Hạt nhân Iran: Nga yêu cầu IAEA chịu trách nhiệm về các đánh giá, Mỹ hé lộ khả năng gỡ trừng phạt, nỗi lo của Israel
Ngày 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phải chịu trách nhiệm về các đánh giá được công bố ngay trước những cuộc tấn công nhằm vào Iran.

Nga cho rằng, những đánh giá của IAEA về chương trình hạt nhân Iran bị nhiều bên cho là mập mờ, dễ gây hiểu nhầm. (Nguồn: Anadolu)
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro (Brazil), ông Lavrov nhấn mạnh: “Ban Lãnh đạo IAEA phải chịu trách nhiệm về những đánh giá đã công bố, bao gồm cả báo cáo trình lên Hội đồng Thống đốc của tổ chức này chỉ vài ngày trước khi xảy ra cuộc tấn công”.
Hãng tin Al Mayadeen cho hay, theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, những đánh giá này “bị nhiều bên cho là mập mờ, dễ gây hiểu nhầm”.
Ông Lavrov cho rằng, khác với những báo cáo trước đây, các đánh giá gần đây của IAEA “cho phép diễn giải theo hướng cho rằng Iran không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế”.
Ông yêu cầu cơ quan của Liên hợp quốc bảo đảm không chính trị hóa vấn đề hạt nhân của Iran trong tương lai.
Trước đó, ngày 26/6, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf thông báo, nước này đã ban hành luật đình chỉ hợp tác với IAEA. Tehran cáo buộc IAEA và Tổng giám đốc Rafael Grossi không có bất cứ hành động nào trước những cuộc tấn công của Mỹ và Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran tại Fordow, Isfahan và Natanz.
Ngày 13/6, Israel đã mở chiến dịch tấn công nhằm vào Iran với mục tiêu phá hủy năng lực hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Mỹ sau đó tham chiến bằng cuộc ném bom vào 3 cơ sở hạt nhân trên của Iran. Mỹ và Israel sau đó khẳng định, chương trình hạt nhân của Iran đã bị “xóa sổ” trong khi Tehran bác bỏ, song thừa nhận thiệt hại nghiêm trọng.
Cùng ngày 7/7, báo Jerusalem Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz tiếp tục đưa ra nhận định, chương trình hạt nhân Iran đã bị “tổn thương nghiêm trọng” và bị giáng đòn trên nhiều mặt trận đến mức ít nhất phải mất vài năm nữa mới có thể phục hồi.
Ông cũng nhấn mạnh, hiện chưa rõ liệu Tehran có quyết định tái lập chương trình hạt nhân hay không, do phải đối diện với quá nhiều mặt trận cần khôi phục, những tổn thất tài chính nặng nề sau khi cơ sở hạt nhân bị Israel và Mỹ oanh tạc, cũng như khoản đầu tư khổng lồ cần thiết để tái xây dựng chương trình này.
Tuy vậy, quan chức Israel lưu ý, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran - dù đã bị thiệt hại lớn trong cuộc chiến 12 ngày vừa qua - vẫn còn giữ lại phần đáng kể năng lực.
Hiện đang có tranh cãi trong nội bộ Israel về việc liệu nước này đã phá hủy một nửa hay hai phần ba trong số hơn 400 bệ phóng tên lửa đạn đạo mà Iran sở hữu trước xung đột. Tuy nhiên, rõ ràng là Iran vẫn còn từ 150 đến 200 bệ phóng, nghĩa là nước này vẫn đủ khả năng phóng những loạt tên lửa lớn vào Israel hoặc bất kỳ kẻ thù nào khác mà họ nhắm đến.
Iran hiện còn ít nhất từ 500 đến 1.000 tên lửa đạn đạo - có thể còn nhiều hơn - so với tổng số khoảng 2.500 quả trước khi nổ ra cuộc chiến 12 ngày với Israel.
Cũng liên quan Iran, trong ngày 7/7, phát biểu trước báo giới khi bắt đầu bữa tối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Tehran vào thời điểm phù hợp như quyết định tương tự với Syria.
Ông Trump chia sẻ: “Tôi rất muốn, vào thời điểm thích hợp, dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đó, trao cho họ cơ hội tái thiết, vì tôi muốn chứng kiến Iran xây dựng lại đất nước một cách hòa bình, thay vì suốt ngày hô khẩu hiệu ‘diệt Mỹ', ‘diệt Israel’ như họ đang làm”.