Giải ngân đầu tư công, không để tình trạng 'có tiền mà không tiêu được'

Trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, không để tình trạng 'có tiền mà không tiêu được'.

Sáng 20-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025; với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang quyết liệt làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, động lực liên quan kinh tế tư nhân.

Trong lúc việc thúc đẩy động lực tăng trưởng mới cần phải có thời gian, có độ trễ thì phải nỗ lực củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các động lực tiêu dùng và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta đang quyết liệt đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nhưng cũng chưa phát huy hiệu quả ngay lập tức.

Do đó, trong các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng đầu tư có vai trò rất quan trọng, gồm đầu tư công, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân... Đầu tư công được xác định là dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Ảnh: VGP

Điểm lại kết quả đầu tư công những tháng đầu năm, trong đó có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, Thủ tướng đề nghị phải làm rõ vấn đề này, tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của các bộ, ngành, “tại sao cùng một điều kiện, chính sách có nơi làm tốt, có nơi không tốt, liệu có phải do con người, do người đứng đầu không”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ; bộ, ngành làm tốt thì khen thưởng, bộ, ngành làm không tốt thì phải xử lý. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu để có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi thể chế, chính sách, tháo gỡ các vướng mắc. Đặc biệt, là các luật liên quan ngân sách, đấu thầu, bởi thực tế là các doanh nghiệp tư nhân thường giải ngân, triển khai rất nhanh các công trình.

Các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”, không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; các bộ ngành, cơ quan Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-khong-de-tinh-trang-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-post850654.html