Giải mã sức hút phim truyền hình giờ vàng

Cùng với việc thay đổi khung thời gian phát sóng phù hợp hơn, phim truyền hình Việt đang tiếp tục chiếm được tình cảm yêu mến của khán giả nhờ những nỗ lực đổi mới ở mọi khâu trong quá trình làm phim.

Kịch bản hấp dẫn

Có lẽ, hiếm thời điểm nào mà nhiều bộ phim truyền hình phát sóng “giờ vàng” đều nhận được sự yêu quý của khán giả như hiện nay. Trên các diễn đàn, từ báo chí truyền thông tới mạng xã hội, bắt gặp nhiều bình luận tích cực về các vấn đề xung quanh mỗi bộ phim. Điều đó cho thấy, dòng phim truyền hình vẫn có sức hút đặc biệt với đa số công chúng. Mỗi bộ phim kể một câu chuyện cùng với cách làm phim khác nhau nhưng “Cha tôi, người ở lại” và “Những chặng đường bụi bặm” đều đang có sức hấp dẫn không kém những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... từng “làm mưa làm gió” trên truyền hình những năm trước đây.

“Những chặng đường bụi bặm” ngày càng thu hút người xem.

“Những chặng đường bụi bặm” ngày càng thu hút người xem.

Một trong những yếu tố tiên quyết làm nên sức hút của những bộ phim truyền hình Việt đang phát sóng đó là kịch bản hấp dẫn, giàu kịch tính và gần gũi với tâm lý người xem. Mặc dù là bộ phim được mua bản quyền, làm lại từ phim truyền hình Trung Quốc đình đám, có tên gọi “Lấy danh nghĩa người nhà” nhưng phiên bản Việt “Cha tôi, người ở lại” được đánh giá là lấn át cả bản gốc. Không ít khán giả từng xem bản gốc đã dành sự ngợi khen cho phiên bản Việt này.

Lần đầu tiên trên màn ảnh nhỏ xuất hiện một “gia đình đặc biệt”, trong đó không phải là một cặp cha - mẹ mà là 2 người đàn ông, tình cờ gắn bó với nhau dưới một mái nhà. Họ cùng nuôi dưỡng, yêu thương 3 đứa trẻ không cùng máu mủ, huyết thống. Mỗi thành viên một tính cách: ông Bình bao dung, độ lượng; ông Chính thẳng thắn, cương trực; Nguyên chững chạc, già dặn; Việt chịu khó, yêu thương và An nhí nhảnh, vui tươi... Nhưng, họ cùng gắn kết từ sự ấm áp của trái tim. Những tình huống trong phim được xây dựng logic, hợp lý, hấp dẫn. Ngôn ngữ thoại phù hợp với tính cách cũng như diễn biến tâm lý của mỗi nhân vật khiến họ trở nên gần gũi và rất đời.

Tương tự, “Những chặng đường bụi bặm” cũng có cốt truyện độc đáo, thú vị. Bộ phim không khai thác câu chuyện tình yêu hay những mâu thuẫn hôn nhân - gia đình thông thường mà là chuyến đồng hành bất đắc dĩ của 3 người, đó là ông Nhân, Nguyên và Phỏm. Một người là tù nhân vừa mãn hạn sau 30 năm, một thanh niên con nhà giàu nhưng tay trắng sau những biến cố liên tiếp và một cậu bé lang thang mưu sinh bằng nghề móc túi... Những bất ngờ của số phận đã gắn kết họ trên một hành trình và khiến họ trưởng thành, lạc quan, cũng như tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

Một điều đặc biệt ở cả hai kịch bản phim là đều thoát ra được những lối mòn thông thường để mang đến những khái niệm mới về gia đình, tình thân theo nghĩa rộng lớn hơn. Điểm chung ở những bộ phim truyền hình được khán giả yêu mến chính là chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Có rất ít hoặc không có nhân vật phản diện, mỗi bộ phim đều là những câu chuyện giản dị, gần gũi được kể bằng ngôn ngữ hình ảnh giàu biểu cảm.

Từng tham gia Việt hóa thành công bộ phim hình sự “Độc đạo”, Thiếu tá, biên kịch Vũ Liêm cho rằng kịch bản luôn là khâu vô cùng quan trọng đối với sự thành công của một bộ phim. Vì vậy, khi Việt hóa, các nhà biên kịch luôn tập trung để khán giả cảm nhận đây là một bộ phim Việt Nam. Với “Cha tôi, người ở lại” cũng vậy, những yếu tố văn hóa, nghệ thuật truyền thống, tính cách Việt được lồng ghép khéo léo trong từng thước phim. Đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ, khi làm phim, bản gốc chỉ là cái sườn, ê-kíp làm phim cố gắng khai thác tối đa bản sắc văn hóa, màu sắc cuộc sống của xã hội Việt Nam trong mỗi nhân vật, cảnh phim.

Dàn diễn viên như được “đo ni đóng giày”

Góp phần làm nên sự thành công của những bộ phim này phải kể tới dàn diễn viên như “đo ni đóng giày” cho từng nhân vật. Đảm nhận các vai chính An, Nguyên, Việt trong “Cha tôi, người ở lại” là các diễn viên Ngọc Huyền, Thái Vũ và Trần Nghĩa. Ngay từ khi vừa lên sóng, bộ ba này đã chiếm được tình cảm của người xem bởi ngoại hình đẹp, trẻ trung và diễn xuất tự nhiên, chân thực.

Dàn diễn viên trẻ giàu thực lực trong phim “Cha tôi, người ở lại”.

Dàn diễn viên trẻ giàu thực lực trong phim “Cha tôi, người ở lại”.

Từng xuất hiện ở một số phim, tuy nhiên, với vai An, Ngọc Huyền cho thấy sự trưởng thành vượt bậc trong diễn xuất của mình. Mặc dù ở tuổi U30 nhưng ngoại hình trẻ trung, có phần nhỏ bé lại trở thành lợi thế cho nữ diễn viên này để hóa thân thành cô bé An với tính cách hoạt bát, yêu đời nhưng ẩn chứa bên trong là tình cảm sâu sắc với các thành viên trong gia đình. Ngọc Huyền mang đến cho khán giả cảm giác, ngoài cô ra, khó ai đảm nhận được vai An tốt đến thế. Ngay cả trong sự so sánh với diễn viên của phiên bản gốc thì khán giả luôn dành rất nhiều yêu thương cho vai An của Ngọc Huyền.

Trần Nghĩa cũng là gương mặt khá quen thuộc với khán giả ở cả phim điện ảnh và truyền hình. Nhưng, với vai anh cả Nguyên, Trần Nghĩa không chỉ chứng minh sự “trẻ lâu” của mình khi ngoài 30 tuổi vẫn có thể hóa thân thành nam sinh THPT mà còn mang đến một vai diễn với chiều sâu nội tâm. Giọng nói điềm đạm, đặc biệt là ánh mắt chất chứa cảm xúc đã khiến Trần Nghĩa thể hiện xuất sắc vai Nguyên có phần hướng nội, sâu sắc, đặc biệt là các phân đoạn cao trào, giằng xé cảm xúc.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Thái Vũ với vai Việt như một phát hiện độc đáo và thuyết phục của đạo diễn. Thái Vũ mang đến một nhân vật Việt đầy yêu mến với tính cách vui vẻ, ấm áp nhưng hiểu chuyện, luôn sẵn sàng chịu thiệt thòi để những người thân yêu được bình yên. Với vai ông Bình trong “Cha tôi, người ở lại” NSƯT Thái Sơn cũng đã ghi dấu vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Dù lấn sân sang mảng phim truyền hình khá muộn nhưng sau vai Tú trong “Dưới bóng cây hạnh phúc”, Thắng trong “Vui lên nào anh em ơi” và giờ là vai ông Bình, NSƯT Thái Sơn cho thấy khả năng biến hóa trong từng vai diễn của mình. Đặc biệt, anh đã tận dụng được sở trường của một nghệ sĩ chèo để góp phần làm nên một ông Bình giàu lòng yêu thương, độ lượng mà luôn đau đáu, đầy ắp nỗi niềm.

Tương tự, bộ ba vai chính trong phim “Những chặng đường bụi bặm” cũng đưa khán giả đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. NSƯT Võ Hoài Nam đã chứng minh “gừng càng già càng cay” khi vào vai ông Nhân - một người đàn ông trở về sau 30 năm ngồi tù bơ vơ không gia đình, nhà cửa. Vẻ mặt lơ ngơ của một người “tái hòa nhập” khi xa cách xã hội khá lâu, sự sâu sắc của một người thấu mọi lẽ đời và sự cứng rắn, thẳng thắn của một người đàn ông gặp nhiều biến cố đã được NSƯT Võ Hoài Nam biểu cảm xuất sắc trong vai diễn này.

Bên cạnh đó, Đình Tú được cho là có màn lột xác ấn tượng, diễn xuất thăng hạng vượt trội so với những dự án trước. Vốn quen thuộc với những vai diễn thanh niên ham chơi bất tài nhưng vai cậu ấm Nguyên lại được Đình Tú thể hiện với một màu sắc mới. Quá trình diễn biến của Nguyên từ một chàng công tử tính tình khó chịu, ích kỷ, ham mê vật chất dần trở thành một thanh niên sống tích cực, biết quan tâm và thấu hiểu người khác hơn đã được Đình Tú thể hiện đầy thuyết phục. Khán giả cũng dành lời khen cho Đức Phong với nét diễn tự nhiên, rất duyên trong vai Phỏm. Đó là một cậu bé lang thang, lấy nghề ăn cắp vặt để kiếm sống, nhưng rồi, với tình cảm mà ông Nhân và Nguyên dành cho, Phỏm đã dần lấy lại được “tính bản thiện” của mình...

Không chỉ vai chính, những nhân vật phụ cũng được các đạo diễn kỹ lưỡng từ chọn diễn viên tới xây dựng tính cách khiến chất lượng mỗi bộ phim đều được nâng tầm. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhận định mỗi nghệ sĩ đều ẩn chứa tiềm năng sáng tạo rất lớn, quan trọng là kịch bản đủ hay, đạo diễn đủ tầm và tài để khơi gợi được khả năng diễn xuất ở họ. Sự nỗ lực nâng cao chất lượng mọi khâu ở các nhà sản xuất phim truyền hình Việt đã khiến cho dòng phim quốc dân này ngày càng được khán giả yêu mến.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/giai-ma-suc-hut-phim-truyen-hinh-gio-vang-i764058/