Giải pháp giúp doanh nghiệp lương thực thực phẩm tăng trưởng nhanh sau dịch

Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cần chú trọng nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng; xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh.

Chế biến lương thực, thực phẩm từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu

Trong những năm gần đây ngành chế biến lương thực, thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị tác động nặng nề theo chiều hướng tiêu cực.

Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm ngành lương thực, thực phẩm. Ảnh Đỗ Doãn

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước năm 2020, thị trường ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2016-2020) là 7%.

Chia sẻ tại hội thảo “Những xu hướng thay đổi môi trường kinh doanh và giải pháp phục hồi cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh mới” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Huỳnh Thanh Điền – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, nhờ đó, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ (các kênh bán hàng trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021). Những dịch chuyển này trong xu hướng tiêu dùng đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

‘‘Để thích nghi với xu thế mới, doanh nghiệp (DN) cần chú trọng tới việc nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, thuận tiện trong vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh… và xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động’’ - TS. Huỳnh Thanh Điền khuyến nghị.

Các chuyên gia chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lương thực, thực phẩm phục hồi nhanh sau dịch. Ảnh Đỗ Doãn

Gợi mở giải pháp để ngành lương thực, thực phẩm phát triển vững

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững SDLT, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Bền vững TP. Hồ Chí Minh (IRSH), những cơ hội giúp DN phục hồi phát triển sản xuất trong bối cảnh mới hiện nay sẽ đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), những hỗ trợ từ Chính phủ và sự nỗ lực từ nội tại DN.

Các yếu tố trong bối cảnh mới hỗ trợ ngành lương thực, thực phẩm gồm việc đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng cho khoảng 7,9 tỷ người trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của thế giới và thể hiện tinh thần minh bạch, trách nhiệm.

Trong khi đó, Việt Nam xác định phát triển ngành lương thực, thực phẩm dựa trên nguyên tắc bền vững, hiện đại và an toàn. Ngoài ra, nền tảng để phát triển bền vững ngành lương thực, thực phẩm dựa trên các điều kiện khung như chiến lược của nhà nước, tận dụng tối đa cơ hội đến từ các FTA và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như sự trưởng thành của lực lượng sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng cũng gợi mở 6 nhóm giải pháp nhằm giúp ngành lương thực, thực phẩm phát triển vững chắc trong tương lai. Đó là thể chế hóa bộ khung pháp lý DN trong điều kiện mới; đầu tư phát triển hạ tầng hiện đại, bền vững; đầu tư và phát triển công nghệ thông minh tối ưu; đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; xây dựng DN lương thực, thực phẩm theo tiêu chuẩn mỗi DN là một tế bào kinh tế thông minh, trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt; thiết lập chuỗi, khu vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm bền vững./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-giup-doanh-nghiep-luong-thuc-thuc-pham-tang-truong-nhanh-sau-dich-97309.html