Giải ngân vốn đầu tư công: Khó đâu, gỡ đấy

Quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Tuyên Quang được đánh giá cao hơn về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023, với số vốn giải ngân đạt trên 1.256 tỷ đồng, đạt 26,5% kế hoạch năm và nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao cả nước.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Xã Đức Ninh (Hàm Yên) là một trong những xã hiện đã đạt 100% người dân đồng thuận nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho công trình đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Đây cũng là xã được huyện Hàm Yên lựa chọn là xã đầu tiên tổ chức họp xét bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án này.

 Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố kiểm tra mặt bằng thi công Quốc lộ 2D.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố kiểm tra mặt bằng thi công Quốc lộ 2D.

Thôn Làng Rào là thôn có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nhất, với 33 hộ trong tổng số 40 hộ dân bị ảnh hưởng ở Đức Ninh. Với đặc thù 90% là đồng bào dân tộc Cao Lan, việc tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành ở Làng Rào được thực hiện thường xuyên, theo phương châm mưa dầm thấm lâu và lấy người có uy tín, gia đình đảng viên… nêu gương đi trước. Trưởng thôn Làng Rào Hoàng Văn Tám chia sẻ, việc vận động, tuyên truyền được thôn xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mỗi chi hội phụ trách một nhóm hộ gia đình. Đến ngày 15-5, 100% hộ dân ở Làng Rào đã nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Khu tái định cư Làng Rào diện tích 1 ha cũng đang được xây dựng, ngay khi có mặt bằng, bà con sẽ di chuyển đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hàm Yên, đến nay UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, Quyết định thu hồi đất của 41/45 thôn và tổ dân phố. Tổ chức chi trả kinh phí đền bù 39/45 thôn và tổ dân phố của 10 xã và thị trấn. Tổng số hộ đã nhận 1.078 hộ/1.206 hộ. Bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện thi công được khoảng 34,25/48,16 km.

Không chỉ ở Đức Ninh, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những nhiệm vụ, cách làm sáng tạo, linh hoạt, đã góp phần đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Tuyên Quang đạt hiệu quả.

Dự án xây dựng Trường Chuyên Tuyên Quang hiện đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, tổng lũy kế vốn bố trí cho dự án là trên 174 tỷ đồng, đã hoàn thành giải ngân đạt 100%. Theo đồng chí Hoàng Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện tại, Dự án đang thực hiện thi công theo đúng kế hoạch, với lộ trình dự kiến hoàn thành trước ngày 15/8/2024.

Dự án xây dựng đường từ Khu du lịch Suối khoáng Mỹ lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn qua thành phố Tuyên Quang có 197 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, với diện tích thu hồi trên 14 ha. Hiện diện tích đã giải phóng mặt bằng là 11,19 ha, diện tích chưa giải phóng mặt bằng 3,25 ha. Theo Sở Giao thông Vận tải, những vị trí chưa giải phóng mặt bằng hầu hết lại nằm ở những vị trí điểm nghẽn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng dự án.

Vận động người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) sớm bàn giao mặt bằng thi công Quốc lộ 2D.

Vận động người dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) sớm bàn giao mặt bằng thi công Quốc lộ 2D.

Gia đình ông Trần Văn Phượng và ông Trần Văn Lượng, thôn 27, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là 2 trong số những hộ gia đình nằm trong diện tái định cư và đang ở vị trí điểm nghẽn. Sau khi được cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất và thành phố, xã tuyên truyền, vận động, 2 gia đình đã quyết định xây dựng tạm nhà cửa tại vị trí mới trong khi chờ bố trí đất tại điểm tái định cư Đát Khế (dự kiến hoàn thành trong tháng 10). Ông Trần Xuân Thiểm, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cùng với lãnh đạo Ban Quản lý dự án thành phố trực tiếp đứng ra hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục về chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...

Quyết liệt xử lý các vướng mắc

Với quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên 95%, tỷ lệ giải ngân vốn trong những tháng đầu của năm 2024 cơ bản đáp ứng tiến độ. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cao hơn về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 hiện mới giải ngân được 13,8% (số liệu đến ngày 13-5). Trong số các dự án thành phần, nhiều dự án hiện rất khó giải ngân, do những vướng mắc từ văn bản hướng dẫn.

Đồng chí Nguyễn Kim Tưởng, Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nhiều dự án thành phần, như Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Tiểu Dự án phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, Tiểu Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tiểu dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... hiện tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, do chưa có hướng dẫn từ trung ương hoặc chồng chéo với các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu khác. Như việc hoàn thành hỗ trợ đất ở hiện mới thực hiện được 6/21 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất 5/40 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 465/2.114 hộ...

Theo đồng chí Tưởng, đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản đề nghị các huyện, thành phố đơn vị liên quan phối hợp cùng tháo gỡ; đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, như định mức kinh tế kỹ thuật đối với cây dược liệu quý, hỗ trợ đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, tỉnh đã có văn bản kiến nghị trung ương sửa đổi...

Hiện đã gần qua nửa đầu năm 2024 và chuẩn bị bước vào mùa mưa, việc tranh thủ tối đa thời tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công được các chủ đầu tư, các địa phương quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những vướng mắc về mặt thủ tục, chờ chính sách hướng dẫn từ trung ương như Chương trình mục tiêu Quốc gia, thì khó khăn lớn nhất trong số các dự án, công trình của tỉnh, đặc biệt là công trình trọng điểm là vấn đề mặt bằng. Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, tiến độ xây dựng khu tái định cư một số dự án chậm không đáp ứng được yêu cầu sẽ tiếp tục là nút thắt dẫn đến tiến độ thi công các dự án không đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu, trong tháng tiếp theo ngoài việc tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân công, máy thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư xây dựng công trình cần tập trung giải quyết dứt điểm công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng các dự án.

Như tại huyện Hàm Yên, 19/19 khu dân cư tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường cao tốc đã phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất. Đã chi trả tiền bồi thường 19/19 khu, tổng số hộ đã nhận 315/328 hộ. Hoàn thành dự thảo biên bản và tham mưu cho Hội đồng bồi thường của huyện đã họp xét 45/45 thôn và tổ dân phố. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 số điểm tái định cư đảm bảo tiến độ xây dựng, như Phù Lưu, Minh Khương, Minh Dân... Theo lãnh đạo UBND huyện, huyện đang tập trung đôn đốc các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công các điểm tái định cư để người dân nhanh chóng ổn định chỗ ở. Trong đó, phấn đấu trong quý II có ít nhất 1/2 điểm tái định cư hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cầu Xuân Vân (Yên Sơn) đã được khánh thành từ cuối tháng 4, nhưng đến nay vẫn chưa khai thác sử dụng do đường dẫn cầu phía trung tâm chưa có mặt bằng để thi công. Đồng chí Triệu Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, hiện 7 hộ dân nằm trong hành lang xây dựng đường dẫn cầu đều đã nhận tiền đền bù, nhiều hộ đã chủ động tìm nhà thuê để di chuyển, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, do khu vực nông thôn, nhà cho thuê rất ít, nên khó khăn cho công tác di chuyển.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua thôn Làng Rào, xã Đức Ninh (Hàm Yên).

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua thôn Làng Rào, xã Đức Ninh (Hàm Yên).

Đồng chí Phạm Quang Đức, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Sơn cho biết, mặt bằng xây dựng khu tái định cư tại thôn Đô Thượng 4 được thực hiện từ khá sớm, tuy nhiên, do các thủ tục về đầu tư kéo dài, nên đến nay, mới cơ bản hoàn thành. Huyện đã tổ chức cho các hộ dân bốc thăm nhận lô đất, đang hướng dẫn người dân các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, cố gắng hoàn thành trong tháng 5.

Đối với 4 điểm tái định cư cho người dân thuộc cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tại địa phương này, mặt bằng các khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành. Mục tiêu của địa phương là phấn đấu chậm nhất ngày 30-5 sẽ bàn giao cho người dân khu vực Tứ Quận, Lang Quán, các điểm tái định cư Chân Sơn, Nhữ Khê, do vướng mắc thủ tục về đất đắp, sẽ chờ hướng dẫn để bù đắp kịp thời, tháo gỡ khó khăn tiếp tục thi công trong thời gian tới.

Ngoài việc tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, phải ưu tiên giải ngân vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 (nguồn vốn này chỉ được phép giải ngân trong năm 2024), do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân của kế hoạch vốn năm 2024. Dự kiến giá trị giải ngân đến ngày 20/5 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, đạt khoảng 30% đến 35% kế hoạch. Chính vì vậy, việc quyết tâm, nỗ lực của từng sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất theo tinh thần chủ động phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư các dự án được tỉnh quyết liệt đôn đốc, thực hiện.

Đồng chí Lê Thị Hoa
Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Sơn

Giải pháp “mềm” trong giải phóng mặt bằng

Công tác dân vận được huyện Yên Sơn coi là giải pháp “mềm” trong giải phóng mặt bằng. Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động, gặp gỡ trao đổi, kiên trì thuyết phục, kịp thời nắm bắt, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các giải pháp giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của người dân tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng nơi có dự án. Đồng thời, kịp thời khích lệ, động viên, hỗ trợ ngày công, vận động các hộ gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thuận ủng hộ dự án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Nhờ đó, người dân hiểu và chấp hành quyết định thu hồi đất phục vụ các dự án.

Đồng chí Đỗ Văn Hòa
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên

Tập trung hoàn thành các khu tái định cư

Phục vụ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Hàm Yên đang thực hiện 19 khu tái định cư cho người dân thuộc diện thu hồi đất tại 11 xã, thị trấn. Huyện đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất, thực hiện chi trả tiền bồi thường 19/19 khu, tổng số hộ đã nhận 315/328 hộ. Huyện đang quyết liệt vận động một số hộ chưa thực hiện giải phóng mặt bằng tại các khu tái định cư và làm phương án bảo vệ thi công nếu người dân cố tình không đồng thuận. Đồng thời cùng các ngành tháo gỡ khó khăn về đất đắp; đôn đốc các nhà thầu khắc phục yếu tố thời tiết, khẩn trương thi công đối với các khu tái định cư có mặt bằng để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Đến nay, 2/3 khu tái định cư của huyện đã đạt 70% tiến độ, huyện phấn đấu hết quý II-2024 sẽ hoàn thiện 10/19 khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân.

Ông Nhữ Xuân Hải
Phó Chỉ huy trưởng công trường gói thầu 19, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Hà Nội)

Sẵn sàng nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ

Công ty Xây dựng Trường Sơn hiện đang thi công gói thầu 19 của tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn đường từ xã Nhữ Khê đến xã Lang Quán (Yên Sơn). Thời gian thực hiện gói thầu theo kế hoạch là 48 tháng, bắt đầu từ tháng 1 năm 2024. Mục tiêu của công ty là sẽ hoàn thành trước từ 4 - 6 tháng. Chính vì thế, ngay khi triển khai thi công công trình, Công ty đã huy động gần 100 đầu máy, thiết bị để thi công công trình. Hàng ngày, hàng chục xe vận chuyển vật liệu cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động trải dài trên tuyến thi công. Công ty bố trí nhiều mũi thi công làm việc liên tục không kể nắng, mưa, ngày nghỉ, duy trì 3 ca, 4 kíp phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu đặt ra.

Ông Tống Văn Đồng
Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 2, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Công khai, minh bạch, dân chủ

Tổ dân phố 2 là có nhiều dự án lớn của thành phố như Trục đường phát triển thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn; xây dựng Trường Chuyên Tuyên Quang; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Lê Duẩn... Diện tích giải phóng mặt bằng hơn 10 ha đất thu hồi, liên quan đến nhiều hộ dân. Theo đó, để bà con đồng thuận sớm giải phóng mặt bằng, tổ dân phố đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư dự án; mục đích, ý nghĩa, phạm vi, quy mô của dự án; công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, những ảnh hưởng cũng như lợi ích của các công trình, dự án mang lại để người dân hiểu mà thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, Chi bộ tổ dân phố đã phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; tinh thần tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên. Nhờ tạo mối đoàn kết, đồng thuận trong chi bộ, đảng viên và Nhân dân nên quá trình giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-kho-dau-go-day-192287.html