Giải pháp giúp học sinh hình thành năng lực tự học

Thầy Vũ Ngọc Hòa, giáo viên Trường THPT Biên Hòa (Đồng Nai) chia sẻ giải pháp giúp học sinh hình thành năng lực tự học.

Thầy Vũ Ngọc Hòa và học trò trong giờ học.

Thầy Vũ Ngọc Hòa và học trò trong giờ học.

Vì sao năng lực tự học của học sinh Việt Nam còn hạn chế?

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, năng lực tự học được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, phát triển tư duy độc lập và thích nghi với sự thay đổi của xã hội.

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năng lực tự học là một trong những năng lực cốt lõi cần được hình thành và phát triển ở học sinh. Tuy nhiên, thầy Vũ Ngọc Hòa nhận định, thực tế cho thấy năng lực tự học của học sinh Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này được thầy Vũ Ngọc Hòa phân tích như sau:

Thứ nhất, ảnh hưởng của phương pháp dạy học truyền thống, nặng về truyền thụ kiến thức theo lối “thầy đọc, trò chép”. Theo nghiên cứu của Nguyễn Quốc Chính (2020), học sinh Việt Nam thường học theo kiểu ghi nhớ máy móc thay vì phát triển tư duy phản biện và kỹ năng tự học. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh thụ động, không có thói quen tìm tòi và khám phá kiến thức.

Thứ 2 là thói quen học tập thụ động của học sinh. Do chịu ảnh hưởng từ phương pháp dạy học truyền thống, nhiều học sinh có xu hướng phụ thuộc vào giáo viên, thiếu kỹ năng tự tổ chức việc học và không chủ động tìm kiếm tài liệu tham khảo.

Thứ 3 là vai trò của gia đình chưa được phát huy đúng cách. Nhiều phụ huynh quan tâm đến điểm số hơn là quá trình học tập của con cái. Một số cha mẹ ép buộc con học thêm quá nhiều, làm mất đi động lực học tập tự nhiên của học sinh.

Thứ 4 là ảnh hưởng của công nghệ và mạng xã hội. Sự phát triển của công nghệ số đem đến nhiều cơ hội học tập nhưng cũng là một thách thức lớn. Nhiều học sinh dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội, trò chơi điện tử, dẫn đến xao nhãng việc học tập.

Giải pháp giúp học sinh hình thành năng lực tự học

Từ các nguyên nhân trên, thầy Vũ Ngọc Hòa gợi ý các giải pháp giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực tự học như sau:

Thứ nhất, giải pháp từ nhà trường. Các nhà trường cần xây dựng môi trường học tập khuyến khích tự học với việc phát triển không gian học tập mở như thư viện, phòng nghiên cứu, khu vực học nhóm để học sinh có thể chủ động tìm hiểu kiến thức.

Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy: Các nền tảng học tập trực tuyến như LMS (Learning Management System), bài giảng điện tử giúp học sinh có thể tiếp cận kiến thức mọi lúc, mọi nơi.

Tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm: Học tập dự án, học qua nghiên cứu, các cuộc thi học thuật sẽ giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học.

Thứ 2, giải pháp từ giáo viên, mà đầu tiên là đổi mới phương pháp giảng dạy. Giáo viên cần chuyển từ phương pháp “thuyết giảng” sang phương pháp “hướng dẫn”, giúp học sinh tự khám phá kiến thức.

Cùng với đó, thầy cô hướng dẫn học sinh kỹ năng tự học, như: dạy học sinh cách lập kế hoạch học tập, ghi chép hiệu quả, đọc sách khoa học, tìm kiếm tài liệu trên internet. Đồng thời, khuyến khích tư duy phản biện với việc đưa ra các câu hỏi mở, tổ chức thảo luận nhóm giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học và suy nghĩ độc lập.

Thứ 3, giải pháp từ phụ huynh. Các phụ huynh cần thay đổi cách hỗ trợ con cái trong học tập. Thay vì ép buộc con học theo khuôn mẫu, phụ huynh nên khuyến khích con tự đặt mục tiêu học tập và phát triển niềm yêu thích với việc học.

Tạo môi trường học tập tích cực tại nhà: Cần có không gian yên tĩnh để học sinh học tập, đồng thời giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử một cách hợp lý.

Đồng hành và động viên con: Theo nghiên cứu của Trần Thị Thanh (2021), học sinh có sự hỗ trợ đúng cách từ gia đình có khả năng tự học cao hơn những học sinh chịu áp lực từ cha mẹ.

Thứ 4, giải pháp từ chính học sinh. Theo đó, các em cần xây dựng thói quen tự học hàng ngày, như: thiết lập thời gian học cố định, tự tìm kiếm tài liệu và mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa. Rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin: biết cách sử dụng internet, tài liệu tham khảo và sách để hỗ trợ quá trình tự học. Tự đánh giá quá trình học tập: học sinh có thể sử dụng nhật ký học tập, bài kiểm tra tự đánh giá để kiểm soát tiến độ học tập của mình.

“Có thể nói, để phát huy năng lực tự học của học sinh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và chính học sinh. Khi tất cả các yếu tố này được kết hợp một cách hài hòa, học sinh Việt Nam sẽ có khả năng tự học tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”, thầy Vũ Ngọc Hòa chia sẻ.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-giup-hoc-sinh-hinh-thanh-nang-luc-tu-hoc-post720350.html