Giải mã 'Ngoại giao cây tre Việt Nam' - Bài 1: Nghệ thuật đối ngoại tạo nên kỳ tích
Cây tre Việt Nam là hình tượng ẩn dụ gần gũi, phù hợp nhất khi nhắc đến hoạt động đối ngoại của nước ta nhiều thập niên qua.
LTS: Tính đến tháng 4-2024, Việt Nam trải qua đúng 11 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là năm bản lề để chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đồng thời nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, cả nước đang kỷ niệm 49 năm, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Trong những thập niên qua, một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam chính là đường lối ngoại giao linh hoạt, hiệu quả, đột phá.
Loạt bài “Ngoại giao cây tre Việt Nam” sẽ giúp quý bạn đọc nhìn nhận một cách tổng thể đường lối đối ngoại, ngoại giao độc đáo của Việt Nam qua góc nhìn của những nhà ngoại giao kỳ cựu và các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
.............................
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Đại sứ Trần Đức Mậu, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, nói: “Tre Việt Nam (VN) đã có từ ngàn đời nay và có ở khắp mọi miền của đất nước, ẩn dụ tính kế thừa và tiếp nối, truyền thống và phổ quát của ngoại giao VN, ngoại giao không được đơn lẻ mà chỉ có thể thành công khi hòa nhập vào sức mạnh chung của cả dân tộc”.
Tre là hình tượng ẩn dụ phù hợp nhất
. Phóng viên: Thưa đại sứ, nói về ngoại giao vì sao lại ví von với “cây tre VN”?
+ Đại sứ Trần Đức Mậu: Tre là loài cây rất thân thuộc và gắn bó với đời sống của người VN chúng ta. Tre có ở nhiều nơi trên thế giới nhưng rất đặc biệt đối với đất nước và con người VN. Tre đi vào lịch sử và văn hóa VN suốt quá trình dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm nay. Tre phục vụ cuộc sống thường nhật của người VN và là vũ khí bảo vệ đất nước.
Ngoại giao là nghệ thuật của ứng xử và kiến tạo, của biến cái không thể thành cái có thể trong quan hệ giữa con người và giữa các quốc gia. Ngoại giao là sự vận hành của quốc gia trong thế giới để quốc gia yên bình và phát triển thịnh vượng trong thế giới biến động. Biến động của thế giới thử thách quốc gia và ngoại giao có sứ mệnh giúp quốc gia vượt qua thử thách ấy. Ngoại giao giúp đẩy lùi mọi mối đe dọa và mở ra vận hội mới cho đất nước.
Một nền ngoại giao mạnh phải có sứ mệnh rõ ràng, mục tiêu nhất quán, kiên định nguyên tắc, bản lĩnh vững vàng, ứng xử linh hoạt, phải có sức mạnh nội sinh cộng hưởng với ngoại lực, có bề dày truyền thống và bản sắc đặc thù, phù hợp với xu thế của thời đại và hài hòa vào dòng chảy chung của ngoại giao thế giới.
Ngoại giao VN mạnh nhờ hội tụ đủ những yếu tố trên. Cây tre VN ẩn dụ được đầy đủ nhất và xác thực nhất những thành tố cốt lõi của ngoại giao VN. Tre VN luôn là sự gắn kết giữa cây tre với bụi tre và lũy tre, tạo nên tổng thể chung chứ không tách biệt. Tre vẫn sinh sôi bất kể trên đất cằn cỗi hay tươi tốt biểu trưng cho ngoại giao VN luôn chế ngự được mọi hoàn cảnh.
Đối ngoại phải giữ vững độc lập, tự chủ nhưng vận dụng độc lập, tự chủ để phục vụ gia tăng sức mạnh, vị thế và uy tín của đất nước trên thế giới.
Cây tre uyển chuyển thân cành và dựa vào nhau để đứng vững vàng trong mọi phong ba bão táp hiện thân cho ngoại giao VN ứng xử linh hoạt và mềm dẻo, kiên cường và bản lĩnh trong mọi tình huống và hoàn cảnh. Gốc rễ tre không bị lay chuyển đại diện cho sự kiên định mục tiêu, định hướng và nguyên tắc của ngoại giao VN, đặc biệt và trước hết là phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Hình ảnh lũy tre bao bọc xung quanh vùng miền cũng là hình ảnh ngoại giao VN đóng vai trò tiên phong trong công cuộc bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, trong việc gây dựng và duy trì môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại thuận lợi cho đất nước phát triển thịnh vượng.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy sự tương đồng giữa tre VN và ngoại giao VN.
Nhuần nhuyễn “ngũ tri”
. Những thập niên qua, đặc biệt từ khi Đổi mới, sự uyển chuyển của “cây tre VN” biểu hiện cụ thể ra sao?
+ Ứng xử linh hoạt trong hoạt động đối ngoại là phong cách và nghệ thuật ứng xử. Ứng xử linh hoạt trong ngoại giao cũng như trong cuộc sống được hiểu theo nghĩa đen là tùy cơ ứng biến và được khái quát hóa thành một dạng “khẩu quyết” là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Những tiêu chí quyết định ở đây trước hết là xác định mục tiêu hoàn cảnh thực tế trong thế giới xung quanh và các đối tác, đối thủ như thế nào và dự định làm gì với mình.
Để có thể vận dụng phong cách và nghệ thuật ứng xử linh hoạt cần phải nhuần nhuyễn “ngũ tri” (tức là biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến) và phải thực hiện “thẩm thời, độ thế”, từ đó trên cơ sở kiên định nguyên tắc và mục tiêu mà xác định tâm thế thích hợp, bản lĩnh cần phải có và những biện pháp, chính sách ngoại giao đúng đắn, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả vào đúng thời điểm nhằm đúng đối tác hay đối tượng và với đúng mức độ.
Ứng xử linh hoạt thể hiện và cần được thực hiện trước ở nhận thức và tư duy để hoạch định chiến lược và xác định biện pháp chính sách cụ thể, rồi triển khai thực hiện và kịp thời điều chỉnh, đổi mới, bổ sung và hoàn thiện.
Thực tiễn đã cho thấy ngoại giao VN rất thành công trong việc vận dụng phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt. Quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới là bằng chứng điển hình nhất và thuyết phục nhất về vận dụng phong cách, nghệ thuật ngoại giao này. Trong từng giai đoạn và hoàn cảnh cụ thể, Đảng ta nhiều lần xác định và điều chỉnh chính sách đối ngoại, chỉ rõ ngoại giao có thể và phải làm gì để phục vụ tốt nhất và có lợi nhiều nhất cho đất nước, xác định trọng tâm và khâu đột phá.
. Xin ông chia sẻ những ví dụ cụ thể cho nhận định trên?
+ Có thể thấy được điều này qua hai ví dụ điển hình.
Thứ nhất là việc đưa ra phạm trù đối tác và đối tượng trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX năm 2003. Khi ấy, tình hình đất nước đã chuyển biến mạnh mẽ và tình hình thế giới thay đổi rất cơ bản. Từ nhận thức về thực trạng và triển vọng của thế và lực của đất nước sau gần 20 năm Đổi mới cũng như về bản chất của chính trị thế giới, chiều hướng xoay vần của thời cuộc và sự cấu trúc lại cục diện quan hệ quốc tế, Đảng ta đã có tư duy và cách tiếp cận hoàn toàn mới về hợp tác và đấu tranh, chỉ ra rằng nếu ngoại giao linh hoạt và uyển chuyển giữa hợp tác và đấu tranh thì VN có thể thúc đẩy được quan hệ hợp tác với tất cả đối tác để phục vụ đắc lực cho các lợi ích về an ninh, phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, VN “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của VN”.
Ví dụ thứ hai là xử lý quan hệ của VN với các nước lớn, đặc biệt giữa với Trung Quốc và với Mỹ. Mối quan hệ song phương giữa hai nước lớn này dù có những biến động nhưng mối quan hệ của VN với Trung Quốc và với Mỹ tiếp tục phát triển tích cực, đạt được cấp độ mới, tầm vóc mới, chất lượng mới.
“Ngoại giao cây tre” trong thời đại mới
. Về nguyên tắc và giải pháp cho “ngoại giao cây tre” để đảm bảo lợi ích cốt lõi của đất nước trong bối cảnh tình hình mới thì sao, thưa đại sứ?
+ Bản sắc “ngoại giao cây tre” chiếm vị trí trung tâm trong nền đối ngoại toàn diện và hiện đại. Vấn đề đặt ra là tiếp tục vận dụng và phát huy nó để phục vụ tốt hơn công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, đồng thời còn mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước.
Cây tre phải luôn chắc gốc, vững thân, phải dựa vào bụi tre và tạo thành lũy tre để rồi cùng nhau làm nên thành lũy từ tre. Đối ngoại VN phải vừa tiếp tục kiên định mục tiêu và nguyên tắc vừa linh hoạt giữa kiên định nguyên tắc với vận dụng nguyên tắc sao cho thu về được lợi ích nhiều nhất và to lớn nhất. Đối ngoại phải giữ vững độc lập, tự chủ nhưng vận dụng độc lập, tự chủ để phục vụ gia tăng sức mạnh, vị thế và uy tín của đất nước trên thế giới. Cây tre, bụi tre, lũy tre và thành lũy từ tre có khả năng ứng phó với phong ba bão táp nhưng không để xảy ra phong ba bão táp trong các mối quan hệ đối ngoại mới là giải pháp tốt nhất.
Vận dụng và phát huy bản sắc “ngoại giao cây tre” trong nền đối ngoại toàn diện và hiện đại có nghĩa là kiến tạo môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại thuận lợi nhất, yên bình nhất, ổn định bền vững nhất cho công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, phát triển đất nước phồn vinh và hội nhập thế giới thành công. Giữa mọi biến động luôn tìm được thế tĩnh. Giữa mọi tác động luôn khai thác được tác động tích cực và tránh hoặc hạn chế được tác động tiêu cực. Giữa mọi hiểm nguy và thách thức luôn tìm được lối dẫn đến an toàn. Trong điều kiện, tình hình mới, bản sắc “ngoại giao cây tre” vừa có cơ hội vừa cần phải phát huy sức mạnh và giá trị của nó.
. Xin cảm ơn đại sứ!
TS NGUYỄN KHẮC GIANG, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore):
Sự “tự chủ chiến lược” giữa thế giới biến động
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều bất ổn, đặc biệt là các cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông và Nga - Ukraine, VN vẫn luôn giữ vững nguyên tắc “chắc ở gốc” khi luôn nhấn mạnh nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế, phản đối bạo lực, đặt ưu tiên vào việc bảo vệ sinh mạng của dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự.
Với các nguyên tắc đó, VN đảm bảo không chọn phe trong các cuộc xung đột nhưng cũng nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, VN không chọn bên mà chọn chính nghĩa - trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phân cực thì áp lực với các quốc gia đứng giữa như VN ngày càng lớn. Để đảm bảo lợi ích của mình, VN cần nâng cao nội lực về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các đối tác tin cậy, đặc biệt là những nước ở vị thế tương tự như VN trong khu vực như các quốc gia ASEAN và Ấn Độ. Việc kết hợp chặt chẽ giữa nội lực tự thân và mạng lưới đối tác vững chắc sẽ giúp VN xây dựng được khả năng “tự chủ chiến lược”, đối phó được với một môi trường địa chính trị ngày càng nhiều bất trắc.
ĐỖ THIỆN - ĐỨC HIỀN