Giải ngân vốn đầu tư công - Gương mẫu thi đua

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI sáng 3-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm đạt mức cao nhất, đưa kết quả giải ngân thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua năm 2023. Đây là chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Trước đó, trong kết luận Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội vào ngày 15-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã lưu ý vấn đề này, càng cho thấy đây là nhiệm vụ mà lãnh đạo thành phố rất quan tâm.

Thực tế, đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần là vấn đề xây dựng, phát triển hạ tầng, mà còn là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; là kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; đồng thời là động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

Trong khi đó, tình trạng chung là tỷ lệ giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương đều thấp. Điều này tác động rất rõ đối với nền kinh tế. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng 3,72%, so với cùng kỳ của cả giai đoạn 2011-2023 thì mức tăng này chỉ cao hơn 6 tháng đầu năm 2020. Một trong những nguyên nhân là do khu vực công nghiệp và xây dựng có vị trí rất quan trọng nhưng chỉ tăng 1,13%. Tại Hà Nội, UBND thành phố phấn đấu đến hết tháng 6-2023 giải ngân đạt 40-45% nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân cũng mới đạt khoảng 25% kế hoạch.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP cả nước quý II-2023 cao hơn quý I-2023 (4,14% so với 3,32%) có vai trò chủ yếu nhờ chuyển biến tích cực về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công quý II-2023 ước đạt trên 140.400 tỷ đồng, tăng tới gần 53% so với quý I-2023.

Điều này cho thấy, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội về tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là hoàn toàn chính xác, đòi hỏi sự thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả của các cấp, các ngành.

Để thực hiện tốt chỉ đạo này và hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% trong cả năm 2023 mà thành phố đề ra, các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã cần quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa yêu cầu đưa kết quả giải ngân thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua năm 2023 đối với tập thể, cá nhân, nhất là đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.

Trước mắt, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội” gắn với thực hiện nhiệm vụ đầu tư công; trọng tâm là khắc phục tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; đồng thời khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Từ kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong những hoàn cảnh khó khăn, các cấp ủy tổ chức Đảng phải thực sự là “đầu tàu”, là “nhạc trưởng” huy động sức mạnh tổng hợp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; nhất là trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-guong-mau-thi-dua-634073.html