Giải ngân vốn đầu tư công vẫn khó
Năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của tỉnh đạt cao so với bình quân cả nước. Tiến độ thi công một số dự án, công trình được đẩy nhanh nhờ rót vốn kịp thời.
Kết quả khả quan
Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 29.12, toàn tỉnh đã kiểm soát, thanh toán và giải ngân hơn 4.886 tỷ đồng vốn ĐTC thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, vượt hơn 60,8% so với kế hoạch giao đầu năm. Dù vậy, so với vốn thực giao cả năm (gồm cả bổ sung) thì giải ngân vốn ĐTC mới đạt hơn 81,6% kế hoạch (bình quân chung của cả nước đạt gần64%).
Cụ thể, so với kế hoạch vốn giao năm 2019, nguồn ngân sách Trung ương giải ngân được 585,5 tỷ đồng (đạt 86,4%), ngân sách địa phương giải ngân hơn 4.301 tỷ đồng (đạt gần 81%).
Trong ngân sách địa phương, giải ngân nguồn vốn cấp tỉnh đạt thấp nhất là 1.204 tỷ đồng (gần 70,4%), ngân sách huyện hơn 1.043 tỷ đồng (79,8%), ngân sách cấp xã hơn 2.052 tỷ đồng (gần 91,7%), chi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 146,2 tỷ đồng (đạt 81,44%)...
Tháng 8.2019, Hải Dương nằm trong tốp đầu về tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC, đến cuối tháng 9 lại tụt xuống tốp 15 của cả nước và cuối năm tiếp tục tụt thêm.
Tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC tập trung của ngân sách tỉnh thấp do phần vốn bố trí trong năm 2019 cho 4 dự án trọng điểm là Trung tâm Văn hóa xứ Đông, đường trục Bắc-Nam, đường 62 m kéo dài giai đoạn I và cầu Mây là 624 tỷ đồng, chiếm hơn 53,9% tổng số vốn này. Nhưng đến ngày 20.11, các dự án trọng điểm trên mới giải ngân được 418 tỷ đồng.
Cuối tháng 7, UBND tỉnh mới có quyết định phân bổ hơn 280 tỷ đồng từ vốn tiết kiệm chi thường xuyên năm 2018 chuyển nguồn sang năm 2019 cho 2 dự án đường trục Bắc - Nam và Bệnh viện Phụ sản. Đến ngày 10.12, dự án Bệnh viện Phụ sản mới giải ngân 3,96 tỷ đồng, đạt 3,96% kế hoạch vốn giao.
Do thuộc nhóm A nên dự án này vừa được Bộ Xây dựng thẩm định xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đang tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, một số dự án đã có kế hoạch vốn giao nhưng đến nay chưa thực hiện giải ngân gồm xử lý cấp bách các công trình đê điều do ảnh hưởng bão lũ năm 2017, lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang)...
Nguyên nhân cũ
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao các ban, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC.
Dù vậy, thực tế triển khai đã nảy sinh một số bất cập làm chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Trong đó có những bài học đã nhiều lần được rút ra. Đó là ngân sách địa phương cần phân bổ vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, tạo sự chủ động cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá, thu thập số liệu… sớm có báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án chất lượng.
Các cấp có thẩm quyền chưa tăng cường lực lượng làm công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định dự án nhằm nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ dự án... Do vốn ĐTC được bổ sung vào cuối năm nên chủ đầu tư khó chủ động triển khai thực hiện dự án. Việc chậm giải ngân vốn ĐTC hay giải ngân dồn vào cuối năm tạo áp lực lớn về tiến độ thi công, chất lượng dự án, công trình…
Theo ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, một số văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác giải ngân vốn ĐTC cũng cần được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện. Chẳng hạn quy định tại các Thông tư số 08/2016/TT-BTC và số 52/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 08/2016/TT-BTC cần có hướng dẫn cụ thể. Cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước cần được điều chỉnh phù hợp, nhất là thủ tục hành chính về giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước cần áp dụng nguyên tắc “tăng tính trách nhiệm, đơn giản hóa, giảm thiểu hồ sơ”...
"Cần tiếp tục hoàn thiện về luật pháp, cơ chế quản lý vốn ĐTC đi đôi với củng cố kỷ luật chi ngân sách, nhất là chi ĐTC, giảm thấp nhất tình trạng thất thoát, lãng phí. Có như vậy ĐTC mới góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định kinh tế- xã hội", đồng chí Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/giai-ngan-von-dau-tu-cong-van-kho-124930