Giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng FSC
Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh Quảng Trị nằm trong vùng triển khai gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS) ở miền Trung (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích 22.900 ha. Trước thực trạng phát triển gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, địa phương đã nỗ lực đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng ở Quảng Trị là 245.816 ha, bao gồm rừng tự nhiên 126.732 ha, rừng trồng 119.084 ha. Diện tích rừng trồng sản xuất khoảng 95.675 ha, trong đó diện tích rừng trồng keo các loại trên 81.000 ha. Sản lượng gỗ khai thác bình quân hiện nay trên địa bàn tỉnh từ 900.000 đến 1.000.000 m3 /năm. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng nhằm đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Triển khai thực hiện vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững FSC tại Quảng Trị, 5 huyện trọng điểm được lựa chọn quy hoạch là Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng với tổng diện tích 13.000 ha.
Cùng với các chính sách của trung ương, từ năm 2010, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Nhờ vậy, Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 22.067 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ FSC.
Đặc biệt đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) như Công ty Chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty TNHH Nguyên Phong, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Scansia Pacific ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng. Giá thu mua gỗ có chứng chỉ FSC cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 15-18%.
Song hiện nay, thực trạng phát triển gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC có một số các nguyên tắc, tiêu chí đòi hỏi khó đáp ứng phù hợp với với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ hộ gia đình ở Quảng Trị và Việt Nam. Kinh phí đánh giá cấp và duy trì chứng chỉ rừng FSC cao là một rào cản đối với các chủ thể mới đăng ký cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Các chủ rừng quy mô nhỏ thường muốn trồng rừng, khai thác nhanh để thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận nhằm tận dụng giá trị sản xuất của đất rừng chứ chưa quan tâm đến sản xuất lâm nghiệp một cách bền vững. Ngôn ngữ quốc tế cũng là một rào cản khi các chủ rừng tham khảo, cập nhật các thông tin, nhận các thông báo từ đơn vị quản lý chứng chỉ và các tổ chức cấp chứng chỉ FSC…
Đối với các hợp tác xã thì diện tích đất lâm nghiệp được giao để trồng rừng không nhiều. Áp lực tạo lợi nhuận trong thời gian ngắn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và quay vòng vốn lớn, trong khi việc trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC cần thời gian dài từ 8 -11 năm. Vì vậy việc triển khai trên quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm tiếp tục thực hiện đề án về phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng FSC, tỉnh Quảng Trị định hướng trong giai đoạn 2021-2025, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt từ 26.050 - 28.550 ha, đến năm 2030 là khoảng 30.000 ha. Do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tỉnh Quảng Trị đã đề ra một số giải pháp, chính sách hỗ trợ. Đó là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến hiệu quả của phát triển rừng, trồng gỗ lớn, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, khuyến cáo chủ rừng sử dụng nguồn giống có năng suất, chất lượng trong trồng rừng.
Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC. Khuyến khích thị trường trong tỉnh, quảng bá sản phẩm, mở rộng trọng tâm liên kết với các vùng động lực trong nước, phát triển các hợp tác xã sản xuất đồ mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến. Hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ tham gia các hội chợ quốc tế, đẩy mạnh sản xuất theo hướng tinh, sâu phục vụ xuất khẩu, đáp ứng thị trường khu vực và xuất khẩu sang EU, Mỹ...
Huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án để nâng cao hiệu quả trong công tác phát triển rừng và vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC. Tổng kết và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, mô hình có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống khuyến lâm, nhất là khuyến lâm cơ sở để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn đến các chủ rừng. Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cây giống keo lai nuôi cấy mô, vật tư phân bón để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Đề án được triển khai thực hiện sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp thông qua việc xây dựng liên kết vùng với quy mô tập trung, thu hút doanh nghiệp và hợp tác xã, chủ rừng tham gia vào mô hình để gia tăng giá trị lợi nhuận từ 15-30% so với phương thức sản xuất thông thường”.
Hiệu quả lớn nhất của đề án là sẽ hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiến tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở vùng duyên hải miền Trung.