Giải ngân ì ạch, Gia Lai lập 4 tổ kiểm tra đầu tư công
UBND tỉnh Gia Lai vừa lập 4 tổ công tác để kiểm tra việc triển khai đầu tư công, đồng thời giải quyết vướng mắc tại các dự án.
Ngày 31/3, UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh vừa lập 4 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước năm 2024.
Theo đó, tổ công tác do các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền giải quyết. Các trưởng đoàn này trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước tại từng cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
Các tổ công tác báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Chủ tịch UBND tỉnh trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra.
Đặc biệt, các tổ công tác này sẽ lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ tính đến ngày 26/3 của tỉnh Gia Lai gần 3.630 tỷ đồng (không bao gồm vốn kéo dài). Tính đến thời điểm trên, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 185 tỷ đồng, ước chỉ đạt 5,1% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân chỉ hơn 125 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch vốn đã giao.
Đặc biệt, việc giải ngân vốn ngân sách Trung ương gần 60 tỷ, trên tổng số hơn 1.600 tỷ đồng, mới đạt 3,7% kế hoạch vốn đã giao.
Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, mục tiêu công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt tối thiểu 95%. Do đó, tỉnh tăng cường biện pháp đồng bộ và lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, lĩnh vực...
"Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong quá trình thực hiện. Trong đó, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện", ông Đinh Hữu Hòa nói.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, riêng lĩnh vực đầu tư giao thông, nhiều dự án gặp khó do GPMB, quy hoạch sử dụng đất... Đáng kể, dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19), tỉnh Gia Lai đã gặp vướng mắc trong quy hoạch sử dụng đất.
Đối với đoạn điều chỉnh hướng tuyến do điều chỉnh điểm đấu nối với đường Hồ Chí Minh (tại Km 1588+200 thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh), hiện chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 được phê duyệt của huyện Chư Păh, phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất của huyện, sẽ làm chậm tiến độ GPMB của dự án.
Bên cạnh đó dự án đường hành lang kinh tế phía Đông TP Pleiku, công trình đã khởi công từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến nay mới bàn giao mặt bằng được khoảng 6/15km. Công tác GPMB chậm, tổng kinh phí đền bù GPMB của TP Pleiku và huyện Đăk Đoa dự kiến bị vượt so với giá trị đền bù được duyệt.
Đặc biệt, dự án đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh - Lê Thánh Tôn), TP Pleiku dù đã triển khai từ tháng 11/2022 nhưng đến nay công trình không có mặt bằng để triển khai thi công. Toàn dự án nay chỉ mới được bàn giao cho đơn vị thi công được 276m.
Ngoài mặt bằng, vướng mắc nguồn vật liệu đang cản tiến độ thi công, giải ngân dự án. Trao đổi với PV, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết, để đáp ứng nguồn nguyên vật liệu đất đắp phục vụ cho các dự án, vừa qua UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh đã xem xét các giải pháp như tận dụng nguồn đất dôi dư tại các công trình dự án đang triển khai, đất cải tạo vườn tạp phù hợp để tháo gỡ vướng mắc về nguồn đất đắp cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đất đắp cho các dự án, cũng như thủ tục triển khai rất chậm.