Giải pháp 'bình thường hóa' cuộc chơi ESG
Các ứng dụng của Internet vạn vật sẽ giúp lượng hóa tốt hơn, từ đó đánh giá, cải thiện tốt hơn các chỉ số phát triển bền vững và ESG, tạo ra cuộc chơi win - win cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn môi trường.
Theo đánh giá của HSBC trong báo cáo mới nhất, một lợi ích đáng kể của ứng dụng Internet vạn vật (IoT – Internet of things) là khả năng giám sát các chỉ số ESG (nhóm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty).
Những vấn đề như hiệu quả năng lượng, chất thải và sử dụng nước được ghi nhận qua cảm biến cho phép quản lý nguồn lực hiệu quả, và cho ra kết quả chính xác, chi tiết hơn.
Trong các chuỗi cung ứng, các thiết bị IoT hỗ trợ theo dõi các chỉ số trên toàn cầu, cho ra dữ liệu carbon theo thời gian thực và những dự đoán. Từ đó, các bên liên quan có thể hiểu chính xác về tác động, cho phép doanh nghệp ghi lại dữ liệu hiệu quả, mang đến cái nhìn tổng quan hơn cho các nhà đầu tư.
Ví dụ, các cảm biến IoT có thể được dùng để theo dõi lượng năng lượng thiết bị trong một nhà máy đang sử dụng, khu vực nào đang thất thoát năng lượng và cách giải quyết vấn đề.
Trong nông nghiệp, các giải pháp IoT có thể giúp giảm tối đa lượng nước sử dụng, phân bón và thuốc trừ sâu, thậm chí giảm tác động của khí nhà kính do gia súc thải ra thông qua theo dõi sức khỏe của vật nuôi.
Theo Danfoss, các giải pháp IoT đã giúp các nhà bán lẻ lương thực tiết kiệm khoảng 37 triệu USD nhờ giảm chất thải từ thực phẩm (ví dụ như nhờ theo dõi nhiệt độ), và cắt được 2 triệu tấn CO2 chỉ trong vòng năm năm qua.
Thêm nữa, các giải pháp IoT có thể được dùng trong vận chuyển nhằm rút ngắn lộ trình chuyển hàng, đồng nghĩa với giảm tiêu thụ nhiên liệu. Trong khi đó, bảo trì dự đoán nhờ ứng dụng công nghệ IoT có thể giúp kéo dài tuổi thọ của các thiết bị quan trọng, và từ đó giúp giảm rác thải.
Ngoài ra, nhiều dự án IoT đang đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên Hợp Quốc. Hiện tại, gần 85% các hoạt động ứng dụng IoT góp phần vào các mục tiêu này, 75% trong đó tập trung vào năm mục tiêu lớn, theo dữ liệu từ HSBC và WEF.
Đặc biệt, “công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng” và “tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” đều góp phần củng cố tính bền vững cho chuỗi cung ứng.
“Cần lưu ý rằng những yếu tố môi trường như sử dụng năng lượng trong sản xuất, nguồn cung nguyên liệu thô giới hạn và rác thải điện tử phải được xem xét trong bối cảnh số lượng thiết bị IoT sẽ gia tăng", HSBC lưu ý.
Thách thức trong cuộc chơi win – win
Thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT trong chuỗi cung ứng mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Với doanh nghiệp, theo dõi các yếu tố như chất lượng không khí và nước để tối ưu hóa tình trạng sức khỏe giúp hỗ trợ phúc lợi cho người lao động. Theo dõi tài sản như hàng hóa và cơ sở vật chất cho phép chuỗi cung ứng trở nên minh bạch hơn, từ đó người tiêu dùng có thể giám sát vị trí và thời điểm hàng tới nơi trong quá trình di chuyển trong chuỗi cung ứng.
Một thách thức lớn nảy sinh từ sự gia tăng ứng dụng các thiết bị IoT là vấn đề an ninh mạng của chính các tài sản này. Các thiết bị kết nối thường không có bảo mật phức tạp, tạo ra một lỗ hổng cho tin tặc và dẫn đến nguy cơ bị tấn công an ninh.
Trong vận chuyển, các cuộc tấn công trên mạng có thể dẫn đến phân bổ nguồn lực và sản phẩm bị chậm trễ, nhiều khả năng gây ảnh hưởng lớn trong xã hội, cũng như tác động tiềm ẩn về mặt tài chính và danh tiếng thương hiệu.
Một rủi ro khác là bảo mật dữ liệu – lộ trình di chuyển và các tương tác được ghi lại thường xuyên bằng một loạt thiết bị kết nối, làm dấy lên mối lo ngại liệu những thông tin này có rơi vào tay những kẻ có mục đích sai trái.
Các doanh nghiệp ngày càng cần có chuyên gia công nghệ và người phụ trách an ninh thông tin (Chief Information Security Officer - CISO) đứng trong hàng ngũ ban lãnh đạo để đánh giá và quản lý rủi ro liên quan.
73% ban lãnh đạo doanh nghiệp trong nhóm FTSE 350 nhận diện được các nguy cơ trên không gian mạng trong chuỗi cung ứng nằm ở nhóm đối tác cấp một (bên thứ ba).
Tuy nhiên, chỉ 23% nhận diện được các nguy cơ trên không gian mạng ở nhóm đối tác cấp hai và xa hơn nữa (bên thứ tư và xa hơn nữa), trong đó 4% hoàn toàn không nhận diện được rủi ro khiến doanh nghiệp trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.
Theo Tiempo – một trong những công ty kỹ thuật phần mềm hàng đầu của Mỹ, có 5 yếu tố chính khiến IoT công nghiệp khó đảm bảo an ninh, và doanh nghiệp cần tập trung để giảm rủi ro đối với các nguy cơ an ninh mạng trong tương lai.
Những yếu tố này bao gồm hệ lụy do thiết bị và phần mềm, các bước xác thực không đúng quy trình, tính liên kết, các giao thức tuyền tin kém an toàn, và sự thiếu kết nối giữa công nghệ vận hành và công nghệ thông tin.
Bên cạnh các nguy cơ an ninh mạng, những hạn chế đặt ra nhằm ngăn chặn tự do lưu thông dữ liệu xuyên biên giới cũng ảnh hưởng đến sự phổ biến của các công nghệ IoT. Đơn cử, một số quốc gia áp dụng hạn chế lưu trữ dữ liệu trong nước, theo đó dữ liệu phải được lưu trữ trong nước thay vì ở nước ngoài dẫn đến luồn dữ liệu truyền xuyên biên giới bị hạn chế.
Theo Tổ chức Đổi mới và công nghệ thông tin (Information Technology and Innovation Foundation), số lượng quốc gia áp dụng yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước đã tăng đáng kể, từ 35 vào năm 2017 lên 62 vào năm 2021, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là ba nước áp dụng nhiều biện pháp lưu trữ dữ liệu trong nước nhất thế giới.
Điều này có nghĩa là nếu các doanh nghiệp của Mỹ như Apple hay Tesla theo luật Trung Quốc phải lưu trữ dữ liệu về khách hàng người Trung Quốc ở Trung Quốc.
Các yêu cầu về lưu trữ dữ liệu trong nước có thể dẫn đến chuyển hướng hoạt động thương mại và sản xuất sang các nhà cung cấp trong nước. Mặc dù một số doanh nghiệp trong nước có thể nhận thấy hoạt động gia tăng nhờ những biện pháp đó, số khác lại chịu tổn thất vì gia công nước ngoài có thể mang đến hiệu quả về chi phí hơn.
Tuân thủ các yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước cũng có thể khiến chi phí phát sinh thêm cho doanh nghiệp vì họ phải sắp xếp lại hoặc tổ chức thêm một số bộ phận có chức năng giống nhau (như dịch vụ hậu mãi).
Một vài quốc gia cũng nỗ lực để tháo gỡ khó khăn do truyền dữ liệu xuyên biên giới thông qua hợp tác thương mại hiện đại. Ví dụ, Hiệp định Mỹ - Canada – Mexico cấm lưu trữ dữ liệu trong nước trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả dịch vụ tài chính – một lĩnh vực được vốn bị loại trừ bởi các điều khoản trong những hiệp định thương mại.
Hiệp định kinh tế số Úc – Singapore mới đây cũng cấm yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước áp dụng với tất cả các lĩnh vực, và bao gồm cam kết về việc không lấy yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, hoặc sử dụng trung tâm điện toán trong nước làm điều kiện hoạt động. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ 8/12/2020.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/giai-phap-binh-thuong-hoa-cuoc-choi-esg-1642337624225.htm