Giải mã người đàn ông quyền lực nhất vương triều Saudi Arabia
Mọi người quan tâm đến Trung Đông sẽ hoan nghênh cuốn 'The Man Who Would Be King' của Karen Elliott House về một người đàn ông đóng vai trò quan trọng trong tương lai của khu vực.

Ảnh: The Atlantic.
Theo Wall Street Journal (WSJ), Karen Elliott House là một tác giả gặp may. Cuốn tiểu sử bà viết về Mohammed bin Salman (MBS), The Man Who Would Be King, ra mắt đúng lúc Hoàng thái tử Saudi Arabia và vương quốc này đang tiến vào trung tâm của lịch sử thế giới.
Xung đột Israel-Iran và mạng lưới các thế lực đan xen với cả hai phía đã làm rung chuyển cán cân quyền lực cũ ở Trung Đông. Mohammed bin Salman sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trật tự khu vực mới.
Khi cân nhắc những động thái tiếp theo, các nhà ngoại giao và hoạch định chính sách quốc tế có thể sẽ cần đọc bài tường thuật sống động và sâu sắc của House để hiểu rõ hơn về nhà lãnh đạo Saudi Arabia. Còn các chuyên gia kỳ cựu về Trung Đông đến những độc giả bình thường sẽ được thỏa mãn nhu cầu giải trí với cuốn sách toàn diện về vương quốc giàu nhất nhì Trung Đông và nhà lãnh đạo của nó.
Với tư cách là phóng viên WSJ, tác giả House đã đưa tin về Saudi Arabia từ những năm 1970. Các bài báo của bà về Trung Đông và vương quốc này đã giành được Giải thưởng Pulitzer năm 1984, và cuốn sách On Saudi Arabia xuất bản năm 2012 vẫn là một tác phẩm không thể thiếu.
Giờ đây, House chuyển sự chú ý sang người đàn ông thay đổi Saudi Arabia một cách đáng kể. House đã trò chuyện với nhiều người phụ nữ Saudi Arabia, những người không thể tin vào sự tự do nhà vua đã mang lại, và với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người đang tìm cách nắm bắt những tham vọng thay đổi của Mohammed bin Salman.
Mohammed bin Salman và Peter Đại Đế
Hoàng thái tử Saudi đã phá vỡ nhiều truyền thống và nghi thức hoàng gia kéo dài hàng thế kỷ. Không một nhà cai trị Saudi Arabia nào trước ông từng xuất hiện trong xe địa hình tại một điểm tham quan du lịch, tạo dáng chụp ảnh tại một nhà hàng, hoặc xuất hiện tại một cuộc đua xe điện Công thức E với “một chiếc áo khoác Barbour màu xanh navy mặc bên ngoài chiếc áo thobe truyền thống của người Saudi, đeo kính râm Tom Ford và một đôi giày thể thao Adidas Yeezy Boost 350”.
House đã so sánh Mohammed bin Salman với Sa hoàng Nga thế kỷ 17 Peter Đại đế. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo có tư tưởng hiện đại hóa, làm rung chuyển các xã hội truyền thống và lèo lái quốc gia giữa bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Giống như Peter Đại Đế, người đã xây dựng St. Petersburg làm cầu nối của Nga với phương Tây, Mohammed bin Salman hy vọng rằng thành phố mới của mình, được gọi là Neom, sẽ biến Saudi Arabia trở thành một thế lực thống trị trong đổi mới công nghệ.

Cuốn sách ra mắt ngày 8/7. Ảnh: Amazon.
Và giống như Peter Đại Đế, người khẳng định quyền kiểm soát chính trị đối với nhà thờ Chính thống giáo Nga và đích thân cạo râu của những quý tộc phản đối hiện đại hóa, Mohammed bin Salman đã áp đặt tầm nhìn của mình một cách quyết liệt lên cả những nhà lãnh đạo tôn giáo và bộ lạc còn hoài nghi về sự thay đổi.
Tất nhiên, The Man Who Would Be King được viết trước khi Iran vướng phải cuộc xung đột khốc liệt với Israel, điều có thể sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử Trung Đông.
Vương triều độc nhất vô nhị
Trong một thế giới có gần 200 quốc gia, Saudi Arabia có nhiều nét độc đáo. Là nơi có hai thánh địa hành hương linh thiêng nhất của khoảng hai tỷ người Hồi giáo trên thế giới và là một trong những nơi có trữ lượng dầu lớn nhất hành tinh, vương quốc sa mạc này, với dân số gần 37 triệu người, từ lâu đã đóng vai trò hàng đầu trong nhiều vấn đề thế giới.
Liên minh của họ với Mỹ, được Franklin Roosevelt và ông nội của Mohammed bin Salman, Vua Abdulaziz, tạo dựng, đã trở thành một mỏ neo cho các vấn đề an ninh lớn của Trung Đông. Sự ủng hộ lâu dài của vương quốc này đối với phong trào Hồi giáo bảo thủ Wahhabi đã gây ra những hậu quả to lớn trên khắp thế giới Hồi giáo, trong khi ảnh hưởng của Saudi đối với giá dầu cũng tác động đến các nền kinh tế khắp nơi trên thế giới.
Trong khi có sức ảnh hưởng đáng kể với toàn cầu, Saudi Arabia lại lưu giữ rất nhiều nét chính trị cổ điển. Đây là quốc gia duy nhất được đặt theo tên của gia tộc cầm quyền, nhà Saud, triều đại đã nắm quyền tại đây kể từ thế kỷ 18.
Họ chỉ bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1962 và cho đến khi Mohammed bin Salman lên nắm quyền, phụ nữ nước này còn chịu nhiều hạn chế. Quan điểm Hồi giáo bảo thủ đã định hình lập trường chính trị của vương quốc từ lâu cũng như bản chất triều đại của Saudi Arabia giữ cho quốc gia này đi theo đường lối quản trị riêng.

Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters.
Tác giả House khéo léo mô tả nghịch lý thúc đẩy những cải cách của Mohammed bin Salman. Trước khi ông lên nắm quyền, xã hội Saudi Arabia vừa tự tin nhưng cũng vừa bất an. Trước đây, khi dân số còn ít, chính phủ Saudi có thể đảm bảo ổn định chính trị bằng cách phân phối doanh thu từ dầu mỏ cho những người cai trị bộ lạc và cư dân thành thị.
Nhưng dân số Saudi tiếp tục tăng, khiến những khoản tiền cấp phát trở nên tốn kém hơn. Trong khi đó, dân số tăng cũng khiến mức tiêu thụ dầu trong nước tăng, làm giảm thặng dư có sẵn để xuất khẩu. Trong bối cảnh này, Saudi sẽ duy trì sự ổn định chính trị như thế nào?
Trong khi những người cai trị trước đây chỉ thực hiện những bước đi nhỏ để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, Mohammed bin Salman tin rằng thời điểm áp dụng các biện pháp nửa vời đã qua. Các nguồn doanh thu mới, như du lịch, các ngành công nghiệp mới, như trung tâm dữ liệu, sẽ cần được đẩy mạnh và các thành phố mới phục vụ cho những ngành công nghiệp này, cũng cần nhanh chóng được xây dựng.
Liệu chiến lược này có hiệu quả không?, tác giả House thận trọng đặt câu hỏi. Trong khi Peter Đại đế phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn khi xây dựng St. Petersburg ở vùng đầm lầy phía bắc, nhưng ông vẫn kiên trì, House cho rằng Mohammed bin Salman cũng quyết tâm như vậy. Còn kết quả, vẫn cần phải chờ đợi.