Giải ngân vốn đầu tư công mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Chính phủ tại buổi làm việc trực tuyến với các địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai, Phú Yên và Bình Định để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vào ngày 14-5.
Tại Đồng Nai, tiếp và làm việc với Tổ công tác có Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn đạt thấp
Báo cáo với Tổ công tác của Chính phủ, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, năm 2023, tổng vốn đầu tư công của Đồng Nai là hơn 12,9 ngàn tỷ đồng, trong đó, tổng kế hoạch được Chính phủ giao là hơn 11,6 ngàn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4-2023, Đồng Nai đã giải ngân số vốn hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, đạt gần 11% kế hoạch được Chính phủ giao. Mức giải ngân này thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, đối với Đồng Nai, để thực hiện các dự án đầu tư công, trong công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh phải thực hiện tái định cư của tái định cư. Tức làm 1 dự án nhưng thành 3 dự án. Chính vì vậy, Nhà nước không thể nào làm kịp công tác tái định cư, đặc biệt là với một “đại công trường” như Đồng Nai. Do đó, tỉnh kiến nghị cho phép huy động xã hội hóa vào làm tái định cư bằng chính sách của nhà ở xã hội.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn đạt thấp do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Cùng với đó, một số dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 bố trí vốn chuyển tiếp, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao do phải hoàn thành phần tạm ứng hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng phải đến quý III-2023 mới hoàn thành thủ tục chi trả tiền bồi thường cho người dân nên các tháng đầu năm chưa có khối lượng để thanh toán.
Cùng với đó, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng khiến cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Lấy dẫn chứng cho tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Đầu tư công, thời gian cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức lập, thẩm định, tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm sau để gửi báo cáo UBND tỉnh là từ ngày 30-6 đến 20-7 hàng năm. Thời gian HĐND tỉnh phải tổ chức họp vào khoảng từ 20-7 đến 25-7 hàng năm để kịp thời thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau làm cơ sở để UBND tỉnh báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính. “Như vậy, thời gian từ lúc UBND tỉnh trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm sau đến lúc diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh là 5 ngày. Khoảng thời gian này không đủ để thực hiện các thủ tục cần thiết chuẩn bị cho kỳ họp” - ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, thành viên Tổ công tác đánh giá, Đồng Nai cùng với Bình Dương là những địa phương có cơ cấu nguồn vốn lớn, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp. Tỷ lệ giải ngân đã thấp nhưng tình trạng giải ngân vốn “ảo” vẫn còn. “Tỷ lệ tạm ứng hợp đồng còn cao trong khi thanh toán khối lượng rất là thấp. Tình trạng hiện nay là tiền đang chờ công trình” - ông Dương Bá Đức đánh giá.
Tập trung giải quyết các “nút thắt” thủ tục hành chính
Theo ông Dương Bá Đức, vướng mắc lớn nhất của Đồng Nai cũng như các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Nếu không làm quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng thì rất khó để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Do đó, các địa phương phải có biện pháp tiên lượng, nếu vướng mắc quá trong công tác giải phóng mặt bằng thì có giải pháp điều chuyển vốn cho các dự án khác. “Thẩm quyền đã giao cho các địa phương rồi thì cần có sự điều chuyển linh hoạt” - ông Dương Bá Đức nêu ý kiến.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, đầu tư tư nhân và đầu tư của Chính phủ là những động lực tăng trưởng chính. Những biện pháp kích cầu thông qua thuế, thông qua chính sách tài chính, chính sách tiền tệ chỉ để kích cầu xã hội.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đang vướng về thủ tục pháp lý ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc vướng về thủ tục đất đai khiến nhiều nơi nhà đầu tư rơi vào tình cảnh có tiền cũng không đầu tư được. Chính vì vậy, các địa phương cần tập trung giải quyết các nút thắt thủ tục hành chính để đầu tư tư nhân phát triển và tăng cường đầu tư công. “Giải quyết các nút thắt, các thủ tục hành chính để đầu tư tư nhân phát triển, tăng cường giải ngân đầu tư công. Giải ngân được đầu tư công thì chúng ta sẽ mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển. Một đồng giải ngân đầu tư công sẽ kéo 3,4 đồng đầu tư ngoài ngân sách vào tạo nên đột phá, tạo nên cơ hội” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.