Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, nước Yemen lúc bấy giờ chia thành 2 quốc gia. Nước Bắc Yemen diện tích nhỏ nhưng dân đông, trước kia là một vương quốc thuần Arab.
Một cuộc cách mạng sau đó kéo theo cuộc xâm lược quân sự của Ai Cập kéo dài tới năm 1967, kết thúc bằng việc Bắc Yemen trở thành 1 nước Cộng hòa, nhưng nền tảng xã hội Arab và Hồi giáo vẫn duy trì.
Còn nước Nam Yemen thì diện tích lớn gấp 3, nhưng dân số chỉ bằng 1/4. Vốn bị Anh kiểm soát tới năm 1967 mới trao độc lập, Nam Yemen có một nền tảng xã hội thế tục, Tây hóa hơn. Sau khi giành độc lập, Nam Yemen trở thành quốc gia đồng minh của Liên Xô.
Quan hệ giữa hai miền Yemen phần lớn là yên bình. Một căng thẳng hiếm hoi vào năm 1979 liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội đẩy 2 nước Yemen tới một cuộc chiến tranh.
Phía Bắc Yemen chủ quan nghĩ rằng Nam Yemen sẽ không động binh (vì những lần trước cũng vậy, chửi nhau rồi lại thôi), ngờ đâu lần này các cố vấn Liên Xô, Đông Đức khuyến Nam Yemen tấn công thật.
Quân đội Nam Yemen tràn qua biên giới, khiến quân Bắc Yemen bị bất ngờ và rút lui, xin trợ giúp từ Arab Saudi. Lúc đó, Arab Saudi đang bán dầu cho đảo Đài Loan và có mối quan hệ khá tốt với hòn đảo xa xôi ở châu Á này.
Vào tháng 3/1979 tùy viên quân sự của Arab Saudi chơi golf với tướng lĩnh đảo Đài Loan và hỏi rằng: nếu Arab Saudi có chiến tranh thì Đài Loan có giúp không? Nghĩ rằng Arab Saudi trước nay ít tham chiến trực tiếp nên các quan chức Đài Loan có vẻ gật đầu xã giao.
Ngờ đâu ít lâu sau Arab Saudi gửi thư, nhờ Đài Loan tham chiến thật. Thế là lãnh đạo Đài Loan khi đó là Tưởng Kinh Quốc phải đồng ý giúp Arab Saudi, nhưng cũng ra lệnh phải giữ tuyệt mật kế hoạch.
Ban đầu, Arab Saudi trình bày rằng họ cần nhiều máy bay để giúp quân Bắc Yemen chiếm lại ưu thế trên không. Phía Đài Loan nghe vậy quyết định cấp cho Yemen và Arab Saudi nhiều máy bay F-5E của Mỹ khá mạnh thời đó. Đồng thời cũng gửi 80 phi công tới Yemen, mặc quân phục và mang hộ chiếu Arab Saudi để huấn luyện phi công Yemen.
Không ngờ, phi công Bắc Yemen quá kém, dạy mãi mà không đủ số phi công thành thục lái tiêm kích chiến đấu F-5E. Thế là phía Arab Saudi phải thuyết phục đảo Đài Loan gửi thêm cố vấn (cuối cùng lên tới 800 người) và gửi luôn cả phi công chiến đấu trực tiếp.
Để việc này thành công, phía Arab Saudi hứa trả lương cho phi công Đài Loan tham gia chiến đấu gấp 10 mức lương hiện tại của họ. Vì vậy giới phi công Đài Loan thời đó có câu: Đại Mạc nhất niên, Đài Loan thập niên. "Đại Mạc" (sa mạc lớn) là tên kế hoạch bí mật của Đài Loan ở Yemen lúc đó - ý chỉ phi công Đài Loan đi Yemen chiến đấu một năm hưởng lương bằng 10 năm ở Đài Loan.
Nhưng chiến tranh Yemen chỉ diễn ra có 1 năm thôi, hết năm 1979 là ai về nhà nấy. Nhưng, Yemen và Arab Saudi vẫn xin các phi công Đài Loan ở lại để huấn luyện cho phi công Yemen thành thục (dĩ nhiên là vẫn trả lương hậu hĩnh).
Vì vậy mà các phi công, cố vấn Đài Loan có người ở Yemen tới tận năm 1990 mới về nhà. Đến năm 1985, các phi công Yemen được đánh giá là đã thành thạo cơ bản để lái được F-5E. Thậm chí trong chiến tranh Iran-Iraq, các phi công Yemen đã có thể tự tin lái F-5E giúp Iraq không kích vào quân Iran.
Các nhiệm vụ huấn luyện của Đài Loan ở Yemen kết thúc vào năm 1990. Khi đó, 2 nước Bắc-Nam Yemen được thống nhất và trở thành Yemen ngày nay. Các nhiệm vụ trước kia được giữ kín, sau khi lãnh đạo Đài Loan Tưởng Kinh Quốc mất đã được công khai, gây bất ngờ cho rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn ảnh:TheArchive.
Màn nhào lộn cực kỳ mãn nhãn của tiêm kích F-5E - chiến đấu cơ "hàng khủng" một thời do Mỹ sản xuất. Nguồn: Aviation.
Tiến Minh