Giải mã thất bại của Hàn Quốc trong vụ bắn hụt drone Triều Tiên

Công nghệ radar và gây nhiễu là chìa khóa để giải mã chuyện Hàn Quốc không thể bắn rơi bất kỳ máy bay không người lái nào của Triều Tiên trong vụ xâm phạm không phận hôm 26/12.

Hệ thống phát hiện drone Drone Guard của Elta đã được thử nghiệm thành công ở Arizona, Mỹ

Hệ thống phát hiện drone Drone Guard của Elta đã được thử nghiệm thành công ở Arizona, Mỹ

Dù một chiếc vào sâu tận thủ đô Seoul, Hàn Quốc có vẻ gặp khó khăn trong việc phát hiện phương tiện nhỏ bé này bằng radar và theo dõi di chuyển của chúng. Ngoài ra, Hàn Quốc có thể thiếu phương tiện để gây nhiễu tín hiệu từ hệ thống định vị vệ tinh hoặc kênh truyền dữ liệu của đội máy bay không người lái (drone) này.

Khi không thể xác định vị trí các drone của đối phương, Hàn Quốc đã điều máy bay chiến đấu ra tìm kiếm và bắn hạ. Nhưng dù phía Hàn Quốc bắn đến 100 phát, không chiếc nào của Triều Tiên rơi.

Nhìn chung, hiệu quả của hệ thống phòng không Hàn Quốc trong vụ này rất tệ.

Chưa rõ các máy bay không người lái Triều Tiên thuộc loại nào. Giới chức Hàn Quốc nói rằng chúng là loại nhỏ, nhưng không rõ là cánh cố định hay 4 cánh quạt.

Hàn Quốc khẳng định họ có giải pháp hiệu quả để đối phó với drone cỡ lớn hơn, nhưng không cho biết cụ thể là giải pháp gì.

Các giải pháp thực sự hiệu quả đều liên quan đến radar hiện đại. Drone 4 cánh quạt sử dụng động cơ điện và các bộ phận thường làm bằng nhựa, nhưng radar hiện đại có thể phát hiện cả những phương tiện nhỏ như vậy.

Radar chuyên phát hiện drone có những đặc điểm mà các hệ thống kiểm soát không lưu thương mại và cảm biến quân sự không có.

Những radar đó có thể phát hiện drone bay chậm ở tầm thấp để tránh radar tiêu chuẩn. Nhiều radar chống drone có thể phân biệt giữa drone với chim và các vật thể khác, thậm chí xác định được cả chủng loại và loại bỏ tiếng ồn.

Một số hệ thống radar chống drone hiện đại hơn kết hợp radar với cảm biến quang điện, giúp việc phát hiện và theo dõi hiệu quả hơn, đồng thời có thiết bị can thiệp điều hướng điện tử, có thể gây nhiễu tín hiệu kiểm soát của drone. Một trong những hệ thống như vậy là Drone Guard của Elta, đã được quân đội Mỹ thử nghiệm thành công ở Arizona.

Loại drone điển hình đang được sử dụng hiện nay có kết nối dữ liệu với trạm kiểm soát, gửi hình ảnh và dữ liệu về trung tâm kiểm soát. Vì thế, hệ thống phát hiện có thể gây nhiễu tín hiệu này.

Những drone đắt tiền và hiện đại hơn, với tầm xa và thời gian hoạt động lâu hơn, kết nối với vệ tinh để truyền tín hiệu và tiếp nhận tín hiệu điều khiển.

Loại drone có 4 cánh quạt

Loại drone có 4 cánh quạt

Các hệ thống định vị toàn cầu – được cài vào các drone hiện đại – sử dụng hệ thống Navstar của Mỹ, Glonass của Nga, hoặc Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ngày nay, các loại chip và ăng-ten tiếp nhận tín hiệu radio có thể tận dụng cả 3 hệ thống này, vì thế việc gây nhiễu cũng khó hơn.

Một trong những đặc điểm ưu việt của hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk là rất khó gây nhiễu, nhờ hàng ngàn vệ tinh cùng hỗ trợ hệ thống.

Dù cỡ to hay nhỏ, hầu hết drone dựa vào các kênh truyền dữ liệu và hệ thống GPS. Drone Shahed-136 của Iran hơi khác. Loại này có thể mang thuốc nổ, được cài đặt tọa độ từ trước và sử dụng GPS, nhưng không có các kênh truyền dữ liệu, kiểm soát và điều khiển để có thể gây nhiễu.

Giới phân tích chưa biết gì nhiều về drone Triều Tiên, cũng như không biết Hàn Quốc có cố gắng gây nhiễu những phương tiện này hay không, dù Hàn Quốc có công nghệ để làm việc đó.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là Triều Tiên học được rằng họ có thể dùng drone để xâm nhập bầu trời Hàn Quốc. Một điều rõ ràng nữa là Hàn Quốc chưa hề chuẩn bị và không được trang bị đầy đủ để đối phó với mối đe dọa từ drone Triều Tiên.

Bình Giang

Theo AT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giai-ma-that-bai-cua-han-quoc-trong-vu-ban-hut-drone-trieu-tien-post1499365.tpo