Khó khăn trong việc dạy học tích hợp liên môn

Dạy tích hợp liên môn (THLM) không phải là một nội dung mới đối với các nhà trường và các cấp học. THLM nhằm hướng tới mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, tăng cường việc vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy việc triển khai dạy THLM gắn với sự thay đổi tích cực về cơ cấu và thời lượng các môn học, giảm tải nội dung tiết học cho học sinh, nhưng khi thực hiện trong thực tế tại huyện Hạ Lang, dạy THLM còn khá nhiều khó khăn.

Năm học 2023 - 2024, là năm thứ ba dạy học THLM được triển khai trên địa bàn huyện Hạ Lang. Tuy nhiên, do chưa có nguồn nhân lực chuyên ngành, việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên đơn môn chuyển sang dạy tích hợp cũng chưa được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương khiến đội ngũ giáo viên đang chịu nhiều áp lực. Đặc biệt, tại các điểm trường vùng cao, tình trạng thiếu giáo viên và sự thiếu thốn về điều kiện học tập đã tồn tại nhiều năm, thì việc triển khai dạy học tích hợp càng gặp nhiều khó khăn.

Từ năm học 2021 - 2022, Trường THCS Quang Long, triển khai thực hiện tích hợp 2 môn học mới là môn Lịch sử và Địa lý, trên cơ sở tích hợp 2 phân môn Lịch sử, Địa lý; tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình này, nhiều giáo viên do chưa được đào tạo, bồi dưỡng nên gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy. Toàn trường hiện có 6 giáo viên thực hiện giảng dạy THLM nhưng mới có 2 giáo viên được tham gia lớp bồi dưỡng 3 tháng đối với phương pháp giảng dạy này.

Là một trong những giáo viên được đào tạo chuyên ngành đơn môn tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, dù đã được tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy THLM 3 tháng, tuy nhiên, theo cô Nông Thùy Trang, giáo viên dạy học THLM Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Quang Long chia sẻ: Việc triển khai dạy học tích hợp trên thực tế đang gặp không ít khó khăn, nhất là tại các trường học vùng cao. Trong quá trình áp dụng tích hợp trong dạy học, tôi thấy học sinh rất hào hứng, tuy nhiên có một số khó khăn trong thực hiện chương trình như sách giáo khoa, thư viện nhà trường hiện nay thiếu rất nhiều đầu sách để các em tham khảo. Như trong môn dạy của tôi là môn Văn cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ của các môn khác để tích hợp như Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong một tiết học, để tích hợp nhiều nội dung như thế nhiều khi bị cháy giáo án, không đủ thời gian thực hiện và gặp khá nhiều khó khăn. Đối với chương trình mới này, các giáo viên phải tìm hiểu nhiều hơn trên sách, báo, mạng xã hội để vừa bổ sung kiến thức giảng dạy cho mình, vừa để theo kịp xu hướng thời đại đối với việc phát triển công nghệ thông tin hiện nay.

Trường THCS Quang Long cũng như hầu hết các trường vùng cao khác trên địa bàn tỉnh đều chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, dẫn đến tình trạng giáo viên và học sinh phải “dạy chay”, “học chay”, chưa được làm thí nghiệm hay thực hành, vì vậy rất khó hình dung thế nào là tích hợp. Bên cạnh điều kiện dạy và học chưa được đảm bảo, vấn đề nhân lực dạy tích hợp cũng là một bài toán khó mà các trường vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải. Đội ngũ giáo viên đào tạo đơn môn, không dễ gì đứng lớp dạy kiến thức 3 môn liên tiếp, với kiến thức tích hợp chuyên sâu.

Học sinh Trường THCS Quang Long (Hạ Lang) trong giờ học.

Học sinh Trường THCS Quang Long (Hạ Lang) trong giờ học.

Để đạt hiệu quả trong việc dạy THLM, nhà trường lựa chọn các môn có khả năng tích hợp tốt nhất để triển khai áp dụng trước; thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, dạy thử nội dung dạy THLM của từng bộ môn. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên chủ động tiếp cận dần với việc dạy THLM, giúp giáo viên không quá bị áp lực và từng bước khắc phục tâm lý ngại đổi mới. Tuy nhiên, với đặc thù là trường miền núi, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đông, trường còn thiếu giáo viên, các thầy cô hầu như phải thêm giờ, thêm tiết, soạn nhiều bài hơn, vất vả hơn.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, nhiều trường gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu giáo viên dạy liên môn, dạy tích hợp. Với một đơn vị kiến thức liên môn, đa phần giáo viên đều chưa đáp ứng được, hiện giáo viên chủ yếu vẫn dạy đơn môn, giáo viên bộ môn nào vẫn dạy môn đó. Dạy THLM có nhiều chủ đề, việc phân công giáo viên nào đảm trách dạy các chủ đề và kiến thức, trình độ của giáo viên có bảo đảm cho việc dạy các chủ đề của THLM hay không… cũng khiến nhiều trường lúng túng. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa có sự thống nhất các môn học với nhau, nhiều đơn vị kiến thức còn rời rạc, thiếu tính liên kết, bổ trợ lẫn nhau; giáo viên dạy THLM phải mất khá nhiều thời gian cho việc tập hợp, kết nối kiến thức và xây dựng thành các chủ đề dạy học.

Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, mỗi thầy cô giáo phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới tới học sinh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động, tâm huyết của các trường, các thầy, cô giáo trong việc thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng năng lực thường xuyên, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Lang Triệu Hoàng Trường cho biết: Hiện nay, trên địa bàn nhiều trường đang phải bố trí “2 trong 1”, “3 trong 1”, thậm chí nhiều hơn. Với những lớp học, cấp học thấp hơn, với sự nỗ lực của giáo viên, việc đảm bảo kiến thức cho học sinh cơ bản đáp ứng. Nhưng với những lớp học cao như từ lớp 8 trở lên, việc bố trí tăng cường, dạy kèm môn sẽ không hiệu quả vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kho-khan-trong-viec-day-hoc-tich-hop-lien-mon-3171034.html