Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Han (30 tuổi) sống ở Seoul từng là một sinh viên đầy triển vọng. Cô nhập học tại đại học danh tiếng Sungkyunkwan ở Seoul bằng học bổng và đảm bảo có một công việc được trả lương cao tại một công ty lớn sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi trải qua sự cạnh tranh liên tục và thời gian làm việc kéo dài, cuối cùng, mặc dù được thăng chức làm trợ lý giám đốc trước đồng nghiệp nhưng Han bắt đầu cảm thấy kiệt sức.
"Vòng cạnh tranh không hề kết thúc khi tôi phải đánh bại đồng nghiệp để được thăng chức. Tôi không thấy vui", Han giải thích.
Kết luận rằng thành công tài chính không phải là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc, hai năm trước Han quyết định rời công ty. Giờ đây, cô dành thời gian cho việc tập yoga, thiền, uống trà, đôi khi làm nhà văn tự do và không có kế hoạch quay trở lại công ty nữa.
Han chỉ là một trong số nhiều người Hàn Quốc nói rằng sự cạnh tranh không ngừng nghỉ ở Hàn Quốc khiến họ không thể chịu nổi. Tuy nhiên, không giống như Han, một số người vẫn chọn ở lại cạnh tranh.
Kang, một luật sư 32 tuổi, vẫn chưa bỏ cuộc. Dù được đánh giá là thành công nhưng cô cho biết vẫn cảm thấy bất an.
Sau khi tốt nghiệp, Kang bắt đầu sự nghiệp tại một công ty luật nhỏ nhưng cô hy vọng sẽ chuyển sang một công ty lớn hơn. Cuộc sống bận rộn của cô bao gồm việc làm thêm giờ và tập trung vào việc duy trì "vẻ ngoài trẻ trung" để tìm được đối tượng kết hôn như ý.
Kang cho biết cô đã nỗ lực rất nhiều để trông trẻ hơn: ăn kiêng, hẹn gặp bác sĩ da liễu vào giờ ăn trưa và tập pilates ít nhất ba ngày một tuần.
"Ở tuổi tôi, điều quan trọng nhất bây giờ là tìm được người đàn ông tốt, có kinh tế vững chắc để kết hôn", cô nói.
Hầu hết bạn bè của Han đều đã kết hôn, điều này khiến cô rất lo lắng.
Sự cạnh tranh ở Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở giới doanh nghiệp. Yoon, một bà mẹ 33 tuổi, đã thấy mình trong một cuộc đua mới, đó là cạnh tranh để mang lại điều tốt nhất cho cậu con trai 3 tuổi của mình.
Trước đây, cha mẹ Yoon từng kỳ vọng cô có thể vào được một trường đại học hàng đầu ở Seoul, nhưng cuối cùng cô chỉ tốt nghiệp một trường cao đẳng ở địa phương. Sau đó, Yoon đi du học nước ngoài, trở về và tìm được việc làm sau khi nộp đơn vào gần 100 công ty. Tuy nhiên, sau khi kết hôn, cô bỏ cuộc vì cảm thấy rằng những năm tháng học tập và những kỹ năng bản thân có được chẳng là gì cả.
Yoon chia sẻ: "Mặc dù bố mẹ tôi đã đầu tư hàng chục triệu won mỗi năm nhưng cuối cùng tôi lại chỉ tìm được một công việc tồi tệ và kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu một chút".
Giờ đây, khi bản thân đã là một người mẹ, Yoon cảm thấy đã thấu hiểu được những trăn trở của cha mẹ mình. Vì vậy, bà mẹ trẻ này đầu tư vào giáo dục cho con cái và mua sắm cho chúng những món đồ xa xỉ, hy vọng trang bị cho con mình tham gia và đạt được thành tích ở những cuộc thi mà cô từng không thể vượt qua.
"Ở Hàn Quốc, mọi thứ đều là một cuộc đua. Bây giờ tôi cố gắng cho con trai mình mặc những bộ đồ của thương hiệu sang trọng như Moncler và Burberry, cố gắng đưa nó vào những cơ sở giáo dục tốt nhất. Tôi không muốn nó tụt hậu so với những người khác", cô nói.
Không chỉ Han, Kang và Yoon, văn hóa cạnh tranh không ngừng nghỉ của Hàn Quốc đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sinh và sức khỏe tâm thần.
Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, với tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, ở mức 25,2 trên 100.000 người vào năm 2022. Số bệnh nhân trầm cảm đã vượt quá 1 triệu người vào năm 2022, phản ánh mức tăng 32,8% trong 5 năm qua .
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng tỷ lệ sinh vốn đã thấp ở Hàn Quốc sụt giảm là do sự cạnh tranh gay gắt trong các lĩnh vực như giáo dục. Bất chấp khoản đầu tư của chính phủ hơn 320 nghìn tỷ won (245 tỷ USD) trong 17 năm qua, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc vẫn đạt mức thấp kỷ lục 0,7 vào quý 3 năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức thay thế 2,1 cần thiết để duy trì dân số.
Các chuyên gia chỉ ra sự tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế Hàn Quốc là một nguyên nhân dẫn đến sự cạnh tranh.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Lý thuyết và Đánh giá Gia đình cho rằng, bản chất siêu cạnh tranh của Hàn Quốc bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế sau năm 1997, tự do hóa thị trường toàn cầu và sự cạnh tranh gia tăng trên thị trường lao động. Việc cạnh tranh này mở rộng sang giáo dục và việc làm, với việc thế hệ trẻ đầu tư thời gian và nguồn lực đáng kể vào các học viện tư nhân để đảm bảo có được suất vào các trường đại học danh tiếng và các công ty hàng đầu.
Theo nghiên cứu, sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng có thể làm tăng sự cạnh tranh để vào các trường đại học ưu tú. Vì ở Hàn Quốc, nếu không có bằng cấp cao sẽ khó có thể đảm bảo sẽ tìm được công việc có lương cao.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trường đại học mà một người theo học cũng ảnh hưởng đáng kể đến địa vị xã hội ở Hàn Quốc, bao gồm cả triển vọng kết hôn. Hầu hết phụ huynh đều muốn đầu tư đáng kể vào các chương trình dạy kèm riêng và sau giờ học để mang lại cho con cái họ cơ hội tốt nhất, vượt qua các bạn cùng trang lứa trong kỳ tuyển sinh.
Ngoài ra, quan niệm sống ở các thành phố lớn là biểu tượng của sự thành công, đặc biệt là khu vực trong và xung quanh Seoul, đã làm phức tạp thêm vấn đề. Theo Statista, với mật độ dân số của Seoul đạt 15.561 người trên mỗi km vuông vào năm 2022, việc tìm việc làm và nhà ở giá rẻ đã trở nên đặc biệt khó khăn, làm tăng thêm áp lực của môi trường siêu cạnh tranh.
Các chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống giáo dục của Hàn Quốc cần được cải tổ để thúc đẩy một xã hội lành mạnh.
"Phụ huynh không cần phải chi quá nhiều tiền cho giáo dục tư nhân. Trẻ em cần có thời gian vui chơi và tham gia các hoạt động ngoại khóa, còn trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu và thấp hơn cũng sẽ có cơ hội được nhận vào các trường đại học danh tiếng và các chương trình cấp bằng chuyên nghiệp bất kể năng lực tài chính của cha mẹ ra sao", Andrew Eungi Kim, giáo sư Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Hàn Quốc viết.
Bên cạnh đó, việc cân bằng sự phát triển của Seoul và các tỉnh khác cũng là một giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề siêu cạnh tranh một cách gay gắt trong xã hội Hàn Quốc hiện nay.