Giải pháp để thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương?

Đây là câu hỏi được đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn gửi đến Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương diễn ra chiều nay (04/6).

Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, chiều 04/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công thương.

Đại biểu Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn nêu chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Quan tâm đến nội dung tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn được đánh giá tại báo cáo của Bộ Công thương phục vụ chất vấn có nêu: “Hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế”, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn cho rằng, như vậy việc ban hành chính sách áp dụng chung cho các địa phương trên phạm vi cả nước cũng còn hạn chế và sẽ còn khó khăn hơn đối với các địa phương không có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là các tỉnh miền núi.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết: “Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho các địa phương thu hút được các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng những chính sách thu hút, ưu đãi hơn”?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, để thu hút doanh nghiệp vào vùng sâu, vùng xa thì phải có vùng nguyên liệu và để có vùng nguyên liệu thì chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng được công nghệ mới trong các khâu của quá trình sản xuất; bảo đảm sản phẩm xanh - sạch - chất lượng; nắm bắt được tín hiệu thị trường, sản xuất và cung ứng cho thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mà mình có.

Địa phương cũng cần dành những nguồn lực, trước hết là về đất đai ở những vị trí thuận lợi, dành nguồn lực đầu tư về hạ tầng để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải rà soát và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn và khả thi để thu hút được các nhà đầu tư vào khu vực này.

Theo chương trình, thời gian chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công thương sẽ tiếp tục được thực hiện vào đầu giờ sáng ngày 05/6/2024./.

Triệu Tuyên (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/giai-phap-de-thu-hut-doanh-nghiep-tham-gia-che-bien-nong-lam-thuy-san-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-tai-cac-dia-phuong-post63823.html