Giải ngân vốn đầu tư công: Thái Nguyên nỗ lực không để Chính phủ nhắc nhở
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn nhìn nhận có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp trong nửa đầu năm 2020, cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để Chính phủ không phải nhắc nhở.
Chiều ngày 4/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã làm việc với tỉnh Thái Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo, đại diện các Bộ KH&ĐT, Tài chính, TT&TT, Xây dựng, NN&PTNT, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc... và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết, do chịu tác động của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 2,63% trong 6 tháng đầu năm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 3% so với cùng kỳ nhưng trong tháng 7 tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Giá trị xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, giảm 15%.
Tổng số vốn đầu tư công năm 2020 (không bao gồm vốn kéo dài năm 2018, 2019 chuyển sang năm 2020 thực hiện) đã thực hiện và giải ngân đến hết ngày 20/7 là 1.853 tỷ đồng/5.341 tỷ đồng, đạt 34,7% so với mức trên 40% cùng kỳ năm 2019.
Tỉnh dự kiến tỷ lệ giải ngân đạt 93,6% kế hoạch vào cuối năm, trong đó các nguồn vốn khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch là vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất.
Ông Vũ Hồng Bắc thẳng thắn nhìn nhận có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp trong nửa đầu năm 2020, cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để Chính phủ không phải nhắc nhở.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải khẳng định tỉnh Thái Nguyên không điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu đề ra từ đầu năm; xác định rõ việc đẩy nhanh vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng cấp bách, góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Thái Nguyên trong việc khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn so với bình quân cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ giải ngân 100% vốn đầu tư công, coi đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng và là trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để phục hồi phát triển kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19.
Nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Nguyên thấp hơn mức trung bình của cả vùng, Phó Thủ tướng nói ông muốn nghe tỉnh đặt quyết tâm giải ngân 100% đồng thời gợi ý tỉnh tham khảo kinh nghiệm của một số địa phương về việc thành lập tổ công tác về thúc đẩy giải ngân.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của Thái Nguyên. Đối với đề xuất mở rộng Khu công nghiệp Yên Bình và Sông Công 2, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Vềđề nghị bổ sung danh mục Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thái Nguyên vào Quy hoạch chung và cho phép tỉnh Thái Nguyên được triển khai lập dự án, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ TT&TT trình cấp có thẩm quyền.
Đối với đề xuất lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về việc gia hạn một số dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh công tác chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tranh thủ tối đa thời gian thực hiện các dự án.
Phó Thủ tướng lưu ý trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ODA sẽ có lãi suất cao hơn, vì thế Thái Nguyên cần tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở định hướng ưu tiên của Chính phủ trước khi đề xuất dưa các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn./.