Giải pháp giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường
Bằng chứng từ các quốc gia cho thấy, khi đánh thuế cao với đồ uống có đường, người dân sẽ chuyển sang uống các đồ lành mạnh hơn.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
"Các bằng chứng đã cho thấy rất mạnh mẽ rằng, những người thường xuyên uống đồ uống có đường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, đột quỵ và ung thư cao hơn. Đây là những căn bệnh có nguy cơ gây tử vong lớn nhất ở Việt Nam", TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết.
Phát biểu này được bà Angela Pratt đưa ra tại hội thảo Cung cấp thông tin báo chí về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng diễn ra ngày 28/4.
Thói quen thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường cũng dẫn đến đến tình trạng thừa cân và béo phì ở cả trẻ em và người lớn. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt là gây hại cho sức khỏe của trẻ em.
Theo TS Angela Pratt, có một giải pháp đã được chứng minh có thể giúp giải quyết vấn đề này. Đó là sử dụng thuế, để làm cho những loại đồ uống này đắt hơn và từ đó giảm mức tiêu thụ.
Trên toàn thế giới, hiện có khoảng 110 quốc gia đánh thuế đồ uống có đường.
Kinh nghiệm từ tất cả các quốc gia này cho thấy, đây là loại thuế có lợi đôi đường: tốt cho sức khỏe và giúp giảm chi phí y tế, tốt cho nguồn thu cho ngân sách của chính phủ.
"Không nhiều người biết rằng, một lon nước ngọt có ga 330 ml có thể chứa tới 10 thìa cà phê hoặc 40 gam đường. Khuyến cáo của WHO nêu rõ, mỗi ngày, mỗi người không nên tiêu thụ quá 50 gam đường tự do từ tất cả các loại thực phẩm và đồ uống. Lượng tiêu thụ này càng giảm thì sẽ càng tốt cho sức khỏe", bà Pratt cho biết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, lượng tiêu thụ các loại đồ uống này đang ở mức cao và ngày càng tăng. Tiêu thụ đồ uống có đường bởi người dân Việt Nam đã tăng gấp bốn lần từ năm 2009 - 2023.
Trung bình, mỗi người dân Việt Nam uống gần 70 lít đồ uống có đường mỗi năm, tương đương khoảng 1,3 lít mỗi tuần.
“Bằng chứng từ các quốc gia cho thấy, khi đánh thuế cao với đồ uống có đường, người dân sẽ chuyển sang uống các đồ lành mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp thông minh sẽ có điều chỉnh trong các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người dân. Do đó, ít ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”, TS. Angela Pratt nhấn mạnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-giam-muc-tieu-thu-do-uong-co-duong-post729111.html