Giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm buôn lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào
Thời gian qua, tình hình tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh Tổ quốc trên địa bàn. Trước tình hình đó, lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
Qua tìm hiểu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm trên tuyến biên giới Việt - Lào diễn biến phức tạp, trong đó có một số nguyên nhân chính như: Do lợi nhuận của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cao; người dân sinh sống trên tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu không có việc làm ổn định, đời sống kinh tế khó khăn nên một số người xem việc vận chuyển thuê hàng cấm, hàng nhập lậu là công việc chính để mưu sinh.
Bên cạnh đó, do tình hình COVID - 19 diễn biến phức tạp nên Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới khiến đời sống của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng. Một số đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật và tìm mọi cách để vận chuyển hàng lậu nhằm kiếm tiền mưu sinh qua ngày.
Theo Thượng tá Hồ Sỹ Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, hoạt động buôn lậu của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu từ Lào vào tỉnh Quảng Trị diễn ra rất tinh vi với những phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Trên tuyến biên giới, để tránh bị phát hiện, đối tượng chia thành nhiều công đoạn, phức tạp nhất là ở khu vực sông Sê Pôn, len lỏi vào các đường mòn trên biên giới, lối mở dân sinh dẫn về nội địa. Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn lợi dụng một số nhà dân ở sát sông Sê Pôn xé lẻ, vận chuyển nhỏ giọt hàng cấm, hàng lậu bằng đò ngang hoặc cùi, cõng phân tán vào trong vườn, nhà dân, chờ thời cơ để vận chuyển sâu vào nội địa…
Các đối tượng buôn lậu cũng thường tập kết hàng hóa rải rác trong nhà dân, chờ thời cơ thuận lợi sẽ sử dụng các loại phương tiện giao thông vận tải gom hàng vận chuyển vào sâu nội địa hoặc trà trộn vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; liên tục thay đổi thời gian, địa điểm, phương tiện để vận chuyển. Cá biệt một số trường hợp khi bị phát hiện lập tức điều khiển phương tiện bỏ chạy với tốc độ cao, thậm chí sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ.
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, các thủ đoạn đối phó của đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm nhưng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Trong năm 2021, đơn vị đã tiến hành bắt giữ 58 vụ/54 đối tượng, trị giá hàng hóa thu giữ khoảng trên 5 tỉ đồng; xử lý hình sự 2 vụ/2 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 47 vụ/47 đối tượng…
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu và vận chuyển hàng cấm trên tuyến biên giới, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Ban giám đốc Công an tỉnh để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng liên quan, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, công an các địa phương trên tuyến triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu nói riêng.
Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính như: Chủ động nắm tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu để xác định các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; tập trung lực lượng, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, tụ điểm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thượng tá Hồ Sỹ Hùng cho biết thêm: Để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn lậu và vận chuyển hàng cấm thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài lực lượng công an. Trong đó, cần thường xuyên trao đổi thông tin giữa công an các đơn vị, địa phương về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả. Đối với các vụ án, vụ việc đã bắt giữ cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính răn đe đối với những đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận động quần chúng nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu. Huy động sức mạnh của toàn thể quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.