'Giải mã' vệt sáng lạ trên bầu trời người dân miền Trung quan sát thấy lúc rạng sáng
Khoảng 4h40 sáng 15/7, nhiều người dân ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng bất ngờ chứng kiến một vệt sáng dài, sáng rõ và di chuyển chậm trên bầu trời.

Vệt sáng kỳ lạ trên bầu trời người dân miền Trung quan sát thấy rạng sáng 15/7.
Vệt sáng trên bầu trời các tỉnh miền Trung di chuyển kéo dài hơn 2 phút, hướng di chuyển từ Bắc xuống Nam, thu hút sự quan tâm và bàn luận sôi nổi từ cộng đồng mạng và người dân địa phương.
Ban đầu, nhiều người nghĩ đây có thể là máy bay hoặc vật thể bay tốc độ cực nhanh như tên lửa siêu vượt âm, bởi vệt sáng có hình dạng dài rõ nét, màu trắng và phát quang rực rỡ. Một số cảnh ghi hình cho thấy vệt sáng kéo dài trên bầu trời phía đông, có góc nhìn như một đám mây hình nón sáng rực. Người dân tại các tỉnh ven biển còn mô tả vệt sáng như hiện tượng đẹp mắt.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tượng vệt sáng trên bầu trời nhiều khả năng là do Trung Quốc đã phóng thành công tàu chở hàng vũ trụ Thiên Châu-9 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y10. Thời điểm phóng là lúc 5h34 sáng giờ Bắc Kinh (tức 4h34 sáng giờ Hà Nội)
Có cùng nhận định, tiến sĩ - chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy, đang công tác tại Đại học Kyoto Nhật Bản, trên trang cá nhân của mình đã nói rằng vệt sáng trên bầu trời miền Trung xuất hiện trùng thời điểm Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-9 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-7 Y10 từ bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, lúc 4h37 - 4h40 giờ Hà Nội.
TS Huy giải thích tên lửa đẩy siêu vượt âm bay ở tầng khí quyển cao đã tạo ra hiệu ứng sóng xung kích, khiến không khí bị nén lại và ma sát lớn, làm nóng không khí và ion hóa, từ đó phát ra ánh sáng đặc trưng dưới dạng vệt sáng trắng dài, thường gọi là “rocket plume” hay vệt ngưng tụ hơi nước hình nón. Hiện tượng này còn phụ thuộc vào điều kiện độ ẩm không khí và góc nhìn của người quan sát để tạo ra sự rõ nét, rực rỡ như đã ghi nhận.
Sau khoảng 10 phút bay, tàu Thiên Châu-9 tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo để ghép nối với trạm vũ trụ Thiên Cung. Tên lửa Trường Chinh-7 vận tốc siêu thanh (>8.575 km/h) tạo ra “bức tường âm thanh” và vệt khí ngưng tụ đằng sau, quan sát được bằng mắt thường tại Việt Nam trong điều kiện trời sáng sớm hay không khí ẩm.
Video người dân ghi lại vệt sáng di chuyển trên bầu trời miền Trung
Sự kiện này cũng là minh chứng hiếm hoi cho thấy hoạt động phóng tên lửa vũ trụ từ khu vực lân cận có thể được quan sát rõ ràng từ lãnh thổ Việt Nam. Đây không phải hiện tượng tự nhiên mà hoàn toàn là kết quả của hoạt động không gian có người lái và vệ tinh của quốc gia láng giềng Trung Quốc.