Giải pháp để thuế trở thành điểm tựa cho phát triển bền vững

Ngày 17/6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2020, với chủ đề 'Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển'.

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2020. Ảnh: TTXVN

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2020. Ảnh: TTXVN

Ngày 17/6, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2020, với chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”.

Báo cáo này đánh giá, Việt Nam đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy điều hành kinh tế. Nhà nước đã có những cam kết ngày càng chặt chẽ trong việc mở cửa thị trường và phát triển khu vực kinh tế tư nhân; trong đó, bao gồm chính sách tài khóa là thuế.
Điều này thể hiện ở việc Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp cải cách thuế cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế nhằm công khai thông tin về ngân sách. Năm 2019, Việt Nam tăng 14 bậc trong xếp hạng chỉ số OBI (Open Budget Index), đứng thứ 77 trên tổng số 117 nước được xếp hạng.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng thương mại, dòng vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu sau dịch COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống thuế của Việt Nam. Nhất là khi các nước Đông Nam Á như Việt Nam đang có xu hướng sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ khuyến khích đầu tư trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) để tạo cạnh tranh hơn là hợp tác với các nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam có thể hưởng mức thuế suất là 10%, thấp bằng một nửa so với mức thuế suất phổ thông 20%.
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu – Viện trưởng Viện VEPR, việc thu hút FDI là cần thiết, tạo cú hích cho kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ưu đãi quá nhiều hay thu hút FDI bằng mọi giá tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế cũng như sự bất bình đẳng nhất định trong môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp trong nước.
“Trong khi doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia lớn, rất nhiều kinh nghiệm trong việc tiến hành hoạt động kinh doanh nếu chúng ta ưu đãi thuế khi chưa có hệ thống đủ mạnh thì không thể chống được tình trạng việc trốn, tránh thuế”, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu nói.
Thống kê của VEPR, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI ước tính lên từ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, tương đương từ 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, tương đương 5% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế, các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thành phần thu thuế tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế nói chung và các ưu đãi thuế nói riêng cần thay đổi và cập nhật để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng khiến cho hệ thống thuế có thể bị bào mòn nhanh chóng dưới áp lực cạnh tranh quốc tế.
PGS. TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện VEPR cho rằng, trong dài hạn, để củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển cần xây dựng một hệ thống ngân sách minh bạch, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong vấn đề hạch toán, công bố và giám sát ngân sách. Các khoản thu - chi ngân sách cần được hợp nhất và tránh để ngoại bảng. Các khoản thu ngân sách bị hao hụt do miễn giảm thuế cũng nên được bổ sung trong công khai trong ngân sách nhà nước.
Viện trưởng Viện VEPR khuyến nghị, Chính phủ cần phải có lựa chọn nhất định trong việc áp dụng ưu đãi, không tràn lan, phải có ưu tiên trong việc thực hành ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI. Bởi, mỗi quốc gia đều có giới hạn nhất định cho ưu đãi thuế trong chính sách tài khóa để duy trì nguồn FDI lành mạnh trong nền kinh tế.
Các ưu đãi hào phóng và dư thừa cần phải được loại bỏ, tạo môi trường kinh doanh công bằng, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh tế, đóng góp vào quá trình đổi mới nền kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên cho rằng, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cũng cần triển khai thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước, hướng tới một hệ thống thuế minh bạch và hiệu quả, làm điểm tựa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong dài hạn./.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-de-thue-tro-thanh-diem-tua-cho-phat-trien-ben-vung/160030.html