Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình: Mong tiếp tục bảo tồn phát triển nguồn gen bò tót lai

Những năm qua, đàn bò tót lai đã góp phần tạo nên danh tiếng của Vườn Quốc gia Phước Bình (nay đã được hợp nhất với Vườn Quốc gia Núi Chúa thành Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình). Để bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là nguồn gen quý hiếm, Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình mong muốn UBND tỉnh có chủ trương về việc tiếp tục bảo tồn và phát triển nguồn gen bò tót lai sau năm 2025.

Đàn bò phục hồi, sung sức

Cuối năm 2009, một con bò tót đực nặng khoảng 1 tấn, cao hơn 1m7, thân hình đen nhánh, vạm vỡ thường xuyên xuống núi “kết bạn” với bò cái nhà của người dân ở thôn Bạc Ray 2 (xã Bác Ái Tây). Từ năm 2009 đến 2015, qua giao phối tự nhiên giữa bò tót đực và một số bò cái của người dân địa phương đã sinh được hơn 20 con bò tót lai; những con bò tót lai này có sức vóc lớn hơn so với bò nhà cùng độ tuổi và hung hãn như bò tót hoang dã. Trường hợp con lai giữa bò tót hoang dã với bò nhà được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất hiếm gặp trong tự nhiên.

Đàn bò tót lai hiện được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường bán tự nhiên tại Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình.

Đàn bò tót lai hiện được nuôi dưỡng, chăm sóc trong môi trường bán tự nhiên tại Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình.

Từ khi phát hiện bò tót đực hoang dã giao phối với bò cái nhà để sinh ra bò tót lai F1 quý hiếm, đến nay đã có 3 đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn, sử dụng nguồn gen bò tót lai F1. Ở các dự án trước, 10 con bò tót lai F1 trong các hộ dân đã được chủ đề tài mua về nuôi dưỡng, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; hiệu quả chưa đến đâu thì dư luận bức xúc vì đàn bò tót lai quý hiếm bị bỏ rơi, thiếu ăn, ốm trơ xương. Sau đó, đàn bò tót lai gồm 10 con F1 và 1 con F2 đã được bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình (cũ) chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp tục thực hiện đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực”. Đàn bò tót lai khi được di dời về trong môi trường sống bán hoang dã, với đầy đủ thức ăn, chăm sóc tốt đã phục hồi thể trạng mạnh mẽ; bò cái F2 đã giao phối với bò nhà sinh ra thế hệ F3. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, 1 con bò đực F1 đã chết do xung đột bầy đàn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, Chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực” cho biết: “Hiện nay, đàn bò tót lai quý hiếm đang được chăm sóc tại vườn thực vật của Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, gồm 9 con lai thế hệ F1, 1 con lai thế hệ F2 và 1 con lai thế hệ F3. Sau thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, hiện đàn bò tót lai rất khỏe mạnh và sung sức. Thời gian qua, các con bò tót lai đực thường xuyên phá rào ra ngoài để tìm bò cái nhà. Chúng tôi đã làm báo cáo, đề xuất các phương án duy trì nguồn gen hiếm gặp này theo hướng tách đàn để lai giữa bò tót lai đực với bò cái nhà và giữa bò đực nhà với bò tót lai cái để cho ra các thế hệ con lai tiếp theo mang dòng máu bò tót”.

Nỗi lo phía trước

Được biết, để đánh giá khả năng phát triển và tìm phương án quản lý, chăm sóc đàn bò tót lai giai đoạn sau năm 2025, vào cuối năm 2024, Vườn Quốc gia Phước Bình (cũ) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận (cũ) tổ chức một hội thảo khoa học. Sau hội thảo, đơn vị này đã có báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận (cũ) tiếp tục cho phép đánh giá, triển khai các nghiên cứu về: Nguồn gen bò tót lai theo hướng tiếp cận “chuỗi lai tạo giống”, bao gồm các vấn đề về đánh giá nguồn gen, tạo phôi, thụ tinh nhân tạo, dinh dưỡng, thú ý, môi trường chăn thả… Các nhà khoa học cũng cho hay, hiện nay có nhiều công nghệ hiện đại để lai tạo giữa bò tót và bò nhà nhằm bảo tồn nguồn gen các động vật quý hiếm, nhưng những công nghệ lai tạo này đòi hỏi kỹ thuật cao và chi phí lớn. Để bảo tồn nguồn gen hiếm của bò tót lai, các chuyên gia cũng đề nghị tính toán phương án chuyển giao một số cá thể bò tót đực lai khỏe mạnh cho các cơ quan có chuyên môn như Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen; sau khi sản xuất tinh đông lạnh sẽ bàn giao lại bò, tinh đông lạnh cho đơn vị chủ trì…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, bên tiêu bản bò tót lai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, bên tiêu bản bò tót lai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Đề tài Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực thực hiện đến cuối năm 2025 sẽ kết thúc. Hiện nay, đa số các cá thể bò tót lai đã đến độ tuổi cuối của vòng đời nên rất dễ mắc bệnh, chết, vì vậy cần thiết phải có phương án để chủ động ứng phó. Điều chúng tôi trăn trở là một khi đàn bò tót lai kết thúc vòng đời, ước mơ về việc lai tạo được 1 giống bò hoàn toàn mới (lai giữa bò tót rừng hoang dã và bò nhà) cũng sẽ không còn. Hiện cơ sở vật chất để chăm sóc đàn bò tót lai đã có sẵn, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương, kinh phí về việc xây dựng kế hoạch hoặc đề án nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen bò tót lai tại Vườn Quốc gia Núi Chúa - Phước Bình sau năm 2025 để tiếp tục bảo vệ, chăm sóc đàn bò tót lai này nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, phục vụ du lịch, giáo dục môi trường rừng…”.

Theo thông tin từ Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, qua đặt bẫy ảnh tại khu vực suối Gia Nhông và suối Đá Đen vào năm 2024 đã ghi nhận sự tồn tại của 3 đàn bò tót với khoảng 13 - 17 con. Cụ thể, trên tuyến suối Gia Nhông có hai đàn: Đàn thứ nhất có 4 - 6 con, trong đó một con còn nhỏ; đàn thứ hai 3 - 4 con trưởng thành. Tuyến suối Đá Đen có một đàn lớn hơn, với khoảng 6 - 7 con trưởng thành. Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và nhóm sắp nguy cấp trong Danh lục đỏ IUCN.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/vuon-quoc-gia-nui-chua-phuoc-binhmong-tiep-tuc-bao-ton-phat-trien-nguon-gen-bo-tot-lai-d212234/