'Giải oan' cho đấu thầu
Trò chuyện với KTSG Online, TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) cho rằng bên cạnh phân cấp, phân quyền, phải nâng cao năng lực, nhận thức của các chủ thể tham gia quá trình đấu thầu. Có như vậy mới hạn chế rủi ro vi phạm, thất thoát, lãng phí.

Nhà thầu thi công tại một dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: T.Đào
- KTSG Online: Ông có cho rằng quy trình đấu thầu kéo dài, từ khâu chọn thầu, mở thầu, tới chấm thầu có phải một trong những yếu tố làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
- TS Nguyễn Việt Hùng: Điều này có phần đúng và có phần cần phải trao đổi. Câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao thời gian thực hiện quy tình đấu thầu tại nhiều dự án kéo dài, trong khi có những dự án rất ngắn?”.
Tôi biết có những dự án, gói thầu với giá trị hơn 100 tỉ đồng, nhưng bộ máy tham gia chỉ thực hiện mở thầu, đánh giá, thẩm định trong vòng một ngày. Vậy có phải tất cả các dự án, gói thầu đều chậm trễ không?
Rõ ràng tất cả nằm ở yếu tố con người, khi họ thấy rằng nếu không làm nhanh, không giải ngân được vốn, ảnh hưởng tới chỉ tiêu thi đua thì họ làm rất nhanh. Thậm chí, việc này không hề vi phạm các quy định hiện hành tại các văn bản quy phạm pháp luật, vì chỉ định về thời gian tối đa, chứ không có quy định về thời gian tối thiểu.
Như vậy, thời gian đấu thầu nhanh hay chậm, quy trình đấu thầu ngắn hay dài phụ thuộc lớn vào người thực hiện không có chế tài nào để buộc họ thực hiện tốt.
- Xây dựng quy trình và quy định đấu thầu là để ngăn chặn tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Nhưng với những sai phạm về đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đã được các cơ quan chức năng chỉ ra trong vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, hay hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế… Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Tôi xin đặt một câu hỏi: “Tại sao một địa phương tổ chức đấu thầu rộng rãi, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh phải đi tiếp nhà thầu, trong khi quyết định dự thầu hay không là quyền của họ?”. Khi đã tổ chức tiếp đón như vậy, mời đại diện các sở, ban, ngành cùng dự, tức là đã định hướng cho họ rồi. Đó chính là mầm mống tạo ra tiêu cực.
Qua đây, tôi xin rút ra hai vấn đề. Thứ nhất, con người tham gia quá trình thực hiện các quy định về đấu thầu đã có vấn đề ngay từ đầu.
Thứ hai, quy trình, quy định đấu thầu tại Việt Nam được xây dựng, sau khi học tập, đúc kết những kinh nghiệm và tiền lệ tốt từ quốc tế. Vậy vì sao họ làm tốt, mình làm không tốt?
Hiện không có quy định nào cấm cá nhân có trách nhiệm chấm thầu trong một ngày, nhưng tại sao họ kéo dài quy trình đó. Bởi trong quá trình thực hiện, người thực hiện thiếu trách nhiệm, để xảy ra sơ xuất, dẫn tới phát sinh kiến nghị từ nhà thầu và buộc phải hủy, đấu thầu lại.
Nói về tiêu cực, yếu tố này luôn tồn tại và tạo ra sự mâu thuẫn, là động lực thúc đẩy sự đổi mới, phát triển. Nhưng vấn đề mấu chốt, như Tổng bí thư Tô Lâm từng đề cập, là “bao nhiêu cơ quan thanh - kiểm tra mà không phát hiện được tiêu cực”. Như vậy, vai trò của các cơ quan quản lý, thanh - kiểm tra ở đâu?
Chẳng hạn, một dự án được Quốc Hội thông qua rồi. Nhưng cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện ở tỉnh và các bộ, ngành và các cơ quan cấp dưới. Tại những cấp đó, các cơ quan thanh - kiểm tra có làm đúng và đủ nhiệm vụ, phạm vi chức trách được giao không? Một bộ luật có tiên tiến tới mấy, nhưng người thực hiện không thấm nhuần, thậm chí coi thường hoặc lờ đi, mà chẳng có ai hay cơ quan nào xử lý họ thì làm sao luật đi vào cuộc sống được?
Tôi nhớ trong giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến Luật Đấu thầu năm 2023, có nhiều ý kiến bình luận Luật Đấu thầu trước đây tồn tại nhiều vấn đề. Tới đầu năm 2023, luật vừa có hiệu lực rồi thì cuối năm lại bắt đầu sửa, gây tốn kém và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều người vừa mới nắm thông tin “Yếu tố A được định nghĩa là thế này, xong lại sửa thành yếu tố B mới được định nghĩa như vậy, chứ không phải A”.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền được linh hoạt lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp với quy mô, tính chất và điều kiện thực tế của gói thầu, dự án. Ảnh: N.K
- Vậy các chế tài, quy định pháp lý hiện hành đã đủ để ngăn chặn các hành tiêu cực chưa?
Tôi cho rằng làm như các quy định hiện hành cũng là mừng lắm rồi. Bởi nhiều yêu cầu, quy định nêu ra, nhưng không thực hiện được.
Chẳng hạn, quy định tại luật cũ yêu cầu phải có cái chứng chỉ đào tạo, nhưng luật được sửa đổi gần đây đã lược bỏ. Vậy xin hỏi một người không hiểu biết chuyên môn, không trải qua quá trình đào tạo, thì khi bước vào công việc sao có chuyện không gặp vướng mắc?
Muốn thay đổi chính sách, cách làm luật sao cho căn cơ, hiệu quả, bảo đảm tính bền vững thì bản thân người soạn thảo phải tự nhận thức đấu thầu là công việc đơn giản hay phức tạp, nhạy cảm hay không nhạy cảm? Đó là nền tảng để xây dựng quy trình, quy định đấu thầu, đấu giá, kèm những yêu cầu về con người tham gia.
Người tham gia công tác đấu thầu chỉ có năng lực hay đạo đức thôi là chưa đủ, phải có năng lực gắn với đạo đức. Chẳng hạn, cán bộ đấu thầu viết một hồ sơ mời thầu mua xe máy, mà họ chẳng biết xe máy là cái gì thì có làm được không, dù đạo đức và mong muốn của họ là tốt.
Rõ ràng, yếu tố còn thiếu là tạo ra một đội ngũ đủ năng lực để thực hiện những điều mong muốn khi ban hành luật, nhưng tôi thấy có rất ít ý kiến bàn luận việc đó.
Thậm chí, khi các cơ quan, tổ chức cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo một chứng chỉ, thì lại có ý kiến cho rằng làm như vậy tốn kém bao nhiêu tiền. Trong khi nếu không có quá trình học hành, rèn luyện thì làm sao họ có thể trở thành người giỏi được? Phải chăng, chúng ta chưa phân biệt được giữa lãng phí và khoản đầu tư cần thiết?
Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tôi cho rằng điều chỉnh là cần thiết nhưng nên có tổng kết, phân tích để việc điều chỉnh chỉ diễn ra một lần thôi, nhưng đúng hướng. Chứ nếu chỉ nhìn công tác đấu thầu từ những vụ việc tiêu cực, thất thoát, lãng phí thì “bê bết” quá!
- Ông có góp ý gì để giảm thiểu tiêu cực, đồng thời nâng cao hiệu quả đấu thầu, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước?
Tổng Bí thư đã có ý kiến chỉ đạo rất hay là: “Làm luật là phải nhìn xa, phải tăng cường phân cấp, phải tăng cường minh bạch”. Nhưng ai là người thực hiện và ai là người giám sát? Nếu người giám sát không làm đúng cái vai trò thì ai xử lý họ?
Do đó, tôi đề xuất phải tăng cường phân cấp, song hành cùng kỷ cương và tinh thần quyết tâm xử lý vi phạm, ai làm sai phải xử lý triệt để. Hơn nữa, phải có giải pháp nâng cao năng lực, nhận thức của người thực hiện.
Thực tế, nhận thức của các chủ đầu tư về công tác đấu thầu không thực sự sâu sắc. Nhiều người ta quan niệm rằng, đấu thầu thì chẳng cần phải đọc, hiểu quy định cũng có thể làm được. Hoặc có người đọc luật, nhưng không thấm nhuần, hiểu sự sâu sắc và ích lợi của luật, thậm chí coi thường các quy định.
Chừng nào vẫn tồn tại những còn cá nhân như vậy, liệu thay đổi luật lệ có mang lại hiệu quả không?
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/giai-oan-cho-dau-thau/