Giải mã trào lưu gặp người thân đã mất bằng Google Maps

Việc xem lại ảnh cũ khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc. Không gian sống, hình ảnh người thân, sự quen thuộc là những yếu tố kích hoạt mạnh mẽ cảm xúc và sự hoài niệm.

 Cụ ông đã qua đời hơn một năm được cháu gái nhìn thấy trên Google Street View. Ảnh: @ntphhue/TikTok.

Cụ ông đã qua đời hơn một năm được cháu gái nhìn thấy trên Google Street View. Ảnh: @ntphhue/TikTok.

"Mình quay lại năm 2023 và gặp được bố", "Hôm qua mình cũng mới thấy ông nội, cũng gần 1 năm ông đi rồi", "Ôi, vẫn bóng lưng còng của bà mình ngày nào. Nhớ bà quá chừng"…

Giữa năm nay, nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam bất ngờ được "hồi sinh" ký ức nhờ trào lưu "quay ngược thời gian với Google Maps". Bên cạnh những khoảnh khắc ngô nghê nhắc về "tuổi thơ dữ dội", hình ảnh ngôi nhà cũ 5-10 năm trước hoặc người thân đã mất gợi lên nhiều cảm xúc.

Đây không phải trào lưu đầu tiên theo mô-típ giúp mọi người tìm lại kỷ niệm. Cũng giống như "thử thách 10 năm" (#10yearchallenge), "Bạn đã thay đổi như thế nào" (#howmuchhaveyouchangedchallenge) hay “Ngày ấy - bây giờ” (#thenvsnow), "xuyên không với Google Maps" cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Cuộc hội ngộ bất ngờ trên Google Maps

Tính năng Street View được Google triển khai từ năm 2007, cho phép người dùng quan sát hình ảnh thực tế từ các tuyến phố trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, một số khu vực thành thị, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, được cập nhật từ khoảng năm 2014-2015.

Không chỉ tại Việt Nam, trào lưu quay về quá khứ bằng Google Maps đã lan rộng khắp thế giới. Trên TikTok, hàng loạt video chia sẻ ảnh chụp cũ từ Street View khiến cộng đồng mạng xúc động.

Tại Anh, Katie Scott (49 tuổi) rơi nước mắt khi tìm thấy cha mình, người đã mất từ 2013, đang ngồi ở chiếc ghế quen thuộc ngoài sân, hình ảnh được chụp bởi Google Street View 12 năm trước. “Tôi không có nhiều ảnh của cha, nhưng hình ảnh đó khiến ký ức tràn về. Như thể ông chưa từng rời đi”, bà tâm sự.

 Google Street View chụp được ảnh cha của Katie Scott đang ngồi trên băng ghế không lâu trước khi ông qua đời. Ảnh: Jam Press.

Google Street View chụp được ảnh cha của Katie Scott đang ngồi trên băng ghế không lâu trước khi ông qua đời. Ảnh: Jam Press.

Từ Mỹ, Canada đến Nhật Bản, TikTok ghi nhận hàng triệu lượt xem cho các clip theo trào lưu này. Những dòng chú thích tương tự như “Ở đâu đó trên Google Maps, vẫn là năm 2011 và bố tôi đang đổ rác” xuất hiện ngày một nhiều.

Chuyên gia mạng xã hội Sara Tasker nhận định: “Trào lưu này là một cách con người dùng công nghệ để kết nối với bản ngã cũ, để biết ơn quá khứ và an ủi bản thân trước hiện tại”.

Bà cho rằng những ký ức “bị đóng băng” trong ảnh chụp ngẫu nhiên của Google khiến chúng ta nhận ra rằng thời gian trôi rất nhanh, nhưng những gì từng tồn tại vẫn có thể được giữ lại, ít nhất là trên màn hình.

Các chuyên gia tâm lý học nhìn nhận đây là hành vi kết nối cảm xúc với quá khứ. Theo nghiên cứu được công bố bởi công ty Cewe (Anh) năm 2020, 56% người tham gia khảo sát cho biết việc xem ảnh cũ khiến họ cảm thấy hạnh phúc, 30% thấy thư thái hơn. Không gian sống, hình ảnh người thân và sự quen thuộc là những yếu tố kích hoạt mạnh mẽ cảm xúc và sự hoài niệm.

Không chỉ là kỷ niệm

Trước trào lưu "thăm nhà cũ" qua Google Maps, mạng xã hội từng nhiều lần chứng kiến làn sóng người dùng đồng loạt chia sẻ hình ảnh “ngày ấy - bây giờ”. Khi tham gia, người dùng đăng hai tấm ảnh trước và sau một khoảng thời gian để thể hiện sự thay đổi về ngoại hình, học vấn, sự nghiệp, quan hệ hay hoàn cảnh sống.

Theo Tiến sĩ Tim Wildschut, nhà nghiên cứu tâm lý tại Đại học Southampton (Anh), đây là cách con người tìm lại những cảm xúc đã mất trong cuộc sống.

“Hoài niệm cho phép con người tái hiện những điều đã qua. Ngay cả khi cô đơn, việc nhớ lại một người hay một kỷ niệm có thể khiến ta cảm thấy được yêu thương”, ông nói với Wired.

TS Wildschut gọi hiệu ứng tâm lý này là “nỗi nhớ hướng tới tương lai” (anticipatory nostalgia), tức là trong nhiều trường hợp, con người chủ động tạo ra những ký ức, dưới dạng ảnh chụp, bài hát hay đồ vật để sau này có thể quay về tìm lại cảm xúc đó.

Trào lưu ngày ấy - bây giờ thu hút nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia. Ảnh: @nickiminaj/Instagram.

Trào lưu ngày ấy - bây giờ thu hút nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia. Ảnh: @nickiminaj/Instagram.

Tuy nhiên, các trào lưu nhìn lại quá khứ như “ngày ấy - bây giờ” cũng có hai mặt. TS Krystine Batcho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Le Moyne (Mỹ), cho rằng việc xem lại những bức ảnh cũ có thể khơi gợi loạt phản ứng tâm lý phức tạp.

“Hình ảnh từ quá khứ giúp người xem đối chiếu với hiện tại, từ đó thúc đẩy cảm xúc tốt hoặc xấu tùy vào trải nghiệm cá nhân. Nó có thể làm tăng lòng tự trọng, khơi dậy sự biết ơn vì đã trưởng thành nhưng cũng có thể khiến người ta cảm thấy tiếc nuối hoặc thất vọng nếu hiện tại không như mong muốn,” bà chia sẻ với Psychology Today.

Theo TS Batcho, trào lưu ngày ấy - bây giờ giúp con người “sửa lại” ký ức sai lệch, định vị lại vai trò của quá khứ trong quá trình phát triển bản thân. Đặc biệt, việc có cùng một kỷ niệm làm các thành viên trong xã hội ngày càng gắn kết.

Dưới góc nhìn đó, trào lưu “ngày ấy - bây giờ” hay “thăm nhà cũ” trên Google Maps không đơn thuần là thú vui nhất thời, mà là hành vi mang tính tâm lý sâu sắc. Nó cho phép người dùng hồi tưởng và đối thoại với chính mình trong quá khứ theo hướng chữa lành, tự nhận thức và ghi nhận hành trình đã đi qua.

Đông Tùng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/giai-ma-trao-luu-gap-nguoi-than-da-mat-bang-google-maps-post1565555.html