Giải pháp giúp gia tăng sản lượng khai thác và trữ lượng dầu khí

Với sản lượng khai thác sụt giảm khoảng 5 - 8%/năm trong khi việc gia tăng trữ lượng những năm gần đây lại không đủ bù khai thác, ngành dầu khí đang đối mặt nhiều thách thức trong duy trì sản lượng.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam về các giải pháp quan trọng để duy trì sản lượng khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiên liệu biến động phức tạp như hiện nay.

BNEWS: Thưa ông, sản lượng khai thác dầu khí trong nước sụt giảm theo từng năm, còn việc gia tăng trữ lượng lại không đủ bù khai thác đang tác động bất lợi gì cho Việt Nam?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Tại Việt Nam, Bạch Hổ là mỏ dầu khí đầu tiên được đưa vào khai thác từ năm 1986, đến nay mỏ này đã ở vào giai đoạn khai thác cuối. Tiếp theo Bạch Hổ, một loạt các mỏ khác cũng được đưa vào khai thác nhưng hiện các mỏ này cũng đã ở giai đoạn suy giảm.

Theo thống kê của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở Việt Nam đều đi vào khai thác từ năm 1986 - 2015. Trong đó, các mỏ có sản lượng lớn đều đã khai thác từ 15 - 35 năm, hiện ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao và tiếp tục tăng liên tục theo thời gian. Độ ngập nước trung bình của một số mỏ hiện đã ở mức 50 - 90%, dẫn đến sản lượng khai thác bị suy giảm tự nhiên như nhiều mỏ trên thế giới.

Để duy trì sản lượng khai thác, ngành dầu khí phải đầu tư tìm kiếm, thăm dò để có các phát hiện mới, các mỏ mới, trữ lượng mới bù sản lượng khai thác. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc đầu tư mới để gia tăng trữ lượng của ngành dầu khí bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là khi giá dầu giảm sâu và giảm dài.

BNEWS: Vậy ông có thể thông tin chi tiết hơn về các yếu tố ảnh hưởng tới bức tranh đầu tư mới nhằm gia tăng trữ lượng của ngành dầu khí, từ đó giúp bù sản lượng khai thác?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Trước hết, biến động giá dầu giảm sâu trong một thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò. Cùng đó, vùng hoạt động bị thu hẹp cũng là yếu tố khiến việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, xu thế chuyển dịch năng lượng cũng làm cho bức tranh đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng thay đổi. Tuy nhiên, sau xung đột Ukraine từ năm 2022 đến nay, giá dầu đã theo xu thế liên tục tăng lên và tác động không nhỏ tới nhiều nền kinh tế trên thế giới, khiến xu thế chuyển dịch năng lượng không diễn ra mong muốn. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quay trở lại hoạt động tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu khí mới trên thế giới.

Đối với Việt Nam, sau giai đoạn dài giá dầu giảm sâu, ngành dầu khí hầu như không ký được các hợp đồng dầu khí mới. Thực tế là từ năm 2019 đến nay, không có hợp đồng dầu khí mới nào được ký kết. Giai đoạn 2011-2018, ngành dầu khí cũng chỉ ký được ba đến bốn hợp đồng tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Cùng đó, các thủ tục đầu tư phức tạp hơn đã khiến cho việc phát hiện những cái mỏ dầu mới chậm trễ hơn. Thậm chí ngay cả khi có phát hiện mới, quy trình đưa mỏ mới vào khai thác cũng mất nhiều thời gian so với trước kia do những quy định mới.

Vì vậy, việc chặn đà suy giảm bằng những những công trình mới, mỏ mới trên thực tế đang diễn ra chậm hơn, làm cho sản lượng khai thác ngày một ít đi và ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách của Việt Nam.

Hoạt động dầu khí của PVEP tại mỏ Sông Đốc. Ảnh: PVEP

Hoạt động dầu khí của PVEP tại mỏ Sông Đốc. Ảnh: PVEP

BNEWS: Vậy thưa ông, ngành dầu khí đã triển khai các giải pháp gì để duy trì sản lượng khai thác dầu khí cũng như gia tăng trữ lượng?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Thời gian qua, PVN và các chủ mỏ đã triển khai khá hiệu quả nhiều giải pháp kinh tế, kỹ thuật để gia tăng sản lượng khai thác trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cụ thể, PVN và các chủ mỏ đang triển khai hiệu quả tận thăm dò, thăm dò mở rộng ở khu mỏ hiện hữu và những khu vực bên cạnh các mỏ đang khai thác trong phạm vi cho phép.

Ví dụ như Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) đã khoan thăm dò mở rộng khu vực phía Nam của mỏ Đại Hùng và đã có các phát hiện bổ sung. Bên cạnh đó, PVN và các chủ mỏ đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp về công nghệ, hóa học để nâng cao hệ số thu hồi dầu. Nhờ vậy, trong ngắn hạn, các giải pháp này đã giúp cải thiện một phần sản lượng khai thác và gia tăng trữ lượng của PVN và các chủ mỏ.

Tuy nhiên, thủ tục phê duyệt của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của các chủ mỏ. Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2023, Luật Dầu khí mới của Việt Nam đã có hiệu lực với nhiều điểm tiến bộ. Hiện các nhà đầu tư, các chủ mỏ đang kỳ vọng Luật Dầu khí mới sẽ giúp cải thiện tình hình.

BNEWS: Theo ông Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ gì để giúp ngành dầu khí gia tăng trữ lượng trong những năm tới, từ đó duy trì sản lượng khai thác dầu khí?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Để quay lại được sản lượng khai thác như trong quá khứ, ngành dầu khí phải ký được nhiều hợp đồng dầu khí mới, phải thu hút được đầu tư mới vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, từ đó có nhiều phát hiện dầu khí mới.

Để hiện thực được mục tiêu duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, bên cạnh nỗ lực của ngành dầu khí, sự quyết liệt của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước trong xem xét, phê duyệt các hợp đồng dầu khí mới và các phương án để có được các hợp đồng dầu khí mới là rất quan trọng.

Hiện Luật Dầu khí mới đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy để văn bản Luật với nhiều điểm tiến bộ này sớm đi vào cuộc sống, giúp rút ngắn thời gian và đơn giản hóa quy trình phê duyệt các hợp đồng dầu khí mới, các phương án để có được các hợp đồng dầu khí mới, từ đó giúp ngành dầu khí tận dụng cơ hội, gia tăng trữ lượng, duy trì sản lượng khai thác hoặc khai thác tận thu, thăm dò tận thu hoặc thăm dò mở rộng.

BNEWS: Thưa ông giá dầu thế giới tiếp tục biến động khó lường như hiện nay sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam, đặc biệt là các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam khi các nhà máy này vẫn phải nhập khẩu dầu thô phục vụ sản xuất?

Chủ tịch Nguyễn Quốc Thập: Các biến động địa chính trị đang ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và thị trường năng lượng thế giới. Theo đó, giá dầu thế giới đã tăng giảm khó lường và tác động nhất định đến nền kinh tế của các nước; trong đó có kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng.

Hiện nay, nguồn dầu thô phải mua từ các chủ mỏ nước ngoài đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đang lớn hơn nguồn dầu thô khai thác trong nước. Vì vậy, khi giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, với ngành dầu khí nói riêng, giá dầu cao sẽ giúp tăng nguồn thu cũng như có nguồn lực để ra các quyết định đầu tư thuận lợi hơn.

Với các nhà máy lọc dầu, thực tế cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các nhà máy trên thế giới đều tăng lên trong chu kỳ giá dầu tăng; ngược lại doanh thu và lợi nhuận sẽ kém đi ở giai đoạn giá dầu đi xuống do các nhà máy lọc dầu có đặc thù hoạt động khác với hoạt động kinh doanh sản phẩm xăng dầu thông thường.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Anh Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-giup-gia-tang-san-luong-khai-thac-va-tru-luong-dau-khi/312467.html