Giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta là 118,2 bé trai/100 bé gái. Điều đáng lo ngại là, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các địa bàn trong tỉnh, từ thành phố, thị trấn, thị tứ đến vùng sâu, vùng xa. Hệ lụy của sự chênh lệch giới tính khi sinh sẽ có những tác động không tốt đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, rất cần thực hiện nhiều giải pháp để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lập (Mộc Châu) tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Lập (Mộc Châu) tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.

Ảnh: Huyền Trăng

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa sâu rộng, không phù hợp với đặc điểm của từng vùng, thiếu sản phẩm tuyên truyền dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tư tưởng trọng nam hơn nữ; nam giới có trọng trách nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, là trụ cột về kinh tế của gia đình... vẫn nặng nề trong một bộ phận nhân dân.

Do chưa kiểm soát được tình trạng siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, nạo phá thai với lý do lựa chọn giới tính, nên nhiều gia đình đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh, với mong muốn sinh được con trai. Ở một số vùng nông thôn, người dân ít được tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm dẫn đến tình trạng đẻ dày, đẻ nhiều...

Việc dư thừa nam giới sẽ gây nên những hệ lụy không tốt cho xã hội. Đó là tình trạng bạo hành giới; buôn bán phụ nữ gia tăng; một bộ phận nam giới kết hôn muộn hoặc không có khả năng kết hôn... Làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai; thiếu hụt lao động ở những ngành nghề cần nhiều lao động nữ. Vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội bị ảnh hưởng không nhỏ do áp lực của việc lập gia đình sớm.

Hàng năm, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tăng cường truyền thông về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, về giới, bình đẳng giới; các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, như: Pháp lệnh dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế... Các nội dung này được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, trong hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm hoặc tư vấn trực tiếp; duy trì hoạt động các mô hình dân số, các câu lạc bộ: “Phụ nữ không sinh con thứ ba, giúp nhau làm kinh tế, nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”...

Tại các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn, lồng ghép nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh trong chương trình giảng dạy. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, giao lưu với học sinh, giáo viên về nội dung bình đẳng giới, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh... Riêng năm 2020, các huyện, thành phố đã cấp phát 4.930 cuốn tài liệu tham khảo “Hướng dẫn lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp”. Duy trì hoạt động câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại 34 trường THPT trên địa bàn 12 huyện, thành phố, tạo điều kiện cho nữ học sinh được chia sẻ kinh nghiệm học tập, tình bạn, tình yêu lành mạnh, từng bước thay đổi cơ bản những định kiến về giới.

Bên cạnh đó, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn và loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ; kiên quyết xử lý các cơ sở y tế thực hiện nạo phá thai liên quan đến phân biệt giới tính và dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, các cơ sở in, bán ấn phẩm về lựa chọn giới tính thai nhi.

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên, điều này rất cần tiếp tục có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Trong đó, các địa phương đưa chỉ tiêu về giới tính khi sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm; các xã, bản, tiểu khu đưa vào quy ước, hương ước để nhân dân thống nhất thực hiện. Các ngành chuyên môn tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện bình đẳng giới của toàn xã hội, từng bước xóa bỏ bất bình đẳng giới. Và quan trọng hơn hết là ý thức của mỗi người dân về công tác bình đẳng giới, không phân biệt là gái hay trai thực hiện tốt công tác dân số, vì mục tiêu “Bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ”.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giai-phap-giam-thieu-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-40836