấn quốc gia" trên của ông Orban bao gồm 7 câu hỏi về các biện pháp trừng phạt hiện tại và tiềm năng của EU đối với năng lượng của Nga, trong đó có vấn đề cung cấp dầu, khí đốt, nguyên liệu thô và nhiên liệu hạt nhân của Nga cho châu Âu; mở rộng nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary ở thành phố Paks do Rosatom xây dựng; cũng như tác động tổng thể của các biện pháp hạn chế đối với giá lương thực, đi lại và nhập cư.
Cùng với cuộc tham vấn quốc gia trên, Chính phủ Hungary cũng ra thông báo trên toàn quốc, trong đó lập luận rằng các lệnh trừng phạt của Brussels đang hủy hoại người Hungary và so sánh các lệnh trừng phạt của phương Tây với "tên lửa" (ám chỉ đến những thiệt hại do tên lửa gây ra trong cuộc xung đột ở Ukraine).
Ông Péter Fazekas cho rằng, trong khi Hungary cho đến nay đã ủng hộ tất cả các biện pháp hạn chế được đề xuất chung (để đổi lấy nhiều sự miễn trừ trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga), Thủ tướng Orban đã nổi lên là người chỉ trích hàng đầu về các biện pháp trừng phạt chống Điện Kremlin ở châu Âu, nhấn mạnh rằng EU nên đảo ngược các lệnh trừng phạt của mình vào cuối năm 2022.
Đáp lại, Ủy ban châu Âu - "kiến trúc sư chính" đằng sau các lệnh trừng phạt của EU - đã mô tả động thái của Chính phủ Hungary là "không phù hợp", lưu ý rằng Hungary cũng đóng một vai trò trong các quyết định chung của EU. Thật vậy, cả việc thông qua các biện pháp trừng phạt mới và kéo dài các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng đều đòi hỏi sự nhất trí của các nước thành viên EU.
Ngay cả trước cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ông Orban đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU đối với Moskva, cho rằng những biện pháp này gây ra nhiều tổn hại cho nền kinh tế châu Âu hơn là mục tiêu dự kiến của họ. Khi sự phản đối của Hungary với các lệnh trừng phạt tăng lên, phương Tây ngày càng lo ngại về việc liệu EU có thể duy trì chế độ trừng phạt chống Nga và sau đó là sự thống nhất chiến lược để hỗ trợ Ukraine khi xung đột kéo dài.
Xét về mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ giữa Budapest và Moskva, những lo ngại ngày càng tăng về việc Hungary sẽ chính thức phủ quyết các lệnh trừng phạt tương lai của EU không phải là không có cơ sở. Thủ tướng Orban cũng có khả năng sử dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ thương lượng để đảm bảo tiếp tục nhận được hàng tỷ euro từ EU, vốn đã bị đình trệ vì những lo ngại về pháp quyền.
Nhìn từ khía cạnh này, chiến dịch chống trừng phạt của nhà lãnh đạo Hungary có là nhằm vào công chúng ở trong nước.
Về kinh tế, Hungary nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cùng với nhu cầu cân đối ngân sách sau khi thực hiện một gói phúc lợi khổng lồ trước cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2022, cuộc xung đột đã buộc Chính phủ Hungary phải phá bỏ cam kết bầu cử chính và đảo ngược một phần chương trình hàng đầu kéo dài nhiều năm liên quan đến cắt giảm chi phí điện, nước vào tháng 7 vừa qua. Kết quả là, hàng triệu người Hungary đang phải đối mặt với khó khăn do giá khí đốt và điện tăng cao.
Bên cạnh nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập, nước này cũng đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng vọt, một trong những tỷ lệ cao nhất trong EU, điều này khiến sự bất bình của công chúng ngày càng tăng đối với Thủ tướng Orban và đảng Fidesz cầm quyền của ông.
Do đó, bằng cách đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt gây ra những khó khăn kinh tế của đất nước, Thủ tướng Hungary có khả năng sử dụng cuộc "Tham vấn quốc gia" trên như một nỗ lực để tránh sự sụt giảm uy tín từ các cử tri. Ngoài ra, như trong các cuộc tham vấn quốc gia trước đây, cuộc khảo sát do nhà nước tài trợ lần này cũng cung cấp cho Fidesz cơ hội nắm bắt dư luận chính trị và đo lường quan điểm chung từ các cử tri cốt lõi của mình.
Về mặt lý thuyết, ông Orban có thể đổ lỗi cho chiến dịch quân sự của Nga là nguyên nhân dẫn đến khó khăn kinh tế của nước này. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ nhận được quan điểm lẫn lộn từ những người ủng hộ ông. Trong những năm qua, đảng Fidesz cầm quyền, vốn từng là một phe chính trị trung hữu, thân phương Tây, đã dần dần được chuyển đổi thành một đảng Âu châu với ý thức hệ ngày càng gần gũi với Moskva. Bên cạnh đó, lực lượng cử tri cánh hữu của Fidesz cũng ủng hộ Nga. Đa số cử tri của Fidesz cũng tin rằng Ukraine và Mỹ - không phải Nga - phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.
Đối với ông Orban, việc chỉ trích Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sẽ có nghĩa là đảng Fidesz của ông có thể mất một phần đáng kể cử tri - rất có thể vào tay đảng cực hữu ủng hộ Điện Kremlin như đảng "Tổ quốc của chúng ta" (Mi Hazank). Điều này có thể làm sáng tỏ lý do Chính phủ Hungary đã chọn chống lại "các lệnh trừng phạt của Brussels" thay vì chiến dịch quân sự của Nga.
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho Fidesz, mặc dù đang giảm, vẫn chưa có biến động mạnh, khiến một số người cho rằng chiến dịch chống trừng phạt của Thủ tướng Orban có kết quả, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Hơn nữa, nhà thăm dò độc lập của Hungary Medían gần đây đã chỉ ra rằng 52% người Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, tăng so với 41% vào tháng 5/2022.
Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị Fazekas kết luận, khi tình hình kinh tế ở Hungary tiếp tục xấu đi, sự ủng hộ đối với Fidesz có thể sẽ giảm đáng kể, do đó có thể khiến Chính phủ của ông Orban chính thức phủ quyết việc gia hạn hoặc mở rộng chế độ trừng phạt của EU đối với Nga. Điều này sẽ giáng một đòn chiến lược vào những nỗ lực và sự đoàn kết của phương Tây nhằm làm suy yếu và cô lập Nga do cuộc xung đột ở Ukraine.