Giải pháp cho 'bài toán di cư'

Mexico đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Mỹ để giải quyết vấn đề di cư dai dẳng, đồng thời triển khai các sáng kiến xóa đói, giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân các quốc gia Trung Mỹ. Giữa lúc làn sóng di cư ở châu Mỹ gia tăng ở mức đáng báo động, việc các nước nêu cao tinh thần hợp tác là bước đi hướng tới giải pháp đồng bộ, hiệu quả cho thách thức chung của châu lục.

Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. Ảnh minh họa: REUTERS

Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. Ảnh minh họa: REUTERS

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ở Mexico vừa qua, Tổng thống đắc cử Claudia Sheinbaum được dự báo phải đối mặt với một danh sách dài các nhiệm vụ còn dang dở từ người tiền nhiệm, trong đó có việc giải quyết làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Mỹ tìm đến Mỹ qua đường Mexico.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), năm 2023, hơn 140.000 người di cư xin tị nạn tại Mexico, chưa kể hàng trăm nghìn người quá cảnh nước này để vào Mỹ, đưa Mexico vào nhóm 5 nước có số lượng đơn xin tị nạn cao nhất thế giới.

Theo UNHCR, năm 2023, hơn 140.000 người di cư xin tị nạn tại Mexico, chưa kể hàng trăm nghìn người quá cảnh nước này để vào Mỹ, đưa Mexico vào nhóm 5 nước có số lượng đơn xin tị nạn cao nhất thế giới.

Vấn đề di cư được cho là một trong những yếu tố chi phối kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở Mexico. Trong quá trình tranh cử, bà Claudia Sheinbaum từng khẳng định sẽ tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador, trong đó có phối hợp với các quốc gia xuất phát điểm của người di cư để gây dựng sinh kế cho người nghèo, cải thiện điều kiện sống...

Bắt tay vào giải quyết vấn đề di cư dai dẳng và hóc búa, Tổng thống đắc cử Claudia Sheinbaum đã có các cuộc trao đổi riêng rẽ với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Cố vấn an ninh nội địa Nhà trắng Liz Sherwood-Randall. Theo đó, hai bên cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ để giải quyết các nguyên nhân sâu xa của vấn đề di cư.

Với chủ trương xây dựng những “bức tường thịnh vượng” để chặn làn sóng di cư ngay từ nơi khởi nguồn, Chính phủ Mexico đã giải ngân 108,3 triệu USD cho chương trình “Gieo mầm sống”, trong đó tổ chức các khóa dạy nghề, dự án phủ xanh đất đai bị hoang hóa để canh tác nông nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm cho người dân các nước Trung Mỹ.

Có ít nhất 71.000 người tại Honduras, Colombia, Venezuela, Haiti, El Salvador, Costa Rica, Belize, Panama và Guatemala đang hưởng lợi từ chương trình này. Trước đó, một số dự án tương tự đã được Chính phủ Mexico phối hợp các nước trong khu vực triển khai, như các chương trình “Thanh niên xây dựng tương lai”, “Gieo cơ hội”…

Vấn đề di cư, nhập cư và an ninh biên giới lâu nay cũng làm các Tổng thống Mỹ đau đầu và trở thành nội dung quan trọng trong cương lĩnh tranh cử. Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng Gallup tiến hành hồi tháng 2/2024, ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng nhập cư là vấn đề quan trọng nhất mà Xứ Cờ hoa phải đối mặt. Cụ thể, 28% số người Mỹ được khảo sát cho rằng, nhập cư hiện là vấn đề quan trọng nhất đối với nước Mỹ. Tỷ lệ này tăng mạnh từ mức 9% trong cuộc thăm dò hồi tháng 8/2023.

Gần đây, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh tạm ngừng xét duyệt đơn xin tị nạn nếu số lượng người nhập cư vượt qua biên giới vào Mỹ trung bình mỗi ngày vượt quá 2.500 người. Động thái cứng rắn này được đưa ra trong bối cảnh Chính quyền Mỹ chịu nhiều áp lực chính trị liên quan những đoàn người di cư ở biên giới giáp Mexico, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, làn sóng di cư ở châu Mỹ vẫn không có dấu hiệu giảm. Theo UNHCR, ít nhất 22 triệu người tại châu Mỹ đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do nghèo đói và xung đột, gây khó khăn cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và khiến tình trạng di cư ở châu lục thêm trầm trọng. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cảnh báo, hàng nghìn người có thể bị buộc phải rời Ecuador và Haiti trong năm 2024 do khủng hoảng nhân đạo, bạo lực leo thang, nghèo đói gia tăng và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Làn sóng người di cư ồ ạt phản ánh nhu cầu cấp bách về cải thiện cuộc sống người dân ở các “quốc gia khởi nguồn”. Đây là cách tiếp cận vấn đề theo hướng bền vững, song chắc chắn đòi hỏi nhiều nguồn lực cùng sự thống nhất hành động, không chỉ Mỹ và Mexico, mà còn nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giai-phap-cho-bai-toan-di-cu-217504.html