Giải pháp để xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động
Để người lao động tiếp tục là nguồn lực lớn thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa thì an ninh, an toàn cho lực lượng này là thách thức không nhỏ.
Nhiều tệ nạn len lỏi vào công nhân lao động
Chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”, do Báo Lao động tổ chức chiều ngày 17/4, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – nêu thực trạng, nhiều năm qua do tác động kéo dài, toàn diện và nghiêm trọng của dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận đoàn viên, người lao động còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập, nhiều người lâm vào trình trạng khốn khó. Lợi dụng điều này, tội phạm đã len lỏi, tấn công, trong đó có cả tội phạm công nghệ cao, lừa đảo tín dụng, tín dụng đen, ma túy và nhiều hình thức tội phạm khác.
“Mất an toàn trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, cần nhiều giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân yên tâm làm việc trong nhà máy, được về nhà trọ với cảm giác an toàn như về ngôi nhà của mình”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia - cho biết: Một trong những hình thức lừa đảo công nhân thời gian gần đây là việc nhẹ lương cao và tín dụng đen, thao túng tâm lý của người lao động để chiếm đoạt tài sản, tài khoản để lừa đảo bạn bè của người dùng. Do đó, người lao động cần phải sàng lọc thông tin, không đăng tải thông tin công khai (chỉ đưa vào chế độ bạn bè) sẽ hạn chế được phần nào việc mất tài khoản facebook.
Cũng theo ông Hiếu, người dùng không có thói quen đổi mật khẩu, khuyến cáo thường xuyên đổi mật khẩu có trên 12 ký tự và có chữ viết hoa, viết thường và chữ số.
Tại hội thảo các đại biểu cũng chia sẻ về sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội làm thay đổi căn bản hình thức tiếp nhận và chia sẻ thông tin của con người, hầu hết công nhân lao động đều có điện thoại thông minh, điều này tạo điều kiện cho thế lực thù địch tiếp cận công nhân lao động theo con đường mạng xã hội, tập trung dụ dỗ, lôi kéo công nhân…
Phát huy vai trò của công đoàn
Bên cạnh các loại tệ nạn xã hội luôn rình rập công nhân lao động, TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn phản ánh thực trạng con em công nhân thiếu trường học.
TS. Phạm Thị Thu Lan cho hay, hiện nay, đa số công nhân Việt Nam ở các khu đô thị là lao động di cư từ nông thôn ra. Ở hai khu tập trung công nghiệp như Hà Nội và Đồng Nai, tỷ lệ công nhân lập gia đình, có con lên tới 60-70%. Điều này đặt ra nhu cầu về học tập của con em công nhân ở các bậc giáo dục mầm non, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học rất lớn. Tuy nhiên, việc thiếu trường học cho con em tại các khu công nghiệp khiến công nhân phải tự xoay xở tìm giải pháp gửi con để đi làm; phần lớn phải mang con đi gửi nhóm trẻ, gửi về nhà cho ông bà hoặc trường tư.
“Với các cơ sở tư nhân uy tín và có chất lượng, chi phí thường cao, không phải mọi công nhân đều có khả năng chi trả cho con cái học trong khi cơ sở nhỏ lẻ thường có nhiều nhược điểm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ như: Không đảm bảo về cơ sở vật chất, diện tích chật chội, thiếu thông gió, ánh sáng, thiếu sân chơi, bếp ăn chưa đảm bảo, mất an toàn thực phẩm, thiếu thiết bị và dụng cụ đào tạo, có nguy cơ bị bạo hành lớn hơn ở nơi khác”, bà Lan nêu.
Trước tình trạng này, bà Lan khuyến nghị công đoàn cần phát huy vai trò thương lượng với người sử dụng lao động về điều kiện gửi trẻ và chi phí gửi trẻ cho công nhân gần nơi làm việc nhằm đảm bảo điều kiện học hành cho con em công nhân cũng như để công nhân yên tâm làm việc.
Đại diện đến từ khu công nghiệp có đông lao động, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội – chia sẻ: Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công đoàn phối hợp cùng lực lượng công an đến doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân, tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, hoạt động của “tín dụng đen”… góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp công nhân lao động cảnh giác với các loại tội phạm, không bị lôi kéo, sa vào các tệ nạn xã hội.
Cũng theo ông Thắng, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động thể dục thể thao với nhiều nội dung thi đấu thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Thông qua các hoạt động này tạo điều kiện cho công nhân lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi và rèn luyện sức khỏe và thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chấp hành công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động trong việc quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ở góc độ nhà kinh tế, ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nêu: Một trong những cách thiết thực nhất, hiệu quả để công nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là đẩy mạnh truyền thông đồng bộ từ tất cả cơ quan ban ngành và đơn vị kinh tế liên quan. Truyền thông phải được xuyên suốt từ công đoàn trung ương đến địa phương và các cấp cơ sở. Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần có kế hoạch mở rộng quy mô gói vay ưu đãi dành cho công nhân lớn hơn nữa. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước hỗ trợ cấp nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tài chính được chỉ định triển khai gói vay ưu đãi cho công nhân. Thông qua đó, công nhân sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi tốt hơn so với hiện nay.
Đến từ Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang - cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 305.000 lao động, trong đó có trên 70.000 công nhân lao động ngoại tỉnh. Toàn tỉnh có 3 khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, với sức chứa khoảng 30.000 người; có 4.415 nhà trọ với gần 60.000 phòng trọ tập trung chủ yếu ở thị xã Việt Yên, 3 huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Hiệp Hòa và TP. Bắc Giang.
Để tiếp tục bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ, nâng cao chất lượng sống cho công nhân, người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang xác định mục tiêu cao nhất là giữ vững an ninh trật tự, củng cố vững chắc môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho công nhân lao động.
Để làm được điều đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động đến đoàn viên, người lao động; chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin về tình hình an ninh trật tự trong công nhân viên chức lao động; kịp thời chia sẻ thông tin khi có những vấn đề phát sinh, nhất là với chính quyền địa phương, cơ quan công an, để trao đổi, thống nhất phương án, biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp.
Ngoài ra, tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ công nhân, tổ tự quản; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho tổ tự quản về, chủ nhà trọ và công nhân về công tác phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự; hướng dẫn chủ nhà trọ, người thuê trọ sử dụng phần mềm “Quản lý nhà trọ”, đăng ký quản lý tạm trú và thông báo lưu trú; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống tội phạm, xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; an ninh trên không gian mạng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…