Giải pháp dinh dưỡng cho người bệnh xương khớp

Nhiều người nhận thấy rằng thay đổi chế độ ăn uống của họ có thể giúp giảm các triệu chứng viêm xương khớp, bao gồm đau, cứng và sưng khớp...

Viêm xương khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, nhưng thường xảy ra ở các khớp như đầu gối, bàn tay, hông hoặc cột sống.

Theo TS.BS Trần Khánh Vân - Trưởng Khoa Vi chất - Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Các bệnh về cơ xương khớp gây ra hậu quả nhiều tới chất lượng cuộc sống. Một người thường có tình trạng đau nhức mạn tính thì khó có thể sống hạnh phúc và vui vẻ được. Lão hóa là quá trình tự nhiên của cơ thể, bao gồm cả lão hóa cơ xương khớp. Chúng ta tuy không thể chống lại hay đảo ngược quá trình này, nhưng chúng ta có thể có những biện pháp làm chậm lại, để nó diễn biến từ từ, lành mạnh. Để thực hiện những điều đó, thì thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học đóng vai trò rất quan trọng.

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng viêm xương khớp

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng viêm xương khớp

Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp cải thiện tình trạng viêm xương khớp bằng cách giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương. Một số loại thực phẩm được biết là có tác dụng giảm viêm trong cơ thể và việc tuân theo một chế độ ăn uống chống viêm có thể cải thiện các triệu chứng. Ví dụ, các chất chống ôxy hóa bao gồm vitamin A, C và E, có thể giúp ngăn ngừa tổn thương khớp.

Những người bị viêm xương khớp cũng có nhiều khả năng bị tăng cholessterol và việc giảm cholesterol có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh này. Bằng chế độ ăn uống có thể giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện mức cholesterol.

Dinh dưỡng là yếu tố để đảm bảo xương khớp luôn khỏe mạnh tốt, phục vụ tốt hoạt động hàng ngày của con người

Dinh dưỡng là yếu tố để đảm bảo xương khớp luôn khỏe mạnh tốt, phục vụ tốt hoạt động hàng ngày của con người

Bên cạnh đó, cần duy trì cân nặng hợp lý. Vì thừa cân có thể gây thêm áp lực lên các khớp và việc tích trữ mỡ thừa trong cơ thể có thể gây viêm thêm. Duy trì cân nặng hợp lý giúp làm giảm các triệu chứng của viêm xương khớp.

Một số lầm tưởng về thực phẩm với bệnh xương khớp

Nhiều người khẳng định rằng một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng viêm xương khớp trở nên tồi tệ hơn, nhưng không phải lúc nào cũng có bằng chứng khoa học chứng minh điều này. Dưới đây, là ba lầm tưởng phổ biến:

Trái cây có múi gây viêm: Một số người tin rằng họ nên tránh trái cây họ cam quýt vì tính axit có thể gây viêm. Tuy nhiên, trên thực tế, trái cây họ cam quýt có lợi ích chống viêm, cũng như giàu vitamin C và chất chống oxy hóa.

Tránh uống sữa giúp chữa bệnh viêm xương khớp: Cũng có những tuyên bố rằng, tránh sữa có thể giúp chữa bệnh viêm xương khớp. Mặc dù sữa, pho mát và các sản phẩm từ sữa khác có thể là vấn đề đối với một số người, nhưng những thực phẩm này có thể có tác dụng chống viêm ở những người khác.

Những người có các triệu chứng viêm liên quan đến bệnh gút có thể thấy sữa tách béo và ít chất béo bảo vệ chống lại tình trạng này. Một chế độ ăn kiêng có thể giúp mọi người xác định xem liệu các triệu chứng của họ có cải thiện hay xấu đi khi uống sữa hay không.

Một số loại củ, quả có thể gây viêm nhiễm: Một số loại củ quả như: Cà chua, khoai tây, cà tím và ớt... đều chứa hóa chất solanine. Có ý kiến cho rằng những thực phẩm này làm trầm trọng thêm tình trạng đau và viêm khớp. Tuy nhiên, không có nghiên cứu khoa học nào được thực hiện để chứng minh rằng chúng thực sự gây viêm hoặc làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Ngược lại, thêm những loại rau bổ dưỡng này vào chế độ ăn uống có thể mang lại nhiều lợi ích cho tình trạng sức khỏe mạn tính.

Bảy loại thực phẩm nên ăn

- Cá nhiều dầu: Dầu cá chứa nhiều acid béo omega-3 có lợi cho sức khỏe. Những chất béo không bão hòa đa này có đặc tính chống viêm nên có lợi cho những người bị viêm xương khớp. Những người bị viêm xương khớp nên ăn ít nhất một phần cá có dầu mỗi tuần. Cá có dầu bao gồm: Cá mòi, cá thu, cá hồi, cá ngừ tươi...

Những người bị viêm xương khớp nên ăn ít nhất một phần cá có dầu mỗi tuần.

Những người bị viêm xương khớp nên ăn ít nhất một phần cá có dầu mỗi tuần.

Những người không thích ăn cá có thể dùng các chất bổ sung có chứa omega-3, chẳng hạn như dầu cá, dầu nhuyễn thể hoặc dầu hạt lanh. Các nguồn omega-3 khác bao gồm hạt chia, dầu hạt lanh và quả óc chó. Những thực phẩm này cũng có thể giúp kháng viêm.

- Dầu: Ngoài dầu cá, một số loại dầu khác có thể giảm viêm. Dầu ô liu nguyên chất chứa hàm lượng oleocanthal cao, có thể có các đặc tính tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Dầu bơ và dầu cây rum là những lựa chọn tốt cho sức khỏe và cũng có thể giúp giảm cholesterol.

- Sữa: Sữa, sữa chua, pho mát rất giàu canxi và vitamin D. Những chất dinh dưỡng này làm tăng sức mạnh của xương, có thể cải thiện các triệu chứng đau. Sữa cũng chứa các protein có thể giúp hình thành cơ bắp. Những người đang muốn kiểm soát cân nặng của mình có thể chọn các món ăn ít chất béo.

Rau xanh và trái cây là nguồn thực phẩm tốt để giảm thiểu đau xương khớp.

Rau xanh và trái cây là nguồn thực phẩm tốt để giảm thiểu đau xương khớp.

- Rau màu xanh đậm: Quá trình sản xuất năng lượng và trao đổi chất khác trong cơ thể tạo ra các sản phẩm phụ có hại được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do không chỉ gây hại cho tế bào mà còn có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp (RA) và viêm. Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, rau bina, cải Brussels, cải xoăn, cải ngọt... có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, C và K, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do. Những thực phẩm này cũng chứa nhiều vitamin D, canxi giúp bảo vệ xương...

- Bông cải xanh: Bông cải xanh và các loại rau họ cải khác (bắp cải, cải ngọt và súp lơ) có chứa một hợp chất gọi là sulforaphane. Nghiên cứu trên chuột cho thấy sulforaphane ngăn chặn quá trình viêm và có thể làm chậm tổn thương sụn trong viêm xương khớp. Một số bằng chứng còn cho thấy rằng, chế độ ăn nhiều rau họ cải có thể ngăn ngừa viêm khớp dạng thấp phát triển ngay từ đầu.

- Trà xanh: Polyphenol là chất chống oxy hóa mà các chuyên gia tin rằng có thể giảm viêm và làm chậm tốc độ tổn thương sụn. Trà xanh có chứa hàm lượng polyphenol cao. Đây cũng là một thức uống sẵn có, nên bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày.

- Tỏi: Một hợp chất được gọi là diallyl disulfide có trong tỏi có thể hoạt động chống lại các enzym trong cơ thể gây hại cho sụn.

Ba loại thực phẩm nên tránh

Khi một người nào đó đang sống chung với bệnh xương khớp, nghĩa là cơ thể của họ đang trong tình trạng viêm nhiễm. Trong khi thực phẩm có đặc tính chống viêm có thể làm giảm các triệu chứng, thì một số thực phẩm có chứa các chất góp phần tích cực vào tình trạng viêm này. Tốt nhất là tránh hoặc hạn chế các lựa chọn chế độ ăn uống này. Những loại thực phẩm cần tránh là những loại bao gồm:

- Đường: Đường đã qua chế biến có thể thúc đẩy giải phóng cytokine, hoạt động như sứ giả gây viêm trong cơ thể. Đường mà các nhà sản xuất thêm vào đồ uống có đường, bao gồm soda, trà ngọt, cà phê có hương vị và một số thức uống nước trái cây, có nhiều khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng viêm.

- Chất béo bão hòa: Thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chẳng hạn như bánh pizza và thịt đỏ, có thể gây viêm mô mỡ. Ngoài việc góp phần vào nguy cơ phát triển bệnh béo phì, bệnh tim và các tình trạng khác, điều này có thể làm cho tình trạng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn.

- Carbohydrate tinh chế: Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và khoai tây chiên, thúc đẩy quá trình sản xuất chất oxy hóa, có thể kích thích phản ứng viêm trong cơ thể.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-phap-dinh-duong-cho-nguoi-benh-xuong-khop-169240729113952922.htm