Giải ngân vốn đầu tư công bằng 0, vì sao lãnh đạo đơn vị vẫn 'ung dung'?
Đến hết tháng 4 còn 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công của năm nay. Tỷ lệ giải ngân của cả nước cũng 'hụt hơi' so với cùng kỳ. Thậm chí, hơn 27.800 tỷ đồng vốn nằm trên giấy, chưa được phân bổ. Có ý kiến cho rằng, thời gian tới cần cá thể hóa trách nhiệm; để trì trệ, làm chậm tiến độ cần xử lý công khai.
Bốn tháng giải ngân mới đạt hơn 15% kế hoạch
Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 4, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 15% kế hoạch (hơn 130.000 tỷ đồng). Tiến độ giải ngân bắt đầu tăng tốc, tuy nhiên, kết quả vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước (đạt hơn 16%). Trong đó, 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5%, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM. Ngoài ra, 12 địa phương giải ngân dưới 10%, bao gồm Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị…
Tuy vậy, còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp. 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đồng nào.
Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân đầu tư công. Việc lập, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn, do nhiều lĩnh vực không có quy định cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường...

Đến hết tháng 4, tổng vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 15% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Bộ Tài chính chỉ ra, còn tình trạng bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện.
Liên quan tới cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan Trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án, hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí.
Ngoài ra, thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng gây ảnh hưởng. Công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng, thanh toán, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng.
Cũng do sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc xây dựng bảng giá đất gặp khó khăn.
Xử lý nghiêm nếu chưa phân bổ hết vốn
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, trong bối cảnh chuẩn bị sắp xếp lại đơn vị hành chính, bộ ngành, địa phương cần đảm bảo không để gián đoạn việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ đạo vừa được Thủ tướng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, bảo đảm thông suốt liên tục trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Bộ phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3.

PGS. TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: TTXVN.
Với đầu tư công, bà An cho rằng giai đoạn tới đây phải gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu, yêu cầu phối hợp trực tiếp từ tỉnh, thành phố xuống cơ sở. “Chúng ta đã có thời gian chuẩn bị, còn gần 2 tháng tới thời điểm 1/7 vận hành bộ máy mới của chính quyền sau sắp xếp. Trong thời gian tổ chức lại bộ máy, cần trao trách nhiệm cho người đầu, cá thể hóa trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ cần xử lý công khai’’, bà An nhấn mạnh đặc biệt cần công khai để xã hội cùng giám sát.
Về phía Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bộ này yêu cầu chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và báo cáo tiến độ theo từng tháng, quý; cắt giảm kế hoạch vốn của dự án giải ngân chậm, bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược…
"Rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn", Bộ Tài chính đề nghị và yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm các khâu.
Đến cuối tháng 4 vừa qua, tổng số vốn đã được phân bổ là gần 870.000 tỷ đồng, đạt hơn 96,6% kế hoạch. Trong đó, 19/47 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương chưa phân bổ hết vốn, dù Chính phủ yêu cầu hoàn tất trước ngày 15/3.